Ô tô - Xe máy

Ngành sản xuất xe máy điện có nguy cơ lụi tàn?

KHOA TRẦN 14/10/2024 00:16

Ngành sản xuất xe máy điện trong nước mới phát triển, có phải đang đứng trước nguy cơ lụi tàn?

Số liệu bán hàng được Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) công bố mới đây cho thấy, trong quý 3/2024, 5 doanh nghiệp thành viên là: Honda, Yamaha, Suzuki, Piaggio, SYM đã bán ra thị trường tổng cộng 686.001 xe máy các loại, tăng 82.874 xe tương đương 13,74% so với quý 2/2024 đồng thời tăng 12,34% so với cùng kỳ năm ngoái. Cộng dồn 3 quý đã qua của năm 2024, tổng cộng có 1,892 triệu xe máy mới các loại đã bán ra, tăng 3,1% (tương đương 58.624 xe so với cùng kỳ năm ngoái. Các doanh nghiệp thuộc VAMM đến nay vẫn chỉ sản xuất và phân phối xe máy xăng.

xe1.jpg
Các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp xe máy điện gặp nhiều khó khăn. (Ảnh minh họa)

Ngược lại tiêu thụ xe máy điện của các doanh nghiệp Việt Nam lại gặp nhiều khó khăn. Theo Hiệp hội Ô tô, Xe đạp, Xe máy Việt Nam (VAMOBA), doanh số bán xe máy điện của các doanh nghiệp tại Việt Nam 9 tháng đầu năm 2024 ước đạt khoảng 150.000 xe các loại. Dù tiêu thụ xe máy điện có khởi sắc nhưng doanh số bán của xe điện sản xuất lắp ráp tại Việt Nam lại sụt giảm.

Những chiếc xe điện cỡ nhỏ, thiết kế thời trang, nhập tiểu ngạch tràn vào nhiều. Những chiếc xe này có giá bán khoảng 7-8 triệu đồng, không cần đăng kiểm, đăng ký, được nhiều gia đình mua cho trẻ em đi học hoặc đi chợ…chỉ dùng khoảng 3 năm là bỏ đi. Còn những mẫu xe điện có công nghệ cao, có giá bán cao, đang gặp khó trong việc cạnh tranh với xe nhập khẩu tiểu ngạch, không thuế phí.

Gần đây, có một loạt doanh nghiệp sản xuất lắp ráp xe điện, kể cả doanh nghiệp có năng lực tài chính mạnh, với sản phẩm công nghệ cao, đã không còn tham gia thị trường, do doanh số bán quá thấp, chỉ được dưới 1.000 xe/năm. Trong khi, doanh nghiệp lớn là DK Bike vừa bị cháy nhà máy, hàng nghìn xe máy điện và dây chuyền thiết bị sản xuất bị thiêu rụi, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.

xe2.jpg
Liệu ngành sản xuất xe máy điện Việt Nam có đứng trước nguy cơ lụi tàn? (Ảnh minh họa)

Hiện có nhiều mẫu xe điện đã được các doanh nghiệp giảm giá nhưng vẫn khó cạnh tranh, do giá bán vẫn cao. Trong khi Nhà nước chưa có chính sách khuyến khích hỗ trợ sản xuất xe máy điện. Nhập khẩu linh kiện xe máy điện vẫn phải chịu thuế suất 20%. Xe máy điện phải chịu lệ phí trước bạ và phí cấp biển số như xe máy xăng.

Doanh số bán xe máy xăng của các doanh nghiệp FDI hiện cao gấp hơn chục lần xe máy điện. Dân càng mua nhiều xe xăng thì ô nhiểm môi trường tăng, lợi nhuận doanh nghiệp nước ngoài hưởng. Còn ngành sản xuất xe máy điện trong nước mới phát triển, có nguy cơ lụi tàn.

Theo ông Phạm Tuấn Anh, tâm lý chung của nhiều doanh nghiệp xe máy điện hiện nay là thiếu niềm tin, không biết các chính sách với xe máy điện sắp tới như thế nào. Vì vậy, đầu tư không mang tính dài hạn.

Với dân số lên đến hơn 100 triệu người, Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong việc tiếp nhận xe máy điện, trở thành thị trường xe máy điện lớn thứ hai trên thế giới, sau Trung Quốc. Thị trường xe máy điện của Việt Nam rất tiềm năng.

Theo lộ trình của Chính phủ, Việt Nam xác định đến năm 2040 sẽ từng bước hạn chế, tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe ô tô, mô tô, xe gắn máy dùng nhiên liệu hóa thạch. Đến năm 2050, toàn bộ phương tiện sẽ chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh.

Liệu mục tiêu thay thế xe máy xăng bằng xe máy điện có thành hiện thực? Doanh nghiệp Việt Nam có vươn lên làm chủ thị trường? Đến nay vẫn không có gì là chắc chắn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Ngành sản xuất xe máy điện có nguy cơ lụi tàn?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO