Tỉnh Nam Định đang nỗ lực triển khai, phát triển nhà ở xã hội nhằm hiện thực hóa giấc mơ an cư cho người lao động. Đây cũng chính là một động lực trong phát triển của tỉnh.
>>>Nam Định: Hàng loạt chung cư hết niên hạn sử dụng
Từ giấc mơ ‘an cư”
Chị Nguyễn Thị Hương, công nhân trong Khu công nghiệp Rạng Đông cho biết, từ địa phương khác tới huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định làm việc, không có chỗ ở, hai vợ chồng chị cùng một con nhỏ phải thuê nhà trọ hơn 10 m2 của người dân gần chỗ làm. Căn phòng vừa chật chội, bí bách vì thế có được một căn nhà ở xã hội luôn là mơ ước của gia đình…
Có được một căn nhà để an cư và gắn bó với công việc không chỉ là ước mơ của riêng gia đình chị Hương mà còn là ước mong của hàng chục nghìn công nhân, lao động ở các địa phương khác đang làm việc tại các nhà máy, doanh nghiệp trên địa bàn.
Theo Sở Xây dựng Nam Định: Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030 hoàn thành 17.882 căn hộ nhà ở xã hội. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025, Nam Định sẽ thực hiện 11.424 căn; giai đoạn 2026 - 2030 làm 6.458 căn.
Trong đó, số lượng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp là 1.875 căn (giai đoạn 2021 - 2025 xây 1.650 căn; giai đoạn 2026 - 2030 xây 225 căn). Số lượng nhà ở xã hội cho công nhân là 16.007 căn (giai đoạn 2021 - 2025 xây 9.774 căn; giai đoạn 2026 - 2030 xây 6.233 căn).
Tỉnh Nam Định cho biết sẽ tập trung phát triển nhà ở xã hội tại các khu vực có tốc độ đô thị hóa cao, khu vực tập trung khu công nghiệp. Đồng thời, khuyến khích các nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội theo dự án. Nhất là các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp hoặc doanh nghiệp có chức năng kinh doanh bất động sản.
Nam Định dự kiến quỹ đất trong giai đoạn 2021 - 2025 là 916,54 ha trong đó: Đất phát triển nhà ở thương mại là 55,49 ha; đất phát triển nhà ở xã hội là 49,07 ha; đất phát triển nhà ở công vụ là 0,11 ha; đất phát triển nhà ở do người dân tự xây dựng trên đất được chuyển quyền sử dụng đất là 811,86 ha.
Còn trong giai đoạn 2026-2030, nhu cầu đất phát triển nhà ở của tỉnh là 954,53 ha trong đó: Đất phát triển nhà ở thương mại là 147,81 ha; đất phát triển nhà ở xã hội là 55,91 ha; đất phát triển nhà ở công vụ là 0,34 ha; đất phát triển nhà ở do người dân tự xây dựng trên đất được chuyển quyền sử dụng đất là 750,47 ha.
Nam Định dự kiến trong giai đoạn 2021 - 2025 cần 95.054 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở thương mại là 4.323 tỷ; trong giai đoạn 2026 -2030 nguồn vốn dự kiến là 133.907 tỷ đồng trong đó việc xây nhà ở xã hội cần 19.174 tỷ đồng.
Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 153/KH-UBND nhằm thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh. Qua đó giúp người dân có thu nhập thấp, thu nhập trung bình tại khu vực đô thị và công nhân, người lao động trong khu công nghiệp, các đối tượng chính sách có cơ hội tiếp cận với nhà ở phù hợp với khả năng chi trả. Tác động đến giá thành phân khúc nhà ở thương mại trên địa bàn tỉnh, giúp thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.
Theo đánh giá của Sở Xây dựng, việc phát triển nhà ở hiện tại trên địa bàn tỉnh còn thiếu tính định hướng. Nhà ở thương mại có xu hướng phát triển mạnh hơn trong khi nhà ở dành cho nhóm đối tượng chính sách xã hội và người thu nhập thấp lại chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến tình trạng thị trường bất động sản mất cân đối cung cầu, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và an sinh xã hội. Ngoài ra, tỷ lệ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh còn thấp, chỉ đạt gần 20%.
