Để đảm bảo vệ sinh thực phẩm thủy sản, ngoài sản xuất con giống, nuôi thương phẩm đảm bảo quy định, chất lượng thì quá trình khai thác, chế biến thủy sản… cũng cần phải đảm bảo sạch sẽ, an toàn.
>>>Nam Định: Nỗ lực cùng ngư dân gỡ "thẻ vàng" trong đánh bắt thủy sản
Tăng cường bảo vệ môi trường
Đảm bảo an toàn môi trường các vùng nuôi thủy sản là một trong các yếu tố quyết định chất lượng, hiệu quả kinh tế trong nuôi thủy sản. Vấn đề này tuy đã được quan tâm và đã đạt những kết quả nhất định song vẫn cần lưu tâm.
Nuôi thủy sản quy mô lớn, tập trung, theo hướng liên kết cùng nhau phát triển, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm của các hộ nuôi đã góp phần khống chế dịch bệnh, giảm ô nhiễm môi trường và giúp kiểm soát tốt lượng lớn chất thải bởi việc chủ động đầu tư hệ thống xử lý nước thải, công nghệ nuôi tiên tiến.
Tiêu biểu như huyện Hải Hậu, đến nay đã có trên 200 ao nuôi với diện tích trên 25ha tại 80 hộ đã ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chăm sóc ao nuôi, lắp đặt hệ thống máy móc, thiết bị tự động kiểm tra, kiểm soát các yếu tố lý hóa (oxy, pH, độ kiềm, nhiệt độ...) trong môi trường ao nuôi và gửi thông tin trực tuyến về cổng thông tin của chủ hộ. Nhờ đó, đã giảm được chi phí, thuận lợi trong quản lý ao nuôi, nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường của các ao nuôi. Như ở mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm chất lượng cao áp dụng công nghệ 4.0 của Công ty TNHH Hoàng Đức xã Hải Triều, Công ty TNHH Dịch vụ Xuân Hà An xã Hải Đông.
Có 20 hộ áp dụng nuôi tôm trong bể với tổng số trên 200 bể, tập trung tại xã Hải Đông; đây là phương pháp nuôi an toàn, dễ kiểm tra chất lượng môi trường nuôi và tôm nuôi, giảm phụ thuộc vào thời tiết và giảm nguy cơ gây ô nhiễm môi trường... Công tác hướng dẫn, giám sát việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường vùng nuôi thủy sản được tăng cường. Từ tháng 4 đến tháng 11 hàng năm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện đều phối hợp với Chi cục Thủy sản, Chi cục chăn nuôi và thú y tiến hành thu mẫu quan trắc môi trường, thu mẫu nước và mẫu tôm đại diện tại các vùng nuôi.
Các kết quả quan trắc, cảnh báo môi trường vùng nuôi, cảnh báo dịch bệnh được thông báo kịp thời đến các vùng nuôi, hộ nuôi, kèm theo khuyến cáo và các biện pháp xử lý môi trường, dịch bệnh bất thường. Hoạt động quan trắc, cảnh báo đã góp phần quan trọng trong công tác phòng, trị bệnh, bảo vệ môi trường cho các vùng nuôi. Tại nhiều vùng nuôi tập trung trên địa bàn toàn tỉnh đã hình thành các tổ chức cộng đồng do người nuôi thành lập, phối hợp chặt chẽ với Ban Nông nghiệp xã để cảnh báo thông tin về dịch bệnh, ngăn chặn hiệu quả các trường hợp xả thải nước ao nuôi bị bệnh ra nguồn nước cấp. Năm 2020 dù phải chịu ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng kéo dài hơn trung bình nhiều năm nhưng nhờ chủ động nâng cao chất lượng bảo vệ môi trường, ngăn chặn dịch bệnh đã giúp các vùng nuôi không chịu thiệt hại lớn, nhiều ao nuôi thủy sản chỉ bị chậm lớn.
Theo Sở NN&PTNT, để nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường tại các vùng nuôi thủy sản, hiện ngành NN&PTNT, các địa phương tăng cường hướng dẫn các hộ nuôi thực hiện tốt các biện pháp quản lý, chăm sóc ao nuôi, đặc biệt là phòng chống dịch bệnh, chống nóng, chống sốc; quản lý tốt chất thải, nước thải đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh, nhất là những ao nuôi có bệnh.
Khuyến khích các hộ nuôi thủy sản tăng cường áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản thâm canh. Hạn chế sử dụng kháng sinh, hóa chất, khuyến khích sử dụng các loại chế phẩm sinh học trong chăm sóc thủy sản và xử lý môi trường; hướng dẫn tu sửa công trình thủy lợi nhỏ, cầu cống nhỏ, chủ động nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng nuôi.
Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thủy sản
Theo Sở NN&PTNT: Hiện nay ngư dân trong tỉnh đang chuẩn bị kết thúc vụ khai thác cá Bắc, bước vào vụ cá Nam. Vụ cá Nam được coi là vụ đánh bắt chính trong năm nhưng cũng là thời điểm nắng nóng, cộng với thời gian hoạt động trên biển thường kéo dài (từ 10-15 ngày trở lên), trong khi các điều kiện bảo quản sản phẩm chưa đảm bảo sẽ làm giảm chất lượng sản phẩm thủy sản sau khai thác.
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 1.801 tàu thuyền các loại, trong đó tàu cá xa bờ có chiều dài từ 35CV trở lên là 541 chiếc. Việc bảo quản sản phẩm thủy sản của tàu cá xa bờ thường được ngư dân thực hiện với các bước: rửa sạch, để ráo nước, sắp xếp vào từng khay, đưa vào hầm chứa và sử dụng đá lạnh để bảo quản sản phẩm; chỉ một số ít sản phẩm đánh bắt được ngư dân sử dụng phương thức phơi khô hoặc dùng muối để bảo quản.
Tuy nhiên, nhiều ngư dân xem nhẹ việc khử trùng, vệ sinh hầm tàu, sàn chứa và các thiết bị tiếp xúc với thủy sản trước và sau mỗi chuyến biển. Theo quy chuẩn, ngay sau khi dỡ hàng, bề mặt của các tấm ngăn, khoang chứa... phải được khử trùng và vệ sinh bằng các loại hóa chất chuyên dụng, đặc biệt là nước đá không được tái sử dụng.
Để đảm bảo ATVSTP thủy sản, bên cạnh quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất giống và nuôi thủy sản thương phẩm, Sở NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với các địa phương trong việc hướng dẫn ngư dân tăng cường đầu tư sử dụng các vật liệu đảm bảo chất lượng để bảo quản sản phẩm. Khuyến khích và hỗ trợ ngư dân đóng mới các tàu dịch vụ có đầy đủ điều kiện bảo quản đảm bảo chất lượng ATVSTP thủy sản sau khai thác.
Ngoài ra, Sở NN&PTNT khuyến khích các cơ sở chế biến đầu tư cơ sở vật chất, hệ thống sân phơi, trang bị máy móc trong khâu chế biến, đóng gói các sản phẩm để vừa đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng vừa đảm bảo chất lượng ATVSTP.
Bên cạnh đó, Chi cục Thủy sản tỉnh cũng tiếp tục phối hợp với Phòng NN&PTNT các huyện, các cơ quan chức năng đặc biệt chú ý tăng cường công tác tuyên truyền đến các cơ sở chế biến về Luật Bảo vệ môi trường, các quy trình xử lý nước thải, thu gom rác thải trong quá trình làm nghề, quy hoạch lại không gian sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, tổ chức các buổi tập huấn nâng cao kiến thức về chế biến thủy sản cho các chủ cơ sở sản xuất… Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp làm hại đến môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng và sự an toàn của nhóm hàng thủy sản và kiểm tra thực tế điều kiện vật chất, trang thiết bị phục vụ sản xuất.
Cũng theo Sở NN&PTNT, đơn vị cũng thường xuyên phối hợp với các đơn vị chức năng tăng cường kiểm soát sản phẩm thủy sản tại các chợ đầu mối, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng những đơn vị sản xuất không an toàn; kiểm tra, kiểm soát các hoạt động thu mua của đại lý, thương lái để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi kinh doanh trái phép.
Yêu cầu và giám sát chủ các cơ sở thu mua, chế biến thủy sản chấp hành nghiêm quy định về quản lý chất lượng an toàn thực phẩm thủy sản, đảm bảo phải có sổ ghi chép đầy đủ cho mỗi lần thu mua, giao nhận nguyên liệu; thực hiện đầy đủ các thủ tục hành chính, giấy phép sản xuất, kinh doanh, cơ sở vật chất thiết bị chứa đựng bảo quản, nhằm mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm an toàn có chất lượng, góp phần đưa kinh tế biển phát triển bền vững.
Ngoài ra, Sở NN&PTNT yêu cầu các địa phương, đơn vị trực thuộc tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn và giám sát các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thủy sản tuân thủ các quy định đảm bảo ATVSTP; hướng dẫn người dân nhận biết sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, sản phẩm đã được kiểm soát và chứng nhận an toàn thực phẩm; đồng thời đẩy mạnh việc giới thiệu, quảng bá địa chỉ bán sản phẩm an toàn để người tiêu dùng tiếp cận, lựa chọn.
Kinh tế thủy sản là một ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh. Do vậy, đảm bảo ATVSTP thủy sản được thực hiện chặt chẽ sẽ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần thúc đẩy kinh tế thủy sản ngày càng phát triển bền vững cũng như đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.
Có thể bạn quan tâm