Cả Nga và Trung Quốc đều biết, để thoát khỏi "lưỡi hái" của Mỹ cần vượt ra khỏi hệ thống do Mỹ kiểm soát.
>>Nga - Trung Quốc "bắt tay" nhau xây thế giới đa cực
Quan hệ Trung Quốc và Nga ngày càng bền chặt, Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Putin gặp nhau với mật độ dày đặc chưa từng có. Nhiều chuyên gia cho rằng, hành lang kinh tế - công nghệ Á - Âu đã thực sự hoạt động.
Mới đây, Bộ trưởng Phát triển kinh tế Nga Maxim Reshetnikov đã tổ chức các cuộc thảo luận “chuyên sâu” về hợp tác kinh tế với Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào tại Bắc Kinh.
Trước đó, Ngoại trưởng 2 nước Nga - Trung đã hội đàm trực tiếp ở Moscow. Bộ Ngoại giao Nga mô tả: “Cuộc thảo luận giữa 2 Ngoại trưởng diễn ra trong sự tin cậy và mang tính xây dựng. Các bên đã đưa ra những nhận xét về chiến sự Nga - Ukraine, nhấn mạnh rằng những nỗ lực giải quyết khủng hoảng là vô ích nếu không tính đến lợi ích và không có có sự tham gia của Nga”.
Hồi tháng 3, ông Tập Cận Bình đã đến Moscow trong chuyến thăm chính thức 3 ngày, ông Putin là nguyên thủ quốc gia đầu tiên mà nhà lãnh đạo Trung Quốc chọn gặp kể từ sau đại dịch COVID-19.
Ngày 19/9, Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev đã xác nhận trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị rằng Tổng thống Putin sẽ tới Bắc Kinh vào tháng tới để dự “Diễn đàn Vành đai và Con đường”.
Các cuộc làm việc song phương, nhiều cấp giữa hai cường quốc diễn ra liên tục, cho thấy mối quan hệ đặc biệt này sẽ tạo nên một cực quan trọng trong thế giới đa cực; một hành lang kinh tế - công nghệ Á-Âu sẽ kéo theo rất nhiều quốc gia cùng chịu ảnh hưởng.
Hợp tác có lợi với Nga là điều mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc từng mong muốn, bên cạnh lợi ích kinh tế còn có ý nghĩa về mặt địa chính trị, đặc biệt trong bối cảnh con đường tiến xuống phía Nam ngày càng khó khăn.
>>Liên minh Nga - Trung nhìn từ Ukraine
Từ lâu Bắc Kinh đã cố gắng tạo dựng ảnh hưởng tại Trung Á, tiến vào Nga mở ra con đường thênh thang đến châu Âu. Trước khi chiến sự Nga-Ukraine xảy ra, Nga chính là trở lực không dễ vượt qua tại Trung Á. Nhưng bước ngoặt đã đến sau ngày 24/2/2022.
Tình thế bị cô lập buộc Nga thắt chặt quan hệ với Trung Quốc, điều đó mang lại cho cường quốc châu Á mối lợi khổng lồ trong mua bán dầu mỏ và khí đốt; các doanh nghiệp Trung Quốc chưa bao giờ dễ dàng chiếm lấy thị trường Nga như lúc này.
Trung Quốc góp phần giúp Nga duy trì khách hàng năng lượng đủ lớn để tạo ra nguồn thu phục vụ chiến tranh, giúp ông Putin có đồng minh tinh thần, cùng chung đối thủ để dễ dàng chia sẻ chiến lược hợp tác. Điều này mang lại cho Bắc Kinh tiếng nói quyết định đến hòa bình ở châu Âu, tôn lên vai trò của nước này đối với một trong những vấn đề toàn cầu hóc búa nhất hiện nay.
Hàng lang kinh tế Nga - Trung Quốc đang trong thời kỳ phát triển mạnh. Dữ liệu mới nhất của Hải quan Trung Quốc cho thấy, nước này đã tăng 3% nhập khẩu hàng hóa của Nga trong tháng 8 so với một năm trước đó, đạt giá trị 11,5 tỷ USD.
Hai quốc gia này dự kiến thiết lập “hành lang ngũ cốc” liên thông giao dịch giữa Nga và tỉnh Hắc Long Giang, đem đến cho Trung Quốc “tấm khiên” chắc chắn để duy trì an ninh lương thực; đồng thời làm khan hiếm nguồn cung lương thực tại nhiều nơi.
Có thể bạn quan tâm