Nam Định: Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào khu công nghiệp

HẢI NGÂN 15/07/2021 01:06

Tăng cường xúc tiến đầu tư, đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng, cải cách các thủ tục hành chính… đang được tỉnh Nam Định thực hiện để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các KCN.

Năm 2021, tỉnh Nam Định đã phê duyệt 36 dự án kêu gọi đầu tư. Trong đó, tập trung thu hút đầu tư vào các lĩnh vực có thế mạnh của địa phương, lĩnh vực còn nhiều dư địa để phát triển; khuyến khích lựa chọn các dự án đầu tư có chất lượng, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường và có giá trị gia tăng cao.

Công nhân làm việc tại KCN Bảo Minh, tỉnh Nam Định

Công nhân làm việc tại KCN Bảo Minh, tỉnh Nam Định (Ảnh: Báo Nam Định)

Đặc biệt, trong lĩnh vực phát triển hạ tầng KCN, tỉnh Nam Định đã kêu gọi đầu tư hạ tầng KKT Ninh Cơ tại các huyện: Hải Hậu, Nghĩa Hưng với quy mô 13.950ha; đầu tư hạ tầng KCN Hồng Tiến tại huyện Ý Yên, với quy mô 114ha; đầu tư hạ tầng KCN Mỹ Trung tại thành phố Nam Định, với quy mô 150ha.

Còn trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, lắp ráp điện tử, dân dụng, tỉnh Nam Định đã mời gọi đầu tư một số dự án thuộc các KCN, CCN trên địa bàn gồm: Các nhà máy sản xuất sản phẩm, thiết bị phụ trợ ngành dệt - may, điện, điện tử, cơ khí.

Việc kêu gọi đầu tư này được xác định sẽ tạo bước đột phá trong phát triển kinh kế - xã hội của tỉnh Nam Định. Và để “mở đường” cho các doanh nghiệp đầu tư vào các KCN, từ đó phục hồi lại nền kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch, tỉnh Nam Định đã đưa ra nhiều giải pháp để đồng hành cùng các doanh nghiệp.

KCN Dệt may Rạng Đông, tỉnh Nam Định thu hút nhiều nhà đầu tư sử dụng công nghệ cao trong lĩnh vực dệt may

KCN Dệt may Rạng Đông, tỉnh Nam Định thu hút nhiều nhà đầu tư sử dụng công nghệ cao trong lĩnh vực dệt may

Theo BQL các KCN tỉnh Nam Định, để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các KCN trên địa bàn, thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với các sở, ngành địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước về đầu tư. Trong đó, tập trung đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các dự án có vốn đầu tư lớn, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường về đầu tư tại các KCN của tỉnh.

Bên cạnh đó, việc đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng KCN cũng được BQL các KCN tỉnh hết sức chú trọng. Bởi trên thực tế, các KCN trên địa bàn tỉnh Nam Định vẫn đang gặp khó trong công tác xây dựng hạ tầng; GPMB và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…

Đơn cử như tại KCN Dệt may Rạng Đông, hiện tiến độ triển khai dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN còn chậm, chưa thống nhất được quy hoạch hệ thống thoát nước theo phương án quy hoạch chung xây dựng khu chức năng phía nam đô thị Rạng Đông với quy hoạch hệ thống thoát nước của KCN.

Còn tại KCN Mỹ Trung, tỉnh Nam Định vừa có quyết định thu hồi dự án từ công ty CP Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh (chủ đầu tư cũ) để chuyển giao cho nhà đầu tư khác tiếp tục xây dựng. Tuy nhiên, việc xử lý còn gặp nhiều vướng mắc.

Hay như dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Mỹ Thuận do Công ty cổ phần Xây dựng hạ tầng Ðại Phong làm chủ đầu tư. Dự án được UBND tỉnh Nam Định ký quyết định thành lập vào tháng 3/2021, với tổng vốn đầu tư là 1.621,236 tỷ đồng, quy mô 158,48ha ở huyện Mỹ Lộc và huyện Vụ Bản. Đến nay, dự án vẫn đang trong quá trình thực hiện các thủ tục liên quan đến GPMB.

Ngoài ra, công tác cải cách các thủ tục hành chính cũng được rút ngắn, giải quyết đúng và trước hạn so với quy định. Từ đó, tạo được sức hút đối với các nhà đầu tư thứ cấp, đặc biệt là các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư trong lĩnh vực dệt may.

Theo ông Trần Minh Hoan - Trưởng BQL các KCN tỉnh Nam Định, trên địa bàn tỉnh hiện có 5 KCN đã được thành lập. Các KCN được thành lập đã góp phần hiện đại hóa hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng, thúc đẩy cải cách hành chính, tạo môi trường thông thoáng trong thu hút kêu gọi đầu tư. Nhờ đó, các KCN trên địa bàn tỉnh đã trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Theo đại diện BQL các KCN tỉnh Nam Định, 6 tháng đầu năm 2021, tỉnh Nam Định đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 3 dự án FDI với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 1,5 triệu USD và 2.024,25 tỷ đồng. Đồng thời, điều chỉnh cho 11 dự án, trong đó có 3 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng số vốn điều chỉnh tăng thêm là 12,9 triệu USD; chấp thuận giãn tiến độ cho 2 dự án tại KCN Bảo Minh và KCN Mỹ Trung.

Lũy kế đến nay, trên địa bàn các KCN tỉnh Nam Định có 187 dự án đầu tư của 161 nhà đầu tư thứ cấp. Trong đó có 52 dự án của 48 nhà đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký là 1.014,013 triệu USD và 8.090 tỷ đồng; 7 dự án đầu tư của 4 nhà đầu tư hạ tầng với tổng số vốn đăng ký là 7.556,236 tỷ đồng.

Theo đại diện Tập đoàn Địa ốc Cát Tường, nhà đầu tư hạ tầng KCN Dệt may Rạng Đông cho biết, trong điều kiện đại COVID-19 diễn biến phức tạp, tỉnh Nam Định đã tạo điều kiện tối đa để các đối tác nước ngoài của Tập đoàn kết nối với Trung ương giải quyết thuận lợi thủ tục nhiều đợt xuất nhập cảnh cũng như các hoạt động tiếp cận, xúc tiến đầu tư của các chuyên gia, doanh nhân nước ngoài. Nhờ đó mà nhiều nhà đầu tư thứ cấp đã quyết định đầu tư tại KCN Dệt may Rạng Đông.

Được biết, 6 tháng đầu năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp trong KCN đạt 12.000 tỷ đồng, bằng 46,26% kế hoạch năm; giá trị xuất khẩu đạt 450 triệu USD, bằng 45% kế hoạch năm. Các doanh nghiệp trong KCN đã nộp ngân sách nhà nước khoảng 200 tỷ đồng. Đồng thời, tạo việc làm cho trên 4,5 vạn lao động, với thu nhập bình quân đạt 6,3 triệu đồng/người/tháng.

Đây là con số đang ghi nhận của các doanh nghiệp tại các KCN Nam Định trong thời điểm dịch COVID -19 tác động đến toàn ngành kinh tế. Và việc tiếp tục đầu tư mở rộng, tạo môi trường thông thoáng trong đầu tư kinh doanh sẽ mở ra cơ hội lớn để Nam Định thu hút đầu tư vào các KCN trên địa bàn.

Trước đó, nhiều dự án đầu tư sử dụng công nghệ cao đến từ các tập đoàn lớn trên thế giới cũng đã lựa chọn tỉnh Nam Định làm điểm dừng chân. Điển hình như: Dự án nhà máy dệt TOP Textiles được Công ty TNHH TOP Textiles Việt Nam thuộc KCN Dệt may Rạng Đông. Dự án do nhà đầu tư Hongkong (Trung Quốc) liên kết với tập đoàn kinh tế đa ngành Nhật Bản triển khai xây dựng trên diện tích 31,2 ha với tổng mức đầu tư hơn 200 triệu USD. Dự kiến sau khi hoàn thành và đi vào hoạt động năm 2023, dự án sẽ tạo việc làm cho hơn 3.000 lao động.

Còn dự án nhà máy dệt may Jehong Textile được Công ty TNHH Jehong Textile Việt Nam triển khai xây dựng trên diện tích 3,06 ha tập trung vào lĩnh vực nhuộm vải, với tổng mức đầu tư hơn 6 triệu USD với công suất trung bình 16,5 triệu mét vải/năm. Dự kiến, dự án khi đi vào hoạt động sẽ tạo việc làm cho hơn 300 lao động.

Có thể bạn quan tâm

  • Bán phở bò Nam Định ở trời Âu, cô gái 9x thu về 3,4 triệu USD

    Bán phở bò Nam Định ở trời Âu, cô gái 9x thu về 3,4 triệu USD

    04:19, 06/07/2021

  • Nam Định: Quyết xây dựng thành công mô hình chính quyền điện tử

    Nam Định: Quyết xây dựng thành công mô hình chính quyền điện tử

    16:34, 25/06/2021

  • Nam Định: Gỡ khó công tác xây dựng hạ tầng trong khu công nghiệp

    Nam Định: Gỡ khó công tác xây dựng hạ tầng trong khu công nghiệp

    02:26, 23/06/2021

  • Nam Định: Rực sắc cờ trước thềm “ngày hội toàn dân”

    Nam Định: Rực sắc cờ trước thềm “ngày hội toàn dân”

    16:40, 20/05/2021

  • Vụ dầu diesel lẫn nước tại Nam Định: Petrolimex nói gì?

    Vụ dầu diesel lẫn nước tại Nam Định: Petrolimex nói gì?

    11:00, 08/05/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nam Định: Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào khu công nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO