Giá trị sản xuất CN, XK của tỉnh Bắc Ninh giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng với những giải pháp đã ban hành và triển khai, hoạt động trên được kỳ vọng sẽ thay đổi về “chất” trong thời gian tới.
Công nghiệp, xuất khẩu giảm
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Tạ Đăng Đoan - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh - cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý I/2019 trên địa bàn so với cùng kỳ năm 2018 chỉ đạt 87,4%. Một số mặt hàng tuy có sản lượng sản xuất tăng so với cùng kỳ năm trước nhưng mức tăng không bù lại được sự sụt giảm của các mặt hàng có tỷ trọng cao như điện thoại di động, linh kiện điện tử...
Tổng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 254.000 tỷ đồng, giảm khoảng 5% so với cùng kỳ năm 2018. Bên cạnh đó, quý I/2019, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 7.014,6 triệu USD, bằng 81,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực doanh nghiệp (doanh nghiệp) địa phương đạt 17,7 triệu USD, giảm 44,3%; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 6.996,9 triệu USD, giảm 18,7%.
Ông Tạ Đăng Đoan cho hay, nguyên nhân sụt giảm của công nghiệp chủ yếu do tác động của ngành sản xuất sản phẩm điện tử. Bên cạnh đó, do có Tết cổ truyền và nhiều lễ hội đầu xuân diễn ra trong quý nên sản xuất của khu vực doanh nghiệp dân doanh và ngành truyền thống địa phương bị ảnh hưởng.
Theo ông Tạ Đăng Đoan, xét một cách tổng thể, tăng trưởng công nghiệp của Bắc Ninh còn phụ thuộc vào “sức khỏe” của khu vực FDI. Công nghiệp của tỉnh vẫn chủ yếu là gia công, lắp ráp; nguyên vật liệu, linh kiện được nhập khẩu từ nước ngoài nên tỷ lệ nội địa hóa và tỷ lệ giá trị gia tăng thấp.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp chưa tận dụng và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Năng lực sản xuất, kinh doanh và quản trị của doanh nghiệp khu vực ngoài quốc doanh chưa được cải thiện rõ rệt; tiến trình đổi mới công nghệ diễn ra chậm, năng suất lao động chưa cải thiện rõ nét; rất ít sản phẩm có thương hiệu mạnh và sức cạnh tranh trên thị trường.
Trước tình hình đó, Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh đã và đang tăng cường kết nối và liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI; đồng thời, ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhằm cải thiện cơ cấu, vị thế giữa công nghiệp nội địa với công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; đẩy mạnh cải cách hành chính, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuận lợi; lồng ghép hoạt động khuyến công, xây dựng chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp.
Đặc biệt, đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ. Bắc Ninh đã lập quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ đến năm 2020, mục tiêu tạo cơ hội cho nhiều doanh nghiệp địa phương có thể trở thành đối tác cung ứng cho doanh nghiệp FDI.
Ông Tạ Đăng Đoan- Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh: Muốn duy trì tốc độ tăng trưởng công nghiệp theo hướng bền vững, phải phát triển công nghiệp hỗ trợ.