Nam Định: Xử lý nghiêm các đơn vị gây ảnh hưởng đến giải ngân vốn đầu tư công

LAN VŨ 09/11/2023 12:31

Tỉnh Nam Định sẽ xử lý nghiêm các chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công xây dựng nếu để xảy ra các trường hợp ảnh hưởng đến giải ngân vốn đầu tư công.

>>>Hải Dương: Bàn giải pháp bảo đảm giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95%

>>>Kiên Giang “chạy nước rút” giải ngân vốn đầu tư công

Áp lực còn rất lớn

Năm 2023, tổng kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh Nam Định được giao trên 8.567 tỷ đồng (trong đó Trung ương giao trên 5.463 tỷ đồng, tỉnh giao tăng 3.104 tỷ đồng). Để hoàn thành kế hoạch được giao, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh Nam Định đã ban hành quyết định giao chi tiết đạt 100% kế hoạch vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương cho các cấp, các ngành triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, đến hết tháng 9/2023, số vốn giải ngân của tỉnh mới đạt 3.889 tỷ đồng, bằng 43,8% kế hoạch. Trong đó giải ngân vốn ngân sách Trung ương đạt 1.066,6 tỷ đồng, đạt 44,1% kế hoạch; giải ngân vốn ngân sách địa phương là 2.822,5 tỷ đồng, đạt 43,7% kế hoạch.

giải ngân vốn đầu tư công là một trong các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tập trung ưu tiên trong chỉ đạo điều hành gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ban, ngành, địa phương.

Giải ngân vốn đầu tư công là một trong các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tập trung ưu tiên trong chỉ đạo điều hành gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ban, ngành, địa phương (ảnh: TS)

Nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm 2023 được UBND tỉnh Nam Định xác định chủ yếu do nhóm 5 dự án khởi công mới sử dụng nguồn vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (đã được ngân sách Trung ương bố trí tổng số vốn 1.511 tỷ đồng để triển khai thực hiện) nhưng do thông báo vốn chậm. Trong khi phải triển khai nhiều thủ tục theo quy định, mất nhiều thời gian nên dù chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh) và các đơn vị liên quan đã tập trung hoàn thiện thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng nhưng nhóm dự án này chưa có nhiều khối lượng thi công để giải ngân vốn.

Đây cũng là nhóm dự án tỉnh xác định có nguy cơ khó đảm bảo tiến độ hoàn tất giải ngân trong năm 2023. Bên cạnh đó, tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công một số công trình trọng điểm còn chậm như: Giai đoạn II đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (tỉnh lộ 490). Thu tiền sử dụng đất năm nay gặp nhiều khó khăn, chủ yếu kết quả thu dồn vào quý IV-2023, vì vậy chưa có nguồn để bố trí giải ngân một số nhóm dự án… Bên cạnh đó là giá xăng dầu, một số nguyên, nhiên, vật liệu, lãi suất ngân hàng vẫn ở mức cao đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất, xây dựng và gây khó khăn trong quá trình triển khai thi công, hoàn thành các dự án đảm bảo đúng tiến độ theo hợp đồng.

Thực tế cho thấy, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công luôn được đẩy nhanh hơn trong những tháng cuối năm. Nhưng, để đạt được 100% tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công như kế hoạch, áp lực những tháng còn lại trong năm của Nam Định là rất lớn.

Chấn chỉnh việc điều chỉnh dự án đầu tư công

>>>Mộc Châu (Sơn La): Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công

>>>TP.HCM: Giải ngân vốn đầu tư công chậm, cần nhìn thẳng sự thật, chỉ thẳng nguyên nhân

Bên cạnh đó, tỉnh Nam Định cũng nhận định rõ, hiện nay, một số chủ đầu tư lúng túng trong việc thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư. Việc khảo sát, đề xuất dự án, lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, lập dự án chưa được kiểm soát chặt chẽ, chưa kỹ càng, chưa sát với thực tế, chất lượng tư vấn chưa đảm bảo nên một số dự án thời gian quá ngắn đã phải điều chỉnh dự án. Một số dự án chưa được thực hiện đúng thời gian theo quy định, việc xác định quy mô dự án chưa phù hợp, phải trình cấp thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, làm phát sinh thủ tục và kéo dài thời gian thực hiện dự án, giảm hiệu quả đầu tư. Cá biệt còn có dự án hết thời gian thực hiện mà không điều chỉnh dự án.

Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định vừa ký ban hành văn bản chấn chỉnh công tác tham mưu chuẩn bị đầu tư, điều chỉnh dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh. Yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các chủ đầu tư thực hiện tốt một số nội dung sau:

Tập trung thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư. Kiểm soát chặt chẽ quy mô dự án đầu tư từ giai đoạn đề xuất dự án, quyết định chủ trương đầu tư, đảm bảo quy mô đầu tư các dự án phù hợp với nhu cầu thực tế sử dụng, kế hoạch công trung hạn và các quy hoạch, kế hoạch, dự án có liên quan để hạn chế việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Khắc phục tình trạng trình cấp thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án nhiều lần liên quan đến thay đổi các nội dung chi tiết của dự án (như quy mô đầu tư, tổng mức đầu tư, cơ cấu nguồn vốn, phân kỳ đầu tư, địa điểm thực hiện, thời gian thực hiện...).

Bệnh viện Đa khoa tỉnh là một trong các dự án trọng điểm đang được tỉnh đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn đầu tư công.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định là một trong các dự án trọng điểm đang được tỉnh đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn đầu tư công (Ảnh vinaconex.com.vn)

Khi lựa chọn các đơn vị tư vấn (khảo sát, thiết kế, thẩm tra, thẩm định, giám sát...) phải kiểm tra, rà soát, đánh giá khách quan, đảm bảo có đủ năng lực, kinh nghiệm đáp ứng theo quy mô dự án, loại hình, cấp công trình theo đúng quy định.

Kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân sự đảm bảo chuyên nghiệp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý dự án đầu tư công, trong đó phải quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm giữa các bộ phận và các cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ chủ đầu tư và quản lý dự án theo các quy định của pháp luật.

Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh cần tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương trong công tác thẩm định Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo nghiên cứu khả thi, Báo cáo kinh tế - kỹ thuật, thiết kế xây dựng.

Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời xử lý nghiêm, chấn chỉnh đối với các chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn (quản lý dự án, thiết kế, thẩm tra, giám sát), nhà thầu thi công xây dựng công trình, nếu để xảy ra các trường hợp như: phải điều chỉnh hồ sơ thiết kế, bổ sung hạng mục, thi công chất lượng công trình không đảm bảo theo quy định, không thực hiện đúng thời gian triển khai dự án theo quy định, ảnh hưởng đến giải ngân vốn đầu tư công.

Tăng cường trách nhiệm cá nhân trong công tác lập chủ trương đầu tư, lập dự án. Kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân nếu để xảy ra sai phạm – văn bản nêu rõ.

Được biết, để tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công, từ đầu tháng 9 đến nay, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị đã trực tiếp chủ trì nhiều cuộc họp rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Tại các cuộc họp, ông Nghị đều nhấn mạnh, giải ngân vốn đầu tư công là một trong các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tập trung ưu tiên trong chỉ đạo điều hành gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ban, ngành, địa phương.

Trước đó, tỉnh Nam Định cũng chỉ đạo 3 tổ công tác của UBND tỉnh theo Quyết định số 741/QĐ-UBND ngày 14/4/2023 tiếp tục trực tiếp kiểm tra, đôn đốc, giúp đỡ, hướng dẫn các huyện, thành phố phương án xử lý, tháo gỡ đối với các nội dung vướng mắc trong thực hiện các nhiệm vụ thu nộp ngân sách Nhà nước; lập các thủ tục để đầu tư và giải ngân vốn của các dự án đầu tư công năm 2023. 

Có thể bạn quan tâm

  • Hải Dương: Bàn giải pháp bảo đảm giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95%

    Hải Dương: Bàn giải pháp bảo đảm giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95%

    02:41, 08/11/2023

  • Kiên Giang “chạy nước rút” giải ngân vốn đầu tư công

    Kiên Giang “chạy nước rút” giải ngân vốn đầu tư công

    17:50, 03/11/2023

  • Mộc Châu (Sơn La): Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công

    Mộc Châu (Sơn La): Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công

    08:04, 31/10/2023

  • TP.HCM: Quyết tâm không để giải ngân vốn đầu tư công dưới 80%

    TP.HCM: Quyết tâm không để giải ngân vốn đầu tư công dưới 80%

    20:02, 30/10/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nam Định: Xử lý nghiêm các đơn vị gây ảnh hưởng đến giải ngân vốn đầu tư công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO