Nam Định: Đưa khoa học công nghệ để bảo tồn và phát triển các làng nghề

Diendandoanhnghiep.vn Thời gian qua, với sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại, các làng nghề truyền thống không những bảo tồn và phát triển làng nghề mà còn đưa các sản phẩm vươn xa ra thị trường thế giới.

>>> Nam Định: Khẩn trương xử lý công trình vi phạm trật tự xây dựng tại Bến xe ô tô

Theo tỉnh Nam Định: xác định việc bảo tồn và phát triển làng nghề có vai trò quan trọng trong thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động nông thôn, tạo việc làm và nâng cao đời sống của người dân; bảo vệ, giữ gìn cảnh quan, không gian làng nghề, đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại mở rộng thị trường; phát huy vai trò của các nghệ nhân, thợ giỏi, người có tay nghề cao; khuyến khích sự lan tỏa, cấy nghề và phát triển sản phẩm mới; hỗ trợ phát triển làng nghề có điều kiện gắn với du lịch và xây dựng nông thôn mới.

Chăm sóc cây cảnh tại làng nghề cây cảnh Vị Khê, xã Điền Xá (Ảnh: Báo Nam Định)

Chăm sóc cây cảnh tại làng nghề cây cảnh Vị Khê, xã Điền Xá (Ảnh: Báo Nam Định)

Nhờ việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất, nhiều cơ sở, doanh nghiệp tại các làng nghề trong tỉnh đã nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm bớt chi phí lao động, mang lại thu nhập cao và đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Làng nghề làm miến xã Nghĩa Lâm - Nghĩa Hưng, với hơn 40 hộ tham gia sản xuất được biết đến với các sản phẩm miến gạo, miến dong “nức tiếng” trong và ngoài tỉnh; nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng. Nếu sản xuất thủ công thì không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường, hơn chục hộ gia đình đã mạnh dạn ứng dụng khoa học, đưa máy móc thiết bị vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Anh Trần Văn Bân – Xưởng sản xuất miến xóm 13 chia sẻ, "để nghề truyền thống của gia đình phát triển phù hợp với thị trường hiện nay, tôi đã đầu tư mở rộng xưởng sản xuất, mua sắm máy làm miến, máy sấy, vắt chân không, vo gạo liên hoàn… Khi ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tôi thấy chất lượng sản phẩm nâng lên rõ rệt. Các sợi miến mỏng, được thái đều, dai, mềm, có vị đậm đà và ăn ngon đều hơn".

Cũng theo anh Bân, hiện mỗi ngày cơ sở sản xuất trên 5 tạ miến. Những ngày cao điểm, nhất là vào vụ hàng tết, cơ sở sản xuất “hết công suất” với sản lượng trên 1 tấn miến/ngày mới đủ sản phẩm cung ứng ra thị trường. Đầu tư khoa học công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng, tăng hiệu quả sản xuất, thu nhập chính là động lực để cơ sở của gia đình anh tiếp tục xây dựng, gìn giữ, phát triển nghề truyền thống và mở rộng sản xuất.

Xã Hải Minh (Hải Hậu) từ lâu đã nổi tiếng với nghề sản xuất đồ gỗ thủ công mỹ nghệ. Nhờ phát huy tốt bản sắc văn hóa, không ngừng sáng tạo, mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm nên thời gian qua, nhiều sản phẩm của các làng nghề xã Hải Minh đã tạo được thương hiệu vững chắc trên thị trường, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho nhiều hộ dân.

Ông Trần Thanh Phong - Chủ tịch UBND xã Hải Minh cho biết: Hàng năm, xã phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, dạy nghề, truyền nghề cho gần 1.000 lượt lao động. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư đổi mới, áp dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, đảm bảo môi trường sinh thái.

Ngoài ra, xã còn tạo điều kiện thuận lợi để các hộ tiếp cận vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Từ đó đã tạo động lực để các cơ sở sản xuất đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, bảo tồn và phát triển làng nghề.

Toàn tỉnh Nam Định hiện có 142 làng nghề (Ảnh minh họa)

Toàn tỉnh Nam Định hiện có 142 làng nghề (Ảnh minh họa)

Theo ông Nguyễn Văn Hùng – Doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ chia sẻ: Bên cạnh những đôi bàn tay khéo léo của người thợ nghề. Nhiều năm nay doanh nghiệp có nhập thêm nhiều loại máy móc hiện đại như: máy CNC đục gỗ vi tính, máy điêu khắc mỹ thuật CNC… đã tạo ra sự đa dạng, phong phú về sản phẩm. Từ những đồ thông dụng như: giường, tủ, bàn, ghế đến các sản phẩm có giá trị cao như tranh, tượng, tủ chè, sập, tràng kỉ, đồ thờ cúng… vừa mang phong cách nghệ thuật truyền thống lại có xu hướng thẩm mỹ hiện đại, thần thái, sắc nét.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh có 142 làng nghề, trong đó có 80 làng nghề được UBND tỉnh công nhận làng nghề truyền thống đạt các tiêu chí theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Để tăng giá trị sản phẩm, nhiều làng nghề trên địa bàn tỉnh đã tích cực ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới thiết bị trong sản xuất, thay thế dần các hoạt động lao động chân tay hay công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường, sản phẩm làm ra cũng không đảm bảo chất lượng, năng suất thấp dẫn đến khó cạnh tranh trên thị trường.

Chẳng hạn như nhiều cơ sở sản xuất ở làng nghề cơ khí, đúc Tống Xá, thị trấn Lâm (Ý Yên) đầu tư thiết bị hiện đại như: máy cắt CNC; máy phân tích quang phổ chuyên dụng, máy mài CNC… tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng, phong phú, đạt độ tinh xảo từ đồ vật phong thủy, tranh, hoành phi, câu đối đến tượng chân dung. Ở làng nghề sản xuất đồ gỗ, mộc mỹ nghệ làng Kênh, thị trấn Cổ Lễ - Trực Ninh đưa máy móc thực hiện các công đoạn xẻ, khoan, cưa, đục, tiện, phay, bào, đánh bóng, phun sơn đã được thay thế sức người thủ công bằng máy móc nên giúp nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm lao động nặng nhọc cho thợ.

Để đạt kết quả đó, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kịp thời các cơ chế, chính sách về phát triển ngành nghề nông thôn đến doanh nghiệp, người dân.

Thực hiện các mô hình khuyến công; hỗ trợ, khuyến khích các hộ làm nghề mạnh dạn đầu tư trang bị máy móc, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất dần thay thế các công đoạn thủ công, hướng đến sản xuất tự động hoá. Kết nối với các tổ chức tín dụng tạo điều kiện giúp các cơ sở sản xuất, hộ làm nghề tiếp cận và thụ hưởng các chính sách tài chính, tín dụng hỗ trợ sản xuất, nguồn vốn vay ưu đãi.

Sở Khoa học và Công nghệ đã thực hiện tốt chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Hỗ trợ tạo lập, quản lý, duy trì và phát triển cho các sản phẩm làng nghề, trong đó ưu tiên các sản phẩm thuộc chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) về nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận như: nước mắm Giao Châu, cá bống bớp Nghĩa Hưng, đồ gỗ La Xuyên, bánh nhãn Hải Hậu…

Nam Định có 80 làng nghề được UBND tỉnh công nhận làng nghề truyền thống đạt các tiêu chí theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn.

Nam Định có 80 làng nghề được UBND tỉnh công nhận làng nghề truyền thống đạt các tiêu chí theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn.

Đồng thời thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ về nghiên cứu đánh giá ô nhiễm làng nghề cơ khí và xây dựng mô hình điểm hệ thống xử lý nước thải làng nghề nhằm giải quyết các vấn đề ngăn ngừa, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường do hoạt động phát triển làng nghề gây ra.

Có thể nói, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển làng nghề hiện nay đã góp phần khai thác tương đối hợp lý tiềm năng lợi thế về địa lý, tài nguyên và con người ở từng địa phương kết hợp từ các quy mô nhỏ đến lớn; đồng thời huy động được nguồn vốn và nhân lực xã hội của nhiều thành phần kinh tế vào sản xuất công nghiệp với tốc độ cao.

Thời gian tới, Nam Định tập trung duy trì và phát triển đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi, tạo nòng cốt thúc đẩy công tác đào tạo, truyền nghề, thực hành nghề thủ công truyền thống; bảo tồn, phát triển kỹ năng, sáng tạo thêm nhiều sản phẩm, tác phẩm mới có giá trị. Trong đó, tập trung hỗ trợ các làng nghề đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, máy móc, trang thiết bị, dây chuyền sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Tỉnh phát triển các làng nghề sản xuất những sản phẩm có giá trị kinh tế cao, có khả năng phát triển mở rộng thị trường trong nước và tiềm năng xuất khẩu, gồm các nhóm nghề (chế biến bảo quản nông, lâm sản,...); hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, hỗ trợ tem, nhãn, truy xuất nguồn gốc sản phẩm làng nghề. Đồng thời, hỗ trợ phát triển làng nghề gắn với du lịch và xây dựng nông thôn mới. Hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện điều kiện sản xuất và bảo vệ môi trường làng nghề…

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Nam Định: Đưa khoa học công nghệ để bảo tồn và phát triển các làng nghề tại chuyên mục Xe - Công nghệ của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714329339 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714329339 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10