Gỗ chính thức là một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực đã thiết lập được kỷ lục xuất khẩu mới trong đại dịch.
Cụ thể theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 10 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ (G&SPG) của Việt Nam đạt gần 9,782 tỷ USD, tăng tới 14,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 7,463 tỷ USD, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, Mỹ đóng góp hơn ½ giá tri tổng kim ngạch và các doanh nghiệp FDI cũng đóng góp hơn 46% tổng kim ngạch.
Như vậy, lần đầu tiên trong lịch sử, ngay trong khó khăn của COVID-19, gỗ Việt đang chạm tới cột mốc 10 tỷ USD. Thách thức vượt ngưỡng 10 tỷ USD thời gian tới, nằm chính ở các vấn đề đáng lưu ý với: Sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ - nơi luôn có những rủi ro về rào cản thương mại có thể xảy đến trong tương lai; cùng với đó là giá trị lớn thuộc về doanh nghiệp FDI – Doanh nghiệp nội có nguy cơ yếu thế.
Việc liên kết với các doanh nghiệp nội địa tạo sức mạnh mới và ứng phó cho mọi biến động thị trường vì vậy đã được đặt ra. Điều này không hề mới nhưng cũng không cũ khi, để cạnh tranh với doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp gỗ nội cần thay đổi từ tư duy về mẫu mã thiết kế đến sản phẩm, thương hiệu. Cùng với đó là tư duy chuỗi cung ứng cho các mặt hàng chiến lược.
Mới đây, Hiệp hội gỗ Việt Nam đã tiến hành thành lập chi hội tủ bếp, tủ nhà tắm và ván trang trí, một sản phẩm chiến lược đã đạt doanh thu tỷ đô trên thị trường Mỹ. Thêm được một vài sản phẩm chiến lược tương tự, sức mạnh của liên kết sẽ đến trong hiện thực.
Có thể bạn quan tâm