Thực thi các giao dịch để đảm bảo duy trì đời sống, thay thế cho các “đường truyền” cũ bị khựng lại bởi COVID-19, ngân hàng số và thanh toán điện tử đã trở thành một phần tất yếu của cuộc sống.
Lúc 14h00 ngày hôm nay (21/5) tại tầng 7, số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, được sự chỉ đạo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức tọa đàm trực tuyến “Ngân hàng số, Thanh toán điện tử: Gợi mở từ khủng hoảng COVID-19”.
Điểm nổi bật trong hiệu quả phát triển ứng dụng công nghệ thông tin ở lĩnh vực tài chính mùa COVID-19, khá bất ngờ lại là tính năng thanh toán điện tử của e-banking.
Tại Techcombank, khối lượng và giá trị giao dịch qua kênh điện tử trong quý 1/2020 lần lượt đạt 78 triệu giao dịch (tăng 149% so với cùng kỳ) và 1.136 nghìn tỷ đồng (tăng 113% so với cùng kỳ).
Hay như ở HDBank, giao dịch qua Internet Banking tăng trưởng 112% về giá trị và 82% về số lượng giao dịch so với cùng kỳ 2019. Cùng với đó là số lượng thẻ thanh toán của HDBank mở mới trong quý I/2020 tăng 67%, số lượng giao dịch qua thẻ tăng 24,3%, doanh số thẻ thanh toán tăng 8,8% so với cùng kỳ 2019.
Theo đó, NAPAS cho hay thanh toán điện tử hết tháng 3/2020 đã tăng 76%, tổng giá trị giao dịch tăng 124% so với cùng kỳ năm 2019.
Song nếu công nghệ thông tin ứng dụng trong tài chính số chỉ để thúc đẩy thanh toán điện tử, thì rõ ràng dấu ấn ngân hàng số ở Việt Nam gần như đang khá mờ nhạt. Bao lâu nữa thì tất cả chúng ta, các tổ chức chứ không phải khách hàng cá nhân, đều không phải đến ngân hàng, mà có thể thực hiện các giao dịch ở mọi lúc, mọi nơi, kể cả vay vốn? Tăng trưởng mạnh mẽ của thanh toán điện tử như thành tựu của ngành ngân hàng mùa COVID-19, đã đến lúc cần được nhìn nhận như một nốt trầm của xu hướng chuyển đổi số về bank 4.0 – khi nhìn lại từ câu hỏi đó.
Dĩ nhiên, các ngân hàng đã nhìn ra sự vận động chậm chạp trong chuyển đổi số của mình, nếu bỏ ngoài thanh toán điện tử. Chưa thể lập tức nhúng vào đời sống của mỗi cá nhân, tổ chức theo đúng nghĩa của ngân hàng số trong kỳ vọng tương lai, từ sự cấp thiết trong mùa COVID-19, các tổ chức đã có động lực thúc đẩy nhanh “số hóa” các cửa hàng giá trị, tiện ích thanh toán và tín dụng mới, một phần cơ bản trên chặng đường dài của ngân hàng số.
BIDV đã hợp tác với Vinmart để “đi chợ online”. VPBank mở học viện đào tạo trực tuyến cho hơn 50.000 tiểu thương để sở hữu các kỹ năng tự kinh doanh trên các mạng xã hội (Zalo, Facebook); mở shop trên các sàn thương mại điện tử (Tiki, Shoppee, Lazada); làm việc với các đối tác giao nhận (Now, Be, Grab..); nâng cấp kỹ năng quản lý kinh doanh (thanh toán không tiền mặt, quản lý tài chính..). HDBank trở thành ngân hàng đầu tiên gia nhập một mạng lưới tài chính mở toàn cầu để thực nghiệm tài trợ thương mại, cấp tín dụng thư trên nền tảng blockchain…là những ví dụ mới mẻ.
Tuy những thay đổi của hành vi tiêu dùng mới chỉ được một số các ngân hàng nỗ lực lan tỏa, nhúng vào, thúc đẩy các thành phần kinh tế chuyển đổi tập quán kinh doanh, thanh toán từ offline lên online. Nhưng đó là lát cắt về một thực tế đang diễn ra, vượt qua một sự khởi đầu của ngân hàng số.
Có thể bạn quan tâm
06:01, 20/05/2020
05:00, 20/05/2020
10:11, 19/05/2020
09:00, 05/05/2020
11:01, 22/06/2019
13:30, 20/06/2019