Ngân hàng “dè dặt” bơm vốn vào bất động sản

HUYỀN TRANG 06/12/2023 05:00

Ngành bất động sản (BĐS) đang được ví như cái ao “cạn vốn” còn ngân hàng lại “ế vốn”. Tuy nhiên, bơm vốn thế nào cho ngành này để đảm bảo an toàn là vấn đề khiến các ngân hàng lo lắng.

>>> Doanh nghiệp địa ốc chật vật vì thiếu vốn

Tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố cơ chế điều hòa room tín dụng từ ngân hàng thừa sang ngân hàng thiếu. Theo số liệu từ Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), tính đến ngày 23/11/2023, dư nợ toàn hệ thống tăng 8,38% so với cuối tháng 12/2022, đạt 56% mức NHNN giao cho các tổ chức tín dụng.

BĐS chờ chính sách khuyến mại đặc biệt

Nhiều doanh nghiệp bất động sản đề nghị ngành ngân hàng nới lỏng điều kiện cấp tín dụng. Ảnh: LV

Dư địa còn lại từ nay đến hết năm để các tổ chức tín dụng mở rộng tăng trưởng tín dụng là rất lớn, còn gần 6,2%, tương đương khoảng 735.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, cung ứng vốn vào lĩnh vực nào là vấn đề khiến các ngân hàng đau đầu. 

Khơi thông "mạch máu" tín dụng cho BĐS

Theo đánh giá của các chuyên gia, BĐS là một trong những lĩnh vực có khả năng hấp thụ vốn tốt nhất giai đoạn hiện nay. Số liệu của NHNN cho thấy, từ đầu năm đến nay, tín dụng lĩnh vực BĐS đạt trên 2,7 triệu tỷ đồng, tăng 6,04% so với cuối năm 2022, chiếm 21,46% tổng dư nợ nền kinh tế. 

Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, các ngân hàng đang “đỏ mắt tìm doanh nghiệp tốt”. “Nhu cầu vốn có thể rất cao, nhưng không thể tiếp cận được điều kiện vốn. Như trong lĩnh vực BĐS, hơn 70% là vướng mắc pháp lý. Nếu doanh nghiệp BĐS có vấn đề gì, thì ngân hàng cũng rất rủi ro, cho vay thì phải đáp ứng đủ điều kiện. Nếu xử lý được vấn đề pháp lý, thì dòng vốn sẽ thông. Không thể nào một mình ngành ngân hàng tháo gỡ các vấn đề được đặt ra”, ông Hùng nêu quan điểm.

Đại diện các ngân hàng như TPBank, Sacombank, Techcombank, VPBank, MBBank cũng cho hay, room tín dụng không phải là vấn đề, lãi suất cho vay cũng đã hạ sâu, song việc giải ngân vẫn rất khó khăn.

Cho rằng, “không thể vỗ tay bằng một bàn tay”, các ngân hàng thương mại đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiếp tục nghiên cứu, triển khai các giải pháp tổng thể hơn, nhất là giải quyết những vướng mắc pháp lý liên quan BĐS; những giải pháp kích cầu tiêu dùng trong nước, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để dẫn dắt đầu tư…, qua đó khơi thông "mạch máu" tín dụng. 

Cảnh báo "vết xe đổ"

Theo Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú, thị trường BĐS có vai trò rất quan trọng, nếu không thúc đẩy phát triển thị trường, sẽ ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế, việc làm, mọi lĩnh vực khác…“Phải khẳng định, ngân hàng và BĐS đang ‘ngồi chung một thuyền’. Nếu thị trường BĐS nóng quá hay nguội quá, ngân hàng đều bị ảnh hưởng vì dư nợ tín dụng lĩnh vực này chiếm 21,2% tín dụng toàn nền kinh tế”, Phó thống đốc Đào Minh Tú nhận định.

Dù vậy, ở góc độ cơ quan điều hành, lãnh đạo NHNN cũng cảnh báo "vết xe đổ" khi nhìn ngược lại giai đoạn 2009-2011, vì lợi ích trước mắt, một số ngân hàng cho vay BĐS nhiều đã phải trả giá lớn trong trung hạn khi nợ xấu gia tăng, an toàn của chính ngân hàng bị ảnh hưởng.

