Năm 2024 dự báo vẫn tiếp tục là "điểm nóng" phát sinh khiếu nại, tố cáo hành chính liên quan đến đất đai, môi trường…
>>Đại biểu Quốc hội kiến nghị về dự thảo Nghị quyết thuế
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh tại phiên thảo luận về kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2023, ngày 22/11.
Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, báo cáo của Chính phủ đã tích hợp, phản ánh toàn diện kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) về hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước và của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm toán nhà nước theo đúng yêu cầu của Quốc hội.
Qua Báo cáo cho thấy, công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC năm 2023 tiếp tục có sự đổi mới, đạt kết quả tích cực, giải quyết kịp thời theo quy định của pháp luật đối với 81,7% số vụ việc khiếu nại, 86,3% số vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền.
Ủy ban Pháp luật đánh giá cao nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương; những kết quả đạt được trong công tác này đã góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Về công tác tiếp công dân, Ủy ban Pháp luật đánh giá cao kết quả đạt được trong công tác tiếp công dân năm 2023. Mặc dù số lượt, số vụ việc và số đoàn đông người tăng mạnh so với năm 2022 nhưng Thanh tra Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương vẫn tổ chức thực hiện tốt công tác tiếp công dân, cho thấy lĩnh vực này đang có những chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, việc công dân trực tiếp đến các Bộ, ngành để KNTC, kiến nghị, phản ánh tăng mạnh, nhất là về số lượng đoàn đông người cho thấy hiệu quả công tác giải quyết KNTC ở cơ sở còn hạn chế, tình hình công dân khiếu kiện lên các cơ quan ở Trung ương vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp; do đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo đánh giá làm rõ nguyên nhân để có giải pháp phù hợp giải quyết dứt điểm các vụ việc KNTC ngay từ cơ sở, không để xảy ra tình trạng KNTC vượt cấp, bức xúc, kéo dài.
Về kết quả tiếp nhận và xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ làm rõ lý do dẫn đến số lượng đơn thuộc trách nhiệm xử lý của Bộ, ngành tăng cao, số đơn đủ điều kiện xử lý giảm để có giải pháp khắc phục phù hợp, bảo đảm hiệu quả, chất lượng của công tác tiếp nhận, xử lý đơn, giảm tải khối lượng công việc cho cán bộ, công chức làm công tác này.
Về kết quả giải quyết khiếu nại, theo báo cáo cho thấy chất lượng giải quyết công việc của cơ quan nhà nước chưa thực sự có chuyển biến tích cực, có mặt còn kém hơn so với năm 2022.
“Chất lượng giải quyết khiếu nại lần đầu của các cơ quan nhà nước chưa được cải thiện mặc dù đã có nhiều giải pháp được áp dụng. Đề nghị Chính phủ tiếp tục đánh giá, làm rõ nguyên nhân để đề ra giải pháp khắc phục hiệu quả”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh.
Về kết quả giải quyết tố cáo, Ủy ban Pháp luật nhận thấy năm 2023 tổng số vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước các cấp là 7.666 vụ việc, tăng 15,5%. Trong đó, đã giải quyết 6.618 vụ việc, đạt 86,3%, cao hơn mục tiêu đề ra (85%) thể hiện sự cố gắng, nỗ lực của cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong công tác giải quyết tố cáo.
Tuy nhiên, số vụ việc tố cáo tăng nhiều cho thấy hoạt động của bộ máy hành chính công vụ còn không ít bất cập, người dân còn thiếu tin tưởng vào sự khách quan, công tâm của một bộ phận công chức, người có thẩm quyền trong giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp. Do đó, đề nghị Chính phủ cần đánh giá kỹ để có giải pháp khắc phục hiệu quả hơn.
Về kết quả kiểm tra, rà soát và việc giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài, đề nghị Chính phủ báo cáo bổ sung, cung cấp số liệu cụ thể hơn về tình hình giải quyết các vụ việc KNTC tồn đọng, phức tạp, kéo dài.
Kết quả rà soát, giải quyết các vụ việc theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đề xuất, kiến nghị của cơ quan khác có liên quan. Đồng thời, từ Báo cáo năm sau, đề nghị Chính phủ trình Quốc hội kèm theo Danh mục các vụ việc KNTC tồn đọng, phức tạp, kéo dài để có cơ sở giám sát việc giải quyết.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với đánh giá về tồn tại, hạn chế trong công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC về hành chính năm 2023 được nêu trong Báo cáo của Chính phủ.
Đồng thời nhận thấy, một số hạn chế, bất cập và nguyên nhân là những vấn đề tồn tại từ nhiều năm, đã được nêu trong Báo cáo của Chính phủ các năm trước, được Ủy ban Pháp luật chỉ ra trong các báo cáo thẩm tra hằng năm song đến nay vẫn chưa được khắc phục triệt để.
Do đó, đề nghị Chính phủ báo cáo cụ thể hơn kết quả của việc khắc phục những hạn chế, bất cập này; đồng thời, bổ sung, làm rõ “địa chỉ” cụ thể cơ quan, địa phương còn nhiều tồn tại, hạn chế để xác định trách nhiệm và có chế tài xử lý thích hợp, giúp cho công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC trong thời gian tới tại những nơi này có chuyển biến thực sự.
