Ngăn chặn vấn nạn bán bảo hiểm kiểu... “bia kèm lạc”

Diendandoanhnghiep.vn Sau hàng loạt các lùm xùm liên quan, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) với nhiều quy định mới được cho sẽ là giải pháp giúp ngăn chặn tình trạng bán bảo hiểm kiểu... “bia kèm lạc”...

>> Có nên “cấm cửa” phân phối bảo hiểm qua ngân hàng?

Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng, bán bảo hiểm bán qua ngân hàng rất phổ biến trên thế giới, đây cũng là hình thức mang lại lợi ích cho cả ngân hàng, bảo hiểm lẫn khách hàng, tuy nhiên, ở Việt Nam thời gian qua, kinh doanh bảo hiểm đã gặp nhiều điều tiếng và gây bức xúc cho người dân.

Những lùm xùm của thị trường bảo hiểm thời gian qua khiến không ít ý kiến quan ngại - Ảnh minh họa: ITN

Những lùm xùm của thị trường bảo hiểm thời gian qua khiến không ít ý kiến quan ngại - Ảnh minh họa: ITN

Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp nhân viên ngân hàng gợi ý, “ép” khéo khách hàng mua bảo hiểm để khoản vay được thuận lợi. Đặc biệt, nếu không mua bảo hiểm, khoản vay sẽ khó giải ngân với lý do như: Hết hạn mức tín dụng; tài sản đảm bảo chưa đủ;...

Theo kết quả thanh tra đối với 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cung cấp sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng qua kênh ngân hàng thương mại cho thấy, việc bán bảo hiểm qua kênh đại lý là các ngân hàng còn nhiều sai phạm, đặc biệt là khâu tư vấn của nhân viên ngân hàng, nhân viên môi giới. Chỉ tính riêng một công ty bảo hiểm nhân thọ bán qua một ngân hàng đã có số phí bảo hiểm khách hàng hủy năm đầu tiên khoảng 2.000 tỷ đồng.

Cụ thể, thống kê cho thấy năm 2020, trong hơn 23.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế của phí hợp đồng hợp tác độc quyền bán bảo hiểm nhân thọ của một tổ chức tín dụng đã là 9.200 tỷ đồng (chiếm 40%). Thậm chí, liên quan đến lợi nhuận của ngân hàng ACB, trong 9.596 tỷ đồng lợi nhuận thì phí bảo hiểm được hưởng đã là 8.400 tỷ đồng (chiếm 88%), chưa tính số hoa hồng đại lý trên số phí bảo hiểm được hưởng theo quy định của kinh doanh bảo hiểm.

Cùng với đó, tình trạng tư vấn viên tư vấn không đúng, cố tình mập mờ khi tư vấn cho khách hàng đã diễn ra thời gian dài, khiến khách hàng gặp không ít khó khăn và mất niềm tin vào bảo hiểm nhân thọ.

>> Tiếp tục giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh bảo hiểm

Các quy định mới tại Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được cho sẽ là giải pháp hữu hiệu ngăn chặn tình trạng bán bảo hiểm theo kiểu

Các quy định mới tại Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được cho sẽ là giải pháp hữu hiệu ngăn chặn tình trạng bán bảo hiểm theo kiểu "bia kèm lạc" - Ảnh minh họa: ITN

Thực tế cho thấy, thời gian qua, các lùm xùm liên quan đến bảo hiểm nhân thọ đã khiến những căng thẳng giữa khách hàng với các doanh nghiệp bảo hiểm và ngân hàng ngày càng gia tăng. Phần lớn nguyên nhân xoay quanh việc các đại lý tư vấn không chính xác, mặc dù đại lý được công ty bảo hiểm ủy quyền để tư vấn, theo luật đại lý làm sai thì công ty bảo hiểm chịu, song khi xảy ra tranh chấp, khách hàng khó có thể chứng minh được mình đã bị tư vấn sai lệch, mập mờ.

Và trước thực trạng đã nêu, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua được kỳ vọng sẽ là giải pháp hữu hiệu ngăn chặn việc nhân viên ngân hàng tư vấn sai lệch hay tình trạng gợi ý “ép” khéo khách hàng mua bảo hiểm khi vay, đảm bảo công khai, minh bạch hoạt động bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng.

Cụ thể, theo Điều 15 Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) quy định, nghiêm cấm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.

Đồng thời, giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng để phù hợp với tính chất và hoạt động của lĩnh vực ngân hàng.

Nêu quan điểm về vấn đề đã nêu, không ít ý kiến cho rằng, quy định được Luật (sửa đổi) đưa ra sẽ là “vòng kim cô” giúp ngăn chặn hiện trạng vấn đề bán bảo hiểm theo kiểu “bia kèm lạc”.

Trong đó, theo Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, việc bán bảo hiểm qua ngân hàng thời gian qua xuất hiện nhiều gian dối, gây mất niềm tin đối với khách, vì vậy thu nhập từ hoạt động này ở các ngân hàng đã chậm lại từ giai đoạn trước khi Luật mới được thông qua.

“Quy định mới sẽ giúp ngăn chặn việc nhân viên ngân hàng tư vấn không đầy đủ khiến khách hàng nhầm lẫn giữa sản phẩm bảo hiểm và sản phẩm ngân hàng, hay phải mua bảo hiểm khi muốn vay vốn... xảy ra thời gian qua”, Ông Đức nhìn nhận.

Đồng quan điểm nêu trên, ông Trần Nguyên Đán - giảng viên chuyên ngành bảo hiểm và quản trị rủi ro tài chính Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh nhìn nhận, sau nhiều năm người dân bị ép mua bảo hiểm khi vay ngân hàng, việc cấm hành vi này được đưa vào Luật là một bước chuyển tốt.

Tuy nhiên, theo ông Đán, phải hết sức cảnh giác vì nạn ép mua bảo hiểm ở ngân hàng có thể biến tướng qua nhiều hình thức khác nhau. Ví dụ, khách hàng vay tiền mặc dù không bị ép mua bảo hiểm cho chính mình, nhưng lại bị ép mua bảo hiểm cho người thân.

Cùng với vấn đề đã nêu, một số ý kiến cũng cho hay, dù tỷ lệ tham gia bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam chưa cao nhưng hiện tại, nhiều khách hàng mất niềm tin, vì là bên yếu thế nhất trong chuỗi “người tiêu dùng - đại lý bảo hiểm - doanh nghiệp bảo hiểm”. Vì vậy, ngay lúc này, người dân đang rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan quản lý nhà nước, xử phạt mạnh tay các sai phạm trong ngành, minh bạch thông tin và số liệu. Điều này không chỉ bảo vệ khách hàng, mà còn tạo niềm tin cho những đại lý và doanh nghiệp chân chính.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Ngăn chặn vấn nạn bán bảo hiểm kiểu... “bia kèm lạc” tại chuyên mục DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714214713 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714214713 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10