Nam Định: Thúc đẩy động lực xuất khẩu

TRUNG THÀNH 30/07/2024 01:05

Tỉnh Nam Định đặt mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu ổn định, tập trung đẩy mạnh xuất khẩu trực tiếp các sản phẩm chủ lực, sản phẩm có thế mạnh của địa phương.

>>>Nam Định: Hiện thực hóa giấc mơ an cư cho người lao động

Tín hiệu tích cực

Thời gian qua, tỉnh Nam Định đang tập trung thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư sản xuất hàng xuất khẩu, các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phục vụ xuất khẩu có giá trị gia tăng cao, công nghệ cao, liên kết chuỗi giá trị và ưu tiên sản xuất các sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu nhằm thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của địa phương.

Nâng cao năng lực sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng chủ lực, có tỷ trọng đóng góp lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu của địa phương, như: dệt may, thủy sản, gỗ... thông qua xây dựng các chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, phát triển sản phẩm, phát triển thị trường. Khai thác hiệu quả các thị trường Việt Nam đã đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EVFTA, RCEP,...).

Theo báo cáo của UBND tỉnh Nam Định: Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh Nam Định đạt 1.365 triệu USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó, khu vực ngoài Nhà nước đạt 369 triệu USD, tăng 17,1%.

6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh Nam Định đạt 1.365 triệu USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2023

6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh Nam Định đạt 1.365 triệu USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2023

Trong đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 983 triệu USD, tăng 14,1%... Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là hàng may mặc, da giày và lâm sản chiếm 92,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Theo đánh giá của ngành Công Thương tỉnh Nam Định, dệt may là ngành hàng có kim ngạch “top” đầu trong các mặt hàng xuất khẩu 6 tháng đầu năm nay và đang cho thấy nhiều tín hiệu tích cực với số lượng đơn hàng nhiều hơn, thời gian đặt hàng dài hơn.

Dù đơn giá chưa cao như kỳ vọng nhưng hầu hết các Công ty may trên địa bàn tỉnh đã có đủ đơn hàng đến cuối năm và đang đàm phán đơn hàng đầu năm 2025. Không ít doanh nghiệp dệt may có tiếng đã đủ đơn hàng đến hết năm 2025. Ông Phạm Minh Đức - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần May Nam Định cho biết: "6 tháng đầu năm, doanh thu của công ty ước đạt 420 tỷ đồng, trong đó 90% đến từ doanh thu FOB, lợi nhuận ước đạt 10 tỷ đồng.

Dù sản xuất, kinh doanh vẫn nhiều áp lực bởi chi phí tăng cao, nhưng công ty đã có đủ đơn hàng xuất khẩu cho năm 2024 do đây là mùa cao điểm sản xuất cho các đơn hàng dịp Noel và tết. Công ty đang bắt đầu làm việc về đơn hàng quý I, quý II năm 2025”. Hiện tại, với tình hình đơn hàng khởi sắc những tháng tới, cả năm 2024, doanh thu Công ty có thể đạt 700 tỷ đồng, tăng khoảng 35% so với năm 2023.

Tiếp đó, ngành da giày cũng ghi nhận sự tăng trưởng tích cực trong kết quả xuất khẩu 6 tháng đầu năm với 5 thị trường chính gồm Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Ngoài ra, hoạt động xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Nam Định ghi nhận tốc độ tăng trưởng tích cực trong nửa đầu năm 2024 với các thị trường xuất khẩu chính gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Đạt được kết quả đáng ghi nhận kể trên trong xuất khẩu hàng hóa là nhờ tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm của Nam Định ra thị trường quốc tế và tích cực tiếp cận đa dạng các thị trường.

Kết quả này còn thể hiện sự quyết tâm, kịp thời khai thác mọi dấu hiệu phục hồi, tăng thêm sức mua của các thị trường nước ngoài; từng bước tận dụng hiệu quả cơ hội của các hiệp định thương mại tự do từ phía các doanh nghiệp Nam Định. Đồng thời, khẳng định chất lượng hàng hóa của Nam Định ngày càng được nhiều người tiêu dùng trên thị trường thế giới tin dùng.

Dệt may là ngành hàng có kim ngạch “top” đầu trong các mặt hàng xuất khẩu của tỉnh Nam Định

Dệt may là ngành hàng có kim ngạch “top” đầu trong các mặt hàng xuất khẩu của tỉnh Nam Định (Ảnh minh họa)

Cơ hội cán đích cuối năm

Hiện nay, với số lượng đơn hàng về nhiều, dữ liệu khả quan về tăng trưởng nửa đầu năm, kim ngạch nguyên liệu đầu vào; các doanh nghiệp, trong đó nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đã và đang tích cực đưa các dự án đầu tư mới quy mô lớn vào sản xuất,... đem đến cho xuất khẩu của Nam Định nhiều cơ hội, kỳ vọng tăng trưởng trong thời gian tới. Phân tích về cơ hội và triển vọng xuất khẩu từ nay đến cuối năm 2024, Cục Thống kê tỉnh Nam Định chỉ rõ: Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 6 tháng năm 2024 đạt 831 triệu USD, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó khu vực ngoài Nhà nước 213 triệu USD, tăng 17,0%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 607 triệu USD, tăng 27,9%. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên phụ liệu may; da và các mặt hàng liên quan; bông, xơ, sợi dệt chiếm 90,2% tổng kim ngạch nhập khẩu. Mức tăng này phản ánh tín hiệu hoạt động sản xuất trong nước phục hồi tốt hơn so với năm 2023.

Một trong những kỳ vọng của tăng trưởng xuất khẩu những tháng cuối năm 2024 và thời gian tới phải kể đến việc các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp nước ngoài đã từng bước đưa các dự án sản xuất công nghiệp phục vụ xuất khẩu quy mô lớn, mới hoàn tất đầu tư giai đoạn 1 vào sản xuất và đang tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 như: Công ty TNHH TOP TEXTILES mới khánh thành, đưa nhà máy sản xuất vải TOP TEXTILES công suất 60 triệu mét vải/năm tại KCN Dệt may Rạng Đông (Nghĩa Hưng) vào hoạt động.

Được biết, tháng 11 năm nay, Công ty TNHH QMH Computer (thuộc Tập đoàn Quanta Computer Inc,.) sẽ đưa nhà máy sản xuất máy tính và thiết bị ngoại vi của máy tính số 1 với quy mô sản xuất 1,3 triệu chiếc máy tính xách tay/máy tính để bàn vào sản xuất chính thức.

Ngoài ra, còn hàng loạt doanh nghiệp đang triển khai đầu tư mạnh mẽ để sớm đưa các nhà máy sản xuất đa dạng các sản phẩm vào hoạt động theo lộ trình đã được cấp phép đầu tư như Tập đoàn Xingyu (Singapore) đầu tư nhà máy sản xuất găng tay y tế, găng tay bảo hộ lao động quy mô 300 tấn sản phẩm/năm tại KCN Bảo Minh mở rộng.

Tập đoàn JiaWei đầu tư  nhà máy sản xuất sản phẩm nhựa và sản phẩm melamine  tại KCN Mỹ Thuận; Công ty Cổ phần Giấy GĐT đầu tư nhà máy giấy bao bì công nghệ cao từ nguyên liệu giấy phế liệu tái chế và bột giấy tại KCN Bảo Minh mở rộng. Công ty TNHH Sợi hóa học công nghệ cao XIELONG đầu tư nhà máy may XIELONG Việt Nam tại KCN Dệt may Rạng Đông...

Để tiếp tục thúc đẩy động lực xuất khẩu, thời gian tới, tỉnh yêu cầu các ngành, các địa phương tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tập trung phát triển, nâng cao chất lượng các sản phẩm xuất khẩu thế mạnh, có khả năng cạnh tranh, những mặt hàng mà thế giới có nhu cầu, các sản phẩm, mặt hàng đặc sản, đáp ứng yêu cầu phát triển, yêu cầu chuyển đổi xanh của các nước.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 6 tháng năm 2024 của tỉnh Nam Định đạt 831 triệu USD

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 6 tháng năm 2024 của tỉnh Nam Định đạt 831 triệu USD

Ông Trần Anh Dũng – PCT UBND tỉnh Nam Định cho biết: Để xuất khẩu tiếp tục là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thời gian tới các địa phương cần đẩy mạnh cải cách thể chế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp. Trong đó tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế. Tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Thời gian tới, tỉnh sẽ thúc đẩy các chương trình hoạt động kết nối với các cơ quan Trung ương, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để quảng bá ra thị trường nước ngoài về các mặt hàng, sản phẩm đặc trưng, sản phẩm chất lượng cao, giá thành cạnh tranh của Nam Định nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, thương hiệu của sản phẩm.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng tăng cường giới thiệu về môi trường, đầu tư kinh doanh thuận lợi của Nam Định, nhất là về các chính sách mới, các thành tựu phát triển hạ tầng, đào tạo nhân lực chất lượng cao để nâng cao hiệu quả thu hút các doanh nghiệp nước ngoài tham gia đầu tư các dự án quy mô lớn sản xuất sản phẩm xuất khẩu góp phần tăng nhanh số lượng và đa dạng các mặt hàng xuất khẩu, tạo giá trị gia tăng cao.

Được biết, dự báo tình hình sản xuất, kinh doanh quý III/2024 so với quý II, có 51,08% số doanh nghiệp dự báo tốt lên; 37,41% dự báo giữ ổn định. Trong đó, khu vực doanh nghiệp Nhà nước lạc quan nhất với 100% doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất, kinh doanh tốt lên và giữ ổn định so với quý II/2024. Trong đó, tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 88,24% và doanh nghiệp ngoài Nhà nước là 87,83%.

Có thể bạn quan tâm

  • Thêm doanh nghiệp FDI đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao vào tỉnh Nam Định

    Thêm doanh nghiệp FDI đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao vào tỉnh Nam Định

    00:18, 25/07/2024

  • Nam Định: Hàng loạt chung cư hết niên hạn sử dụng

    Nam Định: Hàng loạt chung cư hết niên hạn sử dụng

    06:52, 24/07/2024

  • Nam Định: Tạo lực đẩy cho sản xuất công nghiệp

    Nam Định: Tạo lực đẩy cho sản xuất công nghiệp

    01:39, 23/07/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nam Định: Thúc đẩy động lực xuất khẩu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO