Nhằm giảm và hỗ trợ lãi suất cho khu vực doanh nghiệp trên địa bàn Tây Nguyên, các ngân hàng thương mại như BIDV, Vietcombank... đã bắt tay vào cuộc…
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngay từ khi có dịch COVID-19, ngành ngân hàng đã vào cuộc, chủ động nắm bắt, dự báo, xây dựng kịch bản, chương trình hành động triển khai các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ khách hàng vay vốn.
Theo đó, các TCTD đã vào cuộc, thể hiện tinh thần chia sẻ, tháo gỡ, tạo điều kiện cho khách hàng vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh, thông qua các giải pháp rất hữu hiệu, thiết thực như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ để tháo gỡ khó khăn cho những khách hàng đang có dư nợ. Đồng thời, các TCTD tích cực triển khai các chương trình, gói sản phẩm tín dụng ưu đãi lãi suất thấp hơn lãi suất thông thường, tạo điều kiện cho khách hàng có thêm nguồn vốn khôi phục sản xuất kinh doanh,...
Đánh giá về các khó khăn của hoạt động của các doanh nghiệp nói chung và ngành ngân hàng nói riêng trên địa bàn Tây Nguyên, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN cho biết, NHNN chi nhánh tỉnh Đăk Lăk và các TCTD trên địa bàn đã khẩn trương, kịp thời chỉ đạo hệ thống TCTD trên địa bàn triển khai các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Cụ thể các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 2 nghìn khách hàng với dư nợ trên 1,1 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm lãi vay cho trên 9 nghìn khách hàng với dư nợ là gần 7 nghìn tỷ đồng; cho vay mới với lãi suất ưu đãi thấp hơn so với lãi suất cho vay trước khi có dịch lũy kế từ ngày 23/01/2020 đến 30/6/2020 cho gần 16 nghìn khách hàng, với doanh số cho vay là gần 9.600 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ Trưởng Vụ tín dụng của NHNN: Đến 22/6/2020, tất cả các TCTD, kể cả công ty tài chính, ngân hàng nước ngoài đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 258 nghìn khách hàng với dư nợ gần 177 nghìn tỷ đồng. Qua đó miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 421 nghìn khách hàng với dư nợ hơn 1,26 triệu tỷ đồng, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến nay đạt 1,13 triệu tỷ đồng cho hơn 238 nghìn khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 – 2,5% so với trước dịch.
Riêng NHCSXH đã thực hiện gia hạn nợ cho gần 154 nghìn khách hàng với dư nợ hơn 3.875 tỷ đồng, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ cho hơn 75 nghìn khách hàng với dư nợ gần 1.600 tỷ đồng, cho vay mới đối với hơn 1 triệu khách hàng với dư nợ gần 39 nghìn tỷ đồng.
Đăk Lăk hiện có tổng số 8.600 doanh nghiệp đang hoạt động chủ yếu là doanh nhỏ và vừa, 532 doanh nghiệp ngừng hoạt động chủ yếu kinh doanh thương mại, dịch vụ, du lịch… do chịu ảnh hưởng nhiều do COVID-19.
Ông Nguyễn Kim Cương - Phó Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Đắk Lắk, cho biết, các TCTD trên địa bàn đã tổ chức thực hiện kịp thời các văn bản chỉ đạo của NHNN, hướng dẫn của Hội sở về triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; chủ động rà soát, nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng vay vốn, trong đó quan tâm đến nhóm khách hàng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh trong các lĩnh vực dịch vụ, du lịch, nhà hàng, khách sạn, vận tải, xuất khẩu…
Hệ thống Vietcombank đã 3 lần công bố giảm lãi suất cho vay cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, cụ thể giai đoạn 1: Ngay từ giữa tháng 2/2020, Vietcombank triển khai chương trình cho vay mới với qui mô dư nợ 30.000 tỷ đồng với lãi suất siêu thấp từ 4,5-5% năm.
Giai đoạn 2: Vietcombank giảm tới 10% số tiền lãi phải trả ngân hàng cho các khách hàng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch COVID-19, thời gian giảm lãi suất từ ngày 15/04/2020 đến hết ngày 30/09/2020; Giảm 5% số tiền lãi phải trả ngân hàng cho các khách hàng bị ảnh hưởng gián tiếp bởi dịch COVID-19, thời gian giảm lãi suất từ ngày 15/04/2020 đến 30/6/2020.
Giai đoạn 3: Vietcombank giảm 5% số tiền lãi vay cho các khách hàng cá nhân có dư nợ vay phục vụ đời sống tại thời điểm trước khi triển khai biện pháp hỗ trợ giai đoạn 3. Thời gian áp dụng mức giảm lãi suất từ ngày 15/5/2020 đến hết ngày 31/7/2020.
Riêng hệ thống BIDV: Kể từ 01/4/2020, đối với dư nợ hiện hữu, BIDV cơ cấu lại nợ, giãn thời gian trả nợ gốc, lãi và giảm lãi suất cho vay tới 2%/năm (đối với các khoản vay bằng VND) cho các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực, ngành nghề bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Mức giảm cụ thể tùy thuộc từng lĩnh vực, ngành nghề và mức độ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, BIDV giảm lãi suất cho vay đến 1%/năm (đối với các khoản vay bằng VND) cho khách hàng cá nhân vay tiêu dùng tín chấp trả nợ bằng lương do ảnh hưởng của dịch COVID-19 làm ảnh hưởng đến thu nhập.
Đặc biệt, trường hợp người lao động mất việc được hưởng trợ cấp 1,8 triệu đồng theo định hướng của Chính phủ, BIDV sẽ giảm 2% lãi suất, đồng thời ân hạn chưa thu gốc và lãi đến hạn của các khách hàng này trong thời gian còn dịch.
Đối với nhu cầu vay mới, BIDV có các gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với lãi suất giảm 2% so với lãi suất cho vay cùng loại ngày 31/12/2019.
Thời gian triển khai giảm lãi suất cho vay (gồm cả dư nợ hiện hữu và dư nợ mới) áp dụng đến ngày liền kề sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch COVID-19.
Có thể bạn quan tâm
11:30, 31/05/2020
14:25, 14/05/2020
11:30, 26/04/2020
11:30, 25/04/2020