Với chính sách thị thực mới tạo động lực tăng trưởng cho khách quốc tế, kỳ vọng lượng khách quốc tế của Việt Nam sẽ tăng 21% so với cùng kỳ, lên 39,6 triệu khách trong 2024.
>>>Dự kiến đón 80 triệu khách năm 2024 và yêu cầu mới của ngành hàng không
Công ty Chứng khoán VNDirect cho biết, năm 2023, lưu lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng 170,6% so với cùng kỳ, đạt 32,7 triệu lượt khách, phục hồi 77% so với trước dịch Covid-19. Sự tăng trưởng của lưu lượng hành khách quốc tế sẽ tiếp tục được duy trì thông qua chuỗi giá trị hàng không Việt Nam trong giai đoạn 2024-2025.
VNDirect kỳ vọng, Trung Quốc sẽ là động lực chính cho sự phục hồi lượng khách quốc tế trong năm 2024. Số lượng hành khách Trung Quốc đến Việt Nam đã phục hồi mạnh từ quý III/2023 và kỳ vọng đạt 80% mức trước đại dịch vào cuối năm 2024, phục hồi hoàn toàn vào cuối năm 2025.
“Cùng với chính sách thị thực mới tạo động lực tăng trưởng cho khách quốc tế, chúng tôi kỳ vọng lượng khách quốc tế của Việt Nam sẽ tăng 21% so với cùng kỳ, lên 39,6 triệu khách trong 2024 (95% so với mức trước dịch) và có thể tiếp tục tăng 13,3% so với cùng kỳ, lên 44,8 triệu khách trong năm 2025 (108% mức trước dịch)”, VNDirect nhận định.
Đối với khách nội địa, theo VNDirect, trong năm 2023, lượng khách nội địa đã giảm 6,6% so với cùng kỳ, xuống còn 81,2 triệu lượt khách, do nhu cầu đi lại nội địa đã phục hồi hoàn toàn và đạt đỉnh vào năm 2022. Mặc dù lượng khách nội địa năm 2023 giảm so với cùng kỳ nhưng vẫn đạt 109% mức trước đại dịch.
Công ty Chứng khoán này dự báo, lượng hành khách nội địa có thể tiếp tục giảm trong năm 2024 do một số hãng hàng không gần đây đã cắt giảm nhiều đường bay nội địa kém hiệu quả, ưu tiên mở rộng các đường bay quốc tế.
Bên cạnh đó, chính sách tăng giá vé máy bay nội địa làm giảm nhu cầu đi lại bằng đường hàng không của người dân. Lưu lượng hàng khách nội địa được kỳ vọng phục hồi từ năm 2025 khi nhiều dự án hạ tầng hàng không trọng điểm được đưa vào khai thác.
Về hàng hóa, VNDirect cho biết, năm 2023, lượng hàng hóa thông qua đường hàng không của Việt Nam giảm 9,3% so với cùng kỳ, chủ yếu do nhu cầu thương mại toàn cầu thấp trong năm 2023.
Đơn vị này kỳ vọng, sản lượng hàng hóa hàng không sẽ bắt đầu phục hồi từ nửa đầu năm 2024 nhờ nhu cầu phục hồi ở Mỹ và EU; sản lượng xuất khẩu hàng điện tử, máy tính và linh kiện tăng nhờ dòng vốn FDI vào Việt Nam cải thiện trong nửa cuối năm 2023 và những năm tiếp theo; và mức cơ sở thấp của năm 2023.
Về lâu dài, thị trường hàng hóa hàng không Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng với mục tiêu của Chính phủ là trở thành “công xưởng lớn” của thế giới.
“Chúng tôi kỳ vọng sản lượng hàng hóa hàng không của Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) là 6,4% trong giai đoạn 2024-2025 nhờ thương mại toàn cầu tăng trưởng trở lại sau giai đoạn kinh tế vĩ mô toàn cầu suy yếu trong năm 2023”, VNDirect đánh giá.
Đánh giá về triển vọng của các doanh nghiệp trong ngành hàng không của Việt Nam, VNDirect cho biết, với các doanh nghiệp thượng nguồn, các dự án hạ tầng hàng không trọng điểm trong những năm tới sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp thượng nguồn trong chuỗi giá trị hàng không tại Việt Nam như ACV.