>>Nhà đầu tư ngoại khó tiếp cận bất động sản Việt Nam

“Điều hành chính sách như ‘đi trên dây’, một mặt làm sao có đủ vốn với lãi suất hợp lý hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng thị trường BĐS, một mặt làm sao duy trì an toàn. NHNN nhận thấy trách nhiệm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, nhưng an toàn hệ thống cũng là chuyện quan trọng không kém”, ông Đào Minh Tú trăn trở.

Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, cần sòng phẳng và công bằng trong đối xử với doanh nghiệp BĐS và doanh nghiệp các lĩnh vực khác. Hiện nay, không chỉ doanh nghiệp BĐS khó khăn, mà tất cả các doanh nghiệp đều rất khó khăn, đơn hàng sụt giảm, nhà máy đóng cửa, thu hẹp sản xuất, người lao động mất việc làm… Dù vậy, các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực đều đang rất nỗ lực tìm cách vượt qua. 

Doanh nghiệp BĐS đang gặp khó khăn trong việc xoay xở dòng vốn

Doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó khăn trong việc xoay xở dòng vốn. Ảnh: LV

Trong khi đó, với BĐS, khó khăn hiện nay không chỉ do nguyên nhân khách quan, mà còn do nhiều yếu tố chủ quan. Cụ thể, rất nhiều doanh nghiệp bỏ tiền đầu tư vào đất nông nghiệp, hoặc khu vực đất đai chưa được phê duyệt, chưa được quy hoạch. Hiện dòng tiền “đọng” lại rất nhiều ở đất đai không đủ thủ tục pháp lý. Với những dự án như vậy, ngân hàng có bơm vốn vào thì cũng không hiệu quả, vì có xây xong nhà, dân cũng không dám mua. 

Thực tế có những ngân hàng sẵn sàng cho vay dự án BĐS với lãi suất thấp hơn gói 120.000 tỷ đồng, nhưng không cho vay được vì thủ tục pháp lý của dự án chưa đầy đủ. “Trong bối cảnh hiện nay, để vượt qua khó khăn, chủ đầu tư cần phải chấp nhận rủi ro, thậm chí là phá sản. Bởi, nếu lúc nào cũng đặt ra vấn đề “gỡ”, “giải cứu” doanh nghiệp BĐS, thì trong tương lai giá nhà còn lên đến đâu khi mọi chi phí lãi vay trong hàng chục năm lại được các doanh nghiệp cộng vào giá thành sản phẩm. Thậm chí, dù ngân hàng có điều chỉnh giảm lãi vay nhưng chưa chắc chủ đầu tư đã giảm giá bán nhà cho người dân”, ông Hùng đặt vấn đề.

Nhiều doanh nghiệp BĐS đang đề nghị ngành ngân hàng nới lỏng điều kiện cấp tín dụng trong bối cảnh sức khỏe của doanh nghiệp suy yếu, tài sản đảm bảo giảm giá. Tuy vậy, các ngân hàng thương mại cho rằng, tín dụng vào BĐS là lĩnh vực có rủi ro cao nên cần phải kiểm soát chặt chẽ. 

Có thể bạn quan tâm

  • Nhiễu loạn thông tin báo cáo thị trường bất động sản: Nguy cơ gây “sốt đất ảo”

    Nhiễu loạn thông tin báo cáo thị trường bất động sản: Nguy cơ gây “sốt đất ảo”

    10:00, 05/12/2023

  • Nhà đầu tư ngoại khó tiếp cận bất động sản Việt Nam

    Nhà đầu tư ngoại khó tiếp cận bất động sản Việt Nam

    15:07, 04/12/2023

  • Bất động sản Quảng Nam “ngủ đông”

    Bất động sản Quảng Nam “ngủ đông”

    03:00, 04/12/2023

  • Doanh nghiệp nợ thuế nghìn tỷ, nhiều tên tuổi bất động sản

    Doanh nghiệp nợ thuế nghìn tỷ, nhiều tên tuổi bất động sản "điểm danh"

    16:00, 03/12/2023

  • “Kẽ hở” cho ngân hàng kinh doanh bất động sản

    “Kẽ hở” cho ngân hàng kinh doanh bất động sản

    06:00, 03/12/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Ngân hàng “dè dặt” bơm vốn vào bất động sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO