Ngăn chặn tội phạm rửa tiền

KHÔI NGUYÊN 29/12/2023 03:00

Cùng với sự phát triển của công nghệ, các hình thức rửa tiền cũng muôn hình vạn trạng, đặt ra nhiều thách thức cho các cơ quan chức năng…

>>Gian nan “chặn” rửa tiền trong giao dịch tiền ảo

hihihi

Tang vật trong một vụ án rửa tiền. Ảnh: CACC

Theo số liệu từ Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho thấy, trong gần 15 năm qua, Cục Phòng chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước) đã tiếp nhận khoảng 19.400 báo cáo giao dịch đáng ngờ từ các đối tượng báo cáo, trong đó đã xử lý xong 16.500 báo cáo, chuyển giao thông tin cho cơ quan chức năng gần 8.694 báo cáo liên quan đến 1.262 vụ việc.

Trên cơ sở thông tin mà Cục Phòng chống rửa tiền đã chuyển giao, đã có hàng trăm vụ việc được các cơ quan chức năng điều tra, thanh tra, kiểm tra, trong đó có 21 vụ việc có quyết định khởi tố; 15 vụ việc được truy thu thuế với tổng số tiền truy thu được trên 257 tỷ đồng; 159 vụ việc có văn bản đề nghị cung cấp bổ sung thông tin…

Theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Hải Bình, quyền Trưởng ban Ban Nghiên cứu và Điều phối chính sách giám sát, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, rủi ro rửa tiền trong lĩnh vực tài chính tại Việt Nam đang là một thách thức, đặc biệt khi những hành vi giao dịch không minh bạch và tinh vi ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp.

Còn đánh giá theo lĩnh vực, bà Bình cho rằng, nguy cơ rửa tiền trong lĩnh vực ngân hàng, bất động sản và kênh chuyển tiền phi chính thức tại Việt Nam được đánh giá ở mức cao. Nguy cơ rửa tiền trong lĩnh vực ngân hàng liên quan chủ yếu đến việc rửa tiền có nguồn gốc từ tội tham ô tài sản (tội phạm chủ yếu liên quan đến những người có chức vụ, quyền hạn), đánh bạc và trốn thuế. Theo đó, để che giấu nguồn tiền thu được, tội phạm thường sử dụng tài khoản ngân hàng dưới tên người khác để nhận và chuyển các khoản tiền có nguồn gốc bất hợp pháp.

Riêng lĩnh vực bất động sản được đánh giá có nguy cơ rửa tiền cao ở Việt Nam là do các giao dịch mua bán, chuyển nhượng bất động sản có thể thực hiện bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản và không thông qua sàn giao dịch bất động sản, nên rất khó cho các cơ quan chức năng kiểm tra, xác định nguồn gốc của tiền.

Tuy vậy, bà Bình cho rằng, ngoài điểm nóng là ngân hàng, bất động sản, nguy cơ rửa tiền cũng được ghi nhận ở nhiều hình thức khác, như chuyển và thu đổi ngoại tệ; buôn bán động vật hoang dã; thông qua tiền di động; ví điện tử; tiền ảo; hoạt động đầu tư tài chính vi mô; các quỹ phi chính phủ…

Chia sẻ về thủ đoạn của nhóm tội phạm này dưới góc nhìn từ cơ quan quản lý, ông Nguyễn Huy Công - Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho biết, các đối tượng có thể lợi dụng việc thanh toán thuế xuất nhập khẩu thông qua tổ chức cung ứng dịch vụ để rửa tiền/tài trợ khủng bố; khai sai trị giá tính thuế, khai tăng hoặc giảm giá trị, số lượng, trọng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu… nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có hoặc huy động, hỗ trợ tiền, tài sản dưới bất kỳ hình thức nào cho tổ chức, cá nhân khủng bố.

>>Chặn “rửa tiền” trong lĩnh vực công nghệ cao

hihihihi

 Luật sư Nguyễn Đức Biên – Giám đốc Công ty TNHH Luật Đại La

Luật Phòng chống rửa tiền số 14/2022/QH15 và các văn bản hướng dẫn đã thiết lập khung khổ pháp lý cho phòng ngừa, kiểm soát, nhận dạng và xử lý nhanh chóng các hoạt động rửa tiền. Tuy nhiên, hoạt động kinh tế phát triển, kèm theo sự ra đời của nhiều sản phẩm công nghệ tinh vi trên nền tảng công nghệ số, khung khổ pháp lý chưa kịp điều chỉnh đã dẫn tới hoạt động phòng chống rửa tiền trở nên khó khăn, phức tạp hơn.

Nhiều ý kiến cho rằng cần có nhiều giải pháp nhằm hoàn thiện các cơ chế, quy định về biện pháp phòng ngừa áp dụng với các đơn vị để hoạt động phòng, chống rửa tiền đạt kết quả cao.

Về vấn đề này, trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Nguyễn Đức Biên – Giám đốc Công ty TNHH Luật Đại La cho rằng, cần mở rộng khung khổ pháp lý các đối tượng liên quan đến các dịch vụ tài chính. Luật sư Biên cho rằng, khung khổ pháp lý này bao gồm cả truyền thống như các ngân hàng, hay phi truyền thống như các công ty công nghệ cung ứng dịch vụ fintech mà tiền di động cũng nằm trong số đó, đều cần phải là đối tượng điều chỉnh của các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố.

“Bên cạnh đó, cần tiếp tục theo dõi, giám sát quản lý chặt chẽ việc thực thi chính sách pháp luật của nhà nước về phòng chống rửa tiền, tăng cường cảnh giác đối với các giao dịch tiềm ẩn rủi ro rửa tiền, đồng thời tăng cường cơ chế tuân thủ nội bộ cũng như đào tạo, tuyên truyền nâng cao trách nhiệm cho cán bộ, nhân viên thực hiện các công việc liên quan đến tài chính, ngân hàng…”, vị luật sư nêu quan điểm.

Có thể bạn quan tâm

  • Gian nan “chặn” rửa tiền trong giao dịch tiền ảo

    Gian nan “chặn” rửa tiền trong giao dịch tiền ảo

    03:20, 24/09/2023

  • Giao dịch tiền mã hóa: Khoảng trống pháp lý trong ngăn chặn rửa tiền

    Giao dịch tiền mã hóa: Khoảng trống pháp lý trong ngăn chặn rửa tiền

    09:57, 23/09/2023

  • Mỹ chống “rửa tiền” qua bất động sản

    Mỹ chống “rửa tiền” qua bất động sản

    04:30, 13/08/2023

  • Buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã tiềm ẩn rủi ro rửa tiền

    Buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã tiềm ẩn rủi ro rửa tiền

    13:00, 17/05/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Ngăn chặn tội phạm rửa tiền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO