Trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái, nhiều doanh nghiệp cố gắng duy trì doanh thu thì các nền tảng giao đồ ăn tại Đông Nam Á vẫn có mức tăng trưởng khả quan và hướng đến mục tiêu lợi nhuận năm 2024.
>>>Năm 2023: Startup Grab chiếm 55% thị trường giao đồ ăn tại Đông Nam Á
Tổng quan thị trường giao đồ ăn Đông Nam Á năm 2023
Theo một báo cáo mới của hãng nghiên cứu thị trường Momentum Works, tổng chi tiêu cho việc giao đồ ăn trên các nền tảng tại Đông Nam Á có sự tăng trưởng khiêm tốn 5%, đạt 17,1 tỷ USD vào năm 2023.
Rõ ràng, các nền tảng giao đồ ăn là một trong những hoạt động kinh doanh thành công nhất kể từ đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, khi tốc độ tăng trưởng chậm lại trong thời kỳ hậu đại dịch, ngành này hiện đang phải xem xét khả năng phát triển của mình như thế nào.
Cũng theo Momentum Works, Grab của Singapore vẫn dẫn đầu thị trường trong khu vực với 55% thị phần. Đứng thứ hai là Foodpanda với 15,8% trong khi Gojek đứng thứ ba với 10,5%. Cả ShopeeFood và Line Man cũng cho thấy sự tăng trưởng đáng chú ý trong khu vực.
Chỉ tính riêng tại thị trường Việt Nam, Grab đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ với mức 30% bất chấp sự kiểm soát chi phí nhằm tìm kiếm lợi nhuận. Mặc dù vậy, Việt Nam được coi là thị trường giao đồ ăn nhỏ nhất khu vực.
“Grab tiếp tục giành được thị phần đáng kể tại Việt Nam, Singapore, Malaysia và Philippines, cũng như tại Indonesia - thị trường lớn nhất khu vực. ShopeeFood, vốn ít nhận được chú ý lại thực sự tăng trưởng nhiều nhất (hơn 60%); trong khi Line Man ở Thái Lan cũng ghi nhận mức tăng trưởng hai con số”, báo cáo của Momentum Works nêu rõ.
Về chi tiêu, tổng chi tiêu cho dịch vụ F&B ở Đông Nam Á ước tính là 125,2 tỷ USD vào năm 2023, vượt mức trước đại dịch, tuy nhiên, các thương hiệu F&B cao cấp (đặc biệt là ở Singapore) phải đối mặt với nhiều thách thức. Nhiều thương hiệu cao cấp ở Singapore nhận thấy sự khó khăn, nhiều thương hiệu phải dùng đến các biện pháp cắt giảm chi phí trong bối cảnh bất ổn vĩ mô và lạm phát.
Năm 2023 cũng chứng kiến sự gia nhập và mở rộng nhanh chóng của các thương hiệu F&B Trung Quốc sang Đông Nam Á. Xu hướng này được minh chứng bởi 30 cửa hàng của Luckin Coffee tại Singapore và gần 4.000 cửa hàng của Mixue trên khắp Đông Nam Á. Các thương hiệu thuộc nhiều chủng loại và quy mô cũng đã có mặt trong khu vực. Họ đã vận dụng bí quyết của mình vào các hoạt động tại cửa hàng, tiếp thị, vận hành người dùng và quản lý nhượng quyền thương mại. Động lực này dự kiến sẽ còn tăng cao hơn nữa vào năm 2024.
>>>Vì đâu ứng dụng giao đồ ăn Baemin chính thức khép lại sau 4 năm gia nhập thị trường Việt?
>>>Mô hình giao đồ ăn khủng hoảng?
Nhìn về năm 2024
Ở thời điểm hiện tại, hầu hết các nền tảng giao đồ ăn Đông Nam Á đều đã đạt được hoặc đang trên đà đạt được mức hòa vốn EBITDA đã điều chỉnh (Lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao), với một số nền tảng nhắm mục tiêu dòng tiền tự do dương vào năm 2024. Tuy nhiên, như kinh nghiệm của các gã khổng lồ giao đồ ăn như là Meituan và Uber đã chỉ ra, lợi nhuận có thể không phải là trạng thái cố định, các nền tảng cần liên tục cân bằng tăng trưởng với khả năng sinh lời bền vững.
Rõ ràng, ngay cả khi tập trung vào năng lực cốt lõi của mình, những công ty dẫn đầu cũng vẫn cần phải để mắt đến những thay đổi tiềm năng của thị trường và những thách thức mới nổi.
“Với mức tiêu thụ F&B tăng mạnh, tỷ lệ thâm nhập dịch vụ giao đồ ăn thấp và sự hợp nhất đang diễn ra, có rất nhiều dư địa để phát triển cho các nền tảng giao đồ ăn trong khu vực”, ông Jianggan Li, giám đốc điều hành và người sáng lập của Momentum Works cho biết.
Đơn cử như trường hợp của Grab, nền tảng giao đồ ăn hàng đầu khu vực hiện chỉ có 5% dân số trong 600 triệu dân của khu vực là khách hàng giao dịch hàng tháng. Trong bối cảnh dân số chưa được khai thác hết ở các thành phố lớn, việc mở rộng sang các thành phố nhỏ hơn và phục vụ khách du lịch có thể sẽ mang lại cơ hội tăng trưởng hơn nữa cho Grab.
Về mặt chiến lược kinh doanh, những công ty giao đồ ăn hiện đang sử dụng quảng cáo để mở rộng doanh thu, chẳng hạn như quảng cáo sản phẩm để thu hút nhiều khoản đầu tư hơn cho người bán. Các nền tảng cũng đang mở rộng danh mục sản phẩm quảng cáo của mình để đáp ứng nhu cầu riêng biệt của nhiều thương hiệu khác nhau, bao gồm các chuỗi F&B lớn, các cửa hàng F&B nhỏ và các thương hiệu FMCG.
Nhìn chung, năm 2024 dường như là một năm đầy hứa hẹn đối với Grab và các người chơi khác trong lĩnh vực giao đồ ăn ở Đông Nam Á, tất cả phụ thuộc vào cách họ sẽ “chơi” như thế nào để duy trì lợi nhuận trước sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trong ngành.
Có thể bạn quan tâm
Các ứng dụng giao đồ ăn tiếp tục xuống dốc
01:30, 16/12/2023
Mô hình giao đồ ăn khủng hoảng?
04:00, 27/10/2023
Vì sao công ty khởi nghiệp giao đồ ăn Getir rút khỏi thị trường?
01:12, 02/08/2023
Giao đồ ăn từ đầu bếp tới thực khách
04:01, 13/03/2023
Ảm đạm thị trường giao đồ ăn Đông Nam Á
04:00, 30/01/2023
Startup giao đồ ăn đang chết dần ở Hàn Quốc
02:23, 24/08/2022