Sức hút nhà ở đô thị còn thấp, chưa thu hút được các nhà đầu tư. Các chính sách ưu đãi, hỗ trợ vẫn chưa đủ sức khuyến khích các chủ thể trong việc phát triển nhà ở xã hội, như các cơ chế ưu đãi về thuế, về đất đai, về các thủ tục đầu tư. Công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng một số dự án còn chậm.
Công tác phát triển nhà ở mới chậm do thiếu cơ sở, căn cứ pháp lý cho các cấp chính quyền điều hành công tác quản lý, phát triển nhà ở. Do đó, Chương trình phát triển nhà ở được thông qua sẽ tạo căn cứ pháp lý để ngành Xây dựng tập trung thực hiện kế hoạch phát triển nhà ở bền vững.
...đến hiện thực hóa
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Kiểm - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng KCN Bảo Minh cho biết: Xây dựng nhà ở, tạo điều kiện cho công nhân về chỗ ở ổn định, an toàn là một trong những giải pháp mà KCN Bảo Minh đang triển khai để hỗ trợ giúp công nhân yên tâm làm việc.
Theo tỉnh Nam Định: Với vị trí chiến lược quan trọng trong sự phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng, có lực lượng công nhân làm việc tại các khu công nghiệp đông, tỉnh Nam Định đang nỗ lực triển khai chương trình phát triển nhà ở xã hội nhằm hiện thực hóa giấc mơ an cư cho người lao động.
Để triển khai được theo đúng kế hoạch đề ra, thời gian qua tỉnh đã yêu cầu kiểm tra các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn theo quy định về chất lượng, cơ cấu sản phẩm, giá thành để đáp ứng cho người thu nhập thấp, công nhân có cơ hội tiếp cận, cải thiện về nhà ở; bảo đảm các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu. Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong việc thực hiện pháp luật về phát triển nhà ở xã hội.
Đặc biệt, khi quy hoạch các khu đô thị mới, khu công nghiệp mới phải kèm theo quy hoạch nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đảm bảo hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo quy định. Công khai, giới thiệu quỹ đất đầu tư nhà ở xã hội cho các doanh nghiệp để nghiên cứu, đề xuất đầu tư. Quy hoạch, bố trí các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân độc lập tại các vị trí phù hợp, thuận tiện, có quy mô lớn, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trên địa bàn, trong đó có việc thực hiện bố trí quỹ đất nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị.
Để hiện thực hóa giấc mơ an cư cho người lao động tiếp cận với vốn vay để mua nhà ở xã hội, Chính sách tín dụng của Chính phủ về cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP giải ngân qua Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) trên địa bàn tỉnh Nam Định thời gian qua đã phát huy hiệu quả, trở thành một trong những chương trình tín dụng trụ cột giúp cho hàng trăm hộ gia đình có cơ hội được tiếp cận vốn vay để “an cư, lạc nghiệp”, qua đó góp phần thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững của Đảng và Nhà nước.
Tính đến hết tháng 6/2024, đã có tổng cộng 471 khách hàng được vay tiền để xây mới, sửa chữa, cải tạo nhà ở đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng của chương trình là người có công với cách mạng, người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo ở khu vực đô thị; người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp...
Từ đầu năm 2024 đến nay, Ngân hàng CSXH tỉnh tiếp tục giải ngân được thêm cho 19 khách hàng vay vốn xây dựng nhà ở xã hội với doanh số giải ngân 8,39 tỷ đồng.
Theo chị Hoàng Thị Thúy - phường Mỹ Xá (thành phố Nam Định): “Thực sự nếu không được Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh hỗ trợ, tiếp nhận chính sách cho vay nhà ở xã hội thì hai vợ chồng tôi cũng không dám nghĩ đến việc xây nhà. Bởi hai vợ chồng đều là lao động phổ thông, lại đang nuôi con nhỏ nên kinh tế eo hẹp, tiền tích lũy dành dụm cũng không nhiều. Khi được hỗ trợ vay 300 triệu đồng với lãi suất thấp, thời hạn dài, tôi cảm thấy rất yên tâm. Giờ có nhà mới đầy đủ tiện nghi thiết yếu, tôi rất phấn khởi và có thêm động lực làm việc để có thu nhập trả nợ vốn vay đúng quy định và hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn".
Có thể bạn quan tâm