Năm 2024, cùng với các dự án đầu tư lớn đã và đang được triển khai, các dự án phát triển kinh tế - xã hội khác tại các địa phương có tốc độ đô thị hóa cao dự báo vẫn tiếp tục là điểm nóng phát sinh KNTC hành chính liên quan đến đất đai, môi trường, nhất là đối với các dự án phải thu hồi đất, bồi thường, tái định cư...
“Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần quan tâm, bám sát tình hình, quyết liệt chỉ đạo, đề ra các nhiệm vụ cụ thể tăng cường trách nhiệm của các cơ quan có liên quan để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, không để xảy ra tình trạng KNTC phức tạp”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nói.
>>Quốc hội khóa XV: Đổi mới đã tạo ra những bước tiến mới về chất
>>Cử tri và nhân dân có quyền được biết tiến độ thực hiện các lời hứa trước Quốc hội
Trước đó, trình bày Báo cáo về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, về kết quả tiếp công dân, đối với các cơ quan hành chính, trong năm 2023, có 391.512 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 294.909 vụ việc, có 2.943 đoàn đông người. Tòa án nhân dân các cấp đã tiếp 285 lượt người về 253 vụ việc. Viện kiểm sát nhân dân các cấp và Kiểm toán nhà nước không có công dân đến khiếu nại, tố cáo.
Về kết quả tiếp nhận và xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, đối với các cơ quan hành chính tiếp nhận 453.097 đơn các loại; đã xử lý 428.955 đơn, có 348.181 đơn đủ điều kiện, trong đó có 52.637 đơn khiếu nại, 22.342 đơn tố cáo; có 29.040 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền.
Tòa án nhân dân các cấp đã tiếp nhận 386 đơn các loại, trong đó có 74 đơn khiếu nại, 313 đơn tố cáo; 141 đơn đủ điều kiện thụ lý. Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã tiếp nhận 99 đơn, trong đó 05 đơn khiếu nại, 57 đơn tố cáo, 37 đơn kiến nghị, phản ánh; có 04 đơn đủ điều kiện thụ lý. Kiểm toán nhà nước đã tiếp nhận 112 đơn, trong đó có 12 đơn thuộc thẩm quyền (tố cáo 10 đơn, kiến nghị phản ánh 02 đơn).
Về kết quả giải quyết khiếu nại, các cơ quan hành chính đã giải quyết 17.463/21.374 vụ việc, đạt 81,7%. Tòa án nhân dân các cấp đã giải quyết 29/29 đơn. Viện kiểm sát nhân dân các cấp và Kiểm toán nhà nước không có vụ việc thuộc thẩm quyền.
Về kết quả giải quyết tố cáo, cơ quan hành chính đã giải quyết 6.618/7.666 vụ việc, đạt 86,3%. Tòa án nhân dân các cấp đã giải quyết 100/110 đơn. Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã thụ lý, giải quyết 04 đơn. Kiểm toán nhà nước đã giải quyết 10/10 đơn.
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, việc kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài, các vụ việc công dân khiếu kiện đến trụ sở các cơ quan trung ương và nhà riêng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt với nhiều biện pháp, thúc đẩy cả hệ thống chính trị vào cuộc (một số vụ việc phức tạp, Thủ tướng Chính phủ trực tiếp họp với các bộ, ngành địa phương để cho ý kiến chỉ đạo xử lý).
Các bộ ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đã chủ động chỉ đạo, kiểm tra, rà soát nhiều vụ việc phức tạp, gây bức xúc trong Nhân dân, dư luận xã hội quan tâm để đề rà các giải pháp giải quyết, xử lý nghiêm, khách quan, đúng pháp luật, góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự xã hội của từng địa phương và cả nước.
Việc thực hiện các kiến nghị của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giải quyết đơn do các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu, đại biểu Quốc hội chuyển đến thường xuyên được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, trong đó có pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo được thực hiện dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú, sáng tạo.
Phân tích những tồn tại, hạn chế, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, công tác tiếp công dân, mặc dù đã chuyển biến tốt hơn so với giai đoạn trước nhưng việc thực hiện tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu một số cơ quan bộ ngành, địa phương chưa thực hiện đầy đủ theo quy định của Luật; chất lượng xử lý đơn ở một số địa phương chưa cao, còn tình trạng sai sót, nhầm lẫn, chưa xem xét xử lý kịp thời ngay từ cơ sở.
Tỷ lệ giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của các cơ quan hành chính thấp hơn so với năm 2022 và chưa đạt mục tiêu phấn đấu (85%); chất lượng giải quyết ở một số địa phương còn hạn chế; việc tổ chức thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo có nơi còn chậm, chưa triệt để.
“Việc kiểm tra, rà soát các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài ở một số địa phương chưa chủ động, còn chậm so với yêu cầu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong bày tỏ.
Việc xem xét giải quyết một số vụ việc do các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu, đại biểu Quốc hội chuyển đến còn chậm, chưa kịp thời báo cáo kết quả thực hiện. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nói chung và pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nói riêng còn nhiều hạn chế, hiệu quả chưa cao, nhất là ở những nơi vùng sâu, vùng xa.
Có thể bạn quan tâm
16:04, 20/11/2023
03:00, 19/11/2023
15:31, 09/11/2023
11:04, 06/11/2023