Việt Nam đặt mục tiêu mở rộng mạng lưới sân bay từ 22 lên 30 vào năm 2030, bao gồm 14 sân bay quốc tế và 16 sân bay nội địa với sức chứa tăng gần gấp ba lên 294,5 triệu hành khách.
Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất và sân bay quốc tế Long Thành giai đoạn 1 đang được triển khai xây dựng và dự kiến hoàn thành lần lượt vào năm 2025/2026. Dự án mở rộng nhà ga T2 Nội Bài dự kiến được khởi công xây dựng trong năm 2024 và hoàn thành vào năm 2026. Các dự án trọng điểm này sẽ giúp tăng công suất khai thác và giảm ùn tắc tại hai sân bay chính của Việt Nam.
Đối với Hạ nguồn, VNDirect cho rằng, mặc dù các hãng hàng không dần hồi phục về doanh thu và lợi nhuận ròng nhưng vẫn chưa thể trở lại mức trước đại dịch sau 2 năm giãn cách xã hội vì Covid-19.
Thị phần của HVN giảm từ 40% năm 2022 xuống 35% trong 9 tháng năm 2023 do đội tàu không được mở rộng. Sau giai đoạn tăng trưởng mạnh, thị phần của Bamboo Airways bắt đầu giảm từ mức 16% năm 2021 xuống 14% trong 9 tháng năm 2023 do những thay đổi trong ban lãnh đạo và chính sách thu hẹp mạng đường bay và đội bay trong thời kỳ tái cơ cấu. VJC lấy lại thị phần và duy trì vị trí dẫn đầu kể từ năm 2020 và có vị thế tốt để đón đầu sự phục hồi của ngành.
“Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy tình hình tài chính eo hẹp của các hãng hàng không khiến triển vọng mở rộng khó khăn hơn. HVN lên kế hoạch tái cấp vốn để giải quyết vấn đề vốn chủ sở hữu âm trong khi tỷ lệ đòn bẩy của VJC cũng ở mức cao nhất kể từ năm 2019”, VNDirect đánh giá.
Đồng thời cho rằng, triển vọng phục hồi của các hãng hàng không bị lu mờ bởi giá nhiên liệu cao. Hiện nay, có nhiều yếu tố khó lường có thể khiến giá dầu duy trì ở mức cao, gây nhiều khó khăn cho các hãng hàng không. Các hãng hàng không giá rẻ (LCC) sẽ ít bị ảnh hưởng hơn so với các hãng hàng không truyền thống (FSC).
Giá nhiên liệu Jet A1 tăng 62% so với cùng kỳ năm 2022, đạt mức cao nhất kể từ năm 2016, trước khi giảm 16,0% vào năm 2023. Giá nhiên liệu khó có thể đạt mức như năm 2022 nhưng vẫn sẽ duy trì ở mức cao vào năm 2024, trung bình khoảng 110 USD/thùng, tăng 4% so với cùng kỳ, gây nhiều khó khăn cho các hãng hàng không.
“Trước tình hình giá nhiên liệu máy bay giữ ở mức cao, chúng tôi tin rằng VJC sẽ ít bị ảnh hưởng hơn so với HVN nhờ đội bay trẻ hơn cùng với việc đang dần thay thế máy bay cũ bằng loại máy bay mới A321NEO, tiết kiệm nhiên liệu hơn 20% so với đội bay hiện tại. Chúng tôi dự báo biên lợi nhuận gộp của VJC ở mức 12% trong khi biên lợi nhuận gộp của HVN thấp hơn đạt khoảng 8% trong năm 2024”, VNDirect nhận định.
Có thể bạn quan tâm
Dự kiến đón 80 triệu khách năm 2024 và yêu cầu mới của ngành hàng không
02:00, 22/12/2023
Ngược dòng thế giới, ngành hàng không Ấn Độ “cất cánh”
04:00, 11/11/2023
Công ty khởi nghiệp Regent “điện hóa” ngành hàng không
09:36, 09/10/2023
Du lịch chịu ảnh hưởng lớn bởi ngành hàng không
18:41, 14/03/2023
Xu hướng phục hồi tích cực của ngành hàng không
02:30, 17/06/2022