Thế giới đa cực mà hai nhà lãnh đạo nhắc đến là khả dĩ, nhưng đặt trong bối cảnh chia rẽ sâu sắc, cạnh tranh khốc liệt với Mỹ và châu Âu.
>>Liên minh Nga - Trung nhìn từ Ukraine
Ngày 21/3, Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình đã có lần thứ 39 gặp Tổng thống Nga, V. Putin kể từ khi ông nắm quyền lãnh đạo đất nước đông dân nhất thế giới. Tần suất gặp gỡ dày đặc phản ánh đầy đủ bản chất quan hệ song phương, được mô tả là đang ở “đỉnh cao nhất trong lịch sử hai nước”.
Ông Tập Cận Bình đến Moscow trong bối cảnh nước chủ nhà bận bịu với “chiến dịch quân sự đặc biệt” và chỉ vài giờ đồng hồ sau khi Tòa án hình sự quốc tế (ICC) phát lệnh bắt Tổng thống Putin. Việc ông Tập gặp gỡ lãnh đạo cường quốc hàng đầu phần nào củng cố quan điểm “bác bỏ lệnh bắt giữ”- điều đó không ảnh hưởng đến mối quan hệ quốc tế của Điện Kremlin.
Chính vì thế, sự có mặt của ông Tập tại Moscow ít nhiều mang đến “liều thuốc tinh thần” sau rất nhiều sự kiện bất lợi dồn dập nhằm vào ông Putin và nền kinh tế Nga.
Hai nhà lãnh đạo đã hội đàm và ra tuyên bố chung với rất nhiều điểm đáng chú ý. Đầu tiên, Moscow tán thành ý tưởng đề xuất giải quyết khủng hoảng Ukraine định hướng theo các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc. Theo ông Tập, quan hệ giữa Trung Quốc với Nga “có vai trò quan trọng với thế giới và nhân loại” và hai nước đang xây dựng một thế giới đa cực.
Tuyên bố chung Nga- Trung Quốc cũng kêu gọi Washington dừng thiết lập một hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu, và Mỹ nên quan tâm đến “lo ngại chính đáng và hợp pháp” của Triều Tiên, tạo điều kiện nối lại đàm phán. Moscow và Bắc Kinh còn bày tỏ lo ngại về hành động gần đầy của liên minh quân sự AUKUS.
Nhiều năm trở lại đây, chiến lược hành động của Mỹ và đồng minh đã thúc đẩy Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau hơn; đôi bên cảm nhận tình thế cùng chiến tuyến, cùng chung đối thủ. Đồng thời, Nga - Trung đã thiết kế khung khổ hành động để giao thoa nhiều điểm cắt lợi ích.
>> Toan tính của Tổng thống Ukraine với Trung Quốc
Bắt đầu từ hoán đổi tiền tệ, tài chính giữa đồng rúp và Nhân dân tệ, đến cuộc chiến ở Ukraine và làn sóng bài Nga bùng lên trong thế giới phương Tây đã mở ra cho Trung Quốc cơ hội hợp tác, tranh thủ lợi ích kinh tế từ Nga.
Rõ ràng, nguồn năng lượng hóa thạch khổng lồ của Nga chảy sang Trung Quốc với giá rất rẻ, giờ đây hai bên tính đến việc mở đường ống “Power of Siberia 2” công suất 50 tỷ m3/năm xuyên qua Mông Cổ dẫn khí đốt trực tiếp đến Trung Quốc. Dự án này có thể thay thế “Dòng chảy phương Bắc 2”, giúp loại bỏ vị thế khách hàng lớn của châu Âu.
Với vai trò điểm đến của dòng dầu mỏ và khí đốt lớn nhất thế giới - Trung Quốc đứng trước cơ hội phất lên trở thành cường quốc năng lượng - một thành tố cấu thành sức mạnh của siêu cường ngày nay.
Dĩ nhiên, nền kinh tế Trung Quốc không thể tiêu thụ hết hàng chục triệu thùng dầu Nga mỗi ngày. Bắc Kinh sẽ biết cách biến chúng thành món hàng đặc phẩm để trở thành nhà cung cấp số một trong tương lai gần. Thế nên, chẳng có gì lạ khi ông Tập không ký vào cam kết giảm phát thải COP26.
Làm chủ lĩnh vực năng lượng, Trung Quốc chắc chắn gầy dựng lên hệ sinh thái đồng minh, đối tác - nhưng liệu đó có phải là thế giới đa cực như tuyên bố? Lịch sử phân phối dầu mỏ cho thấy, đấy là cuộc chơi của một vài cường quốc, kéo theo một tổ chức được thiết kế để thao túng thị trường toàn cầu.
Doanh nghiệp phương Tây rời khỏi Nga để lại khoảng trống mênh mông với thị trường hàng trăm triệu dân đang thiếu thốn mọi thứ. Ông Putin tuyên bố Nga sẵn sàng giúp các doanh nghiệp Trung Quốc thay thế các thương hiệu phương Tây đã rời đi. Liệu sẽ chứng kiến làn sóng “Trung Quốc hóa kinh tế Nga”?
Thế giới đa cực mà hai nhà lãnh đạo Nga- Trung nhắc đến là khả dĩ, nhưng đặt trong bối cảnh chia rẽ sâu sắc, cạnh tranh khốc liệt với Mỹ và châu Âu. Nói đúng hơn Nga - Trung đang cố gắng giành giật quyền tự quyết. Trong các chủ thể này, Trung Quốc nắm giữ lợi thế lớn hơn cả.
Có thể bạn quan tâm