Ngành thuế Hải Phòng: Đối thoại doanh nghiệp mở và gỡ để tăng cường kỷ cương thu ngân sách

Diendandoanhnghiep.vn Sáng nay 6/9, Cục Thuế Hải Phòng đối thoại trực tuyến với người dân và các tổ chức, doanh nghiệp trên Cổng thông tin điện tử về chủ đề “Ngành Thuế Hải Phòng tăng cường kỷ cương thu ngân sách”.

Phiên Đối thoại tập trung vào một số nội dung liên quan đến: công tác quản lý thuế, việc khai thác nguồn thu thông qua việc quản lý chặt chẽ các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn; việc triển khai và thực hiện các Đề án chống thất thu thuế; các biện pháp quản lý trong kinh doanh xăng dầu; sử dụng hóa đơn điện tử…

Còn nhiều dư nợ

Chia sẻ với những khó khăn của ngành thuế, ông Vũ Huy Nhặn - Phó cục trưởng cục thuế cho biết: Năm 2018 Trung ương giao cho Hải Phòng thu là 22.772 tỷ đồng, dự toán Hội đồng nhân dân thành phố giao 24.725 tỷ đồng. Nhiệm vụ dự toán năm 2018 của ngành Thuế được giao hết sức nặng nề. Trong đó 4 khu vực chủ yếu (doanh nghiệp nhà nước trung ương, Doanh nghiệp nhà nước địa phương, Đầu tư nước ngoài và khu vực ngoài quốc doanh) tăng cao so với năm 2017 và so với nguồn thu thực tế phát sinh. Trong khi đó một số nguồn thu lớn như: sử dụng đất, tiền thuế đất nộp 1 lần cho cả năm thuê của các dự án lớn đã được thu nộp phần lớn vào các năm trước nên sẽ làm ảnh hưởng sụt giảm đến nguồn thu năm 2018.

Ông Vũ Huy Nhặn - Phó cục trưởng cục thuế Hải Phòng trả lời trực tuyến

Ông Nhặn cho biết: 8 tháng 2018 tổng thu nội địa trên địa bàn thành phố thu được 14.925,5 tỷ đồng, đạt 65,5% dự toán pháp lệnh, 60,4% dự toán HĐND và bằng 116,8% so cùng kỳ. Trong đó, tổng thu trừ tiền sử dụng đất là 12.741,4 tỷ đồng, đạt 63,5% dự toán pháp lệnh, 60,3% dự toán HĐND, bằng 114,2% so cùng kỳ. Tuy nhiên trong quá trình triển khai còn có một số khó khăn, 8 tháng đầu năm 2018 tuy kinh tế thành phố có sự phát triển và tăng trưởng khá, GDP và chỉ số phát triển công nghiệp (IP) tăng cao, nhưng tăng trưởng tập trung chủ yếu ở các dự án mới, các dự án sản xuất và chủ yếu sản xuất hàng xuất khẩu không phát sinh thuế GTGT. Các dự án này và các doanh nghiệp trong khu kinh tế Đình Vũ Cát Hải, Tràng Duệ, Vsip vẫn còn trong thời gian ưu đãi, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.

Trong khi đó, một số ngành trọng điểm sản xuất nguyên vật liệu như xi măng, sắt thép, ống nhựa lại đang gặp khó khăn trong quá trình sản xuất, kinh doanh dẫn đến số thu nộp giảm mạnh. Chỉ tính 13 doanh nghiệp trong số này đã có số nộp giảm tới 360 tỷ đồng so với cùng kỳ; bên cạnh đó nguồn thu thuế nhà thầu từ dự án Cảng Quốc tế Lạch Huyện không còn phát sinh do các hạng mục cơ bản đã hoàn thành, dẫn đến giảm thuế nhà thầu trên 300 tỷ so với năm 2017.

Ngoài ra, công tác đấu giá quyền sử dụng đất thời gian qua cũng diễn ra chậm đã ảnh hưởng đến tình hình thực hiện chỉ tiêu thu ngân sách về thu tiền sử dụng đất; việc các dự án xây dựng cơ bản từ nguồn vốn ngân sách nhà nước chậm được thanh toán cũng đã ảnh hưởng lớn đến tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế của các nhà thầu, chỉ tính riêng dự án Lạch Huyện đã có số nợ là 200 tỷ đồng do chưa được thanh toán.

Luôn lắng nghe chia sẻ

Tại buổi đối thoại, nhiều doanh nghiệp đặt câu hỏi như: Việc kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, và dịch vụ này mang lại hiệu quả như thế nào cho doanh nghiệp? Hải Phòng có số lượng doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lớn và địa bàn hoạt động rộng và phức tạp, vậy Cục Thuế đã có các biện pháp gì trong công tác quản lý kinh doanh xăng dầu?

Hiện nay các văn bản, chính sách về thuế có nhiều thay đổi, điều này khiến cho cá nhân và doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc nắm bắt các chính sách pháp luật thuế. Doanh nghiệp đang sử dụng hóa đơn đặtt in, nay muốn chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử thì cần phải đáp ứng những điều kiện gì? Cục Thuế Hải Phòng có những kênh nào để cá nhân và các doanh nghiệp trên địa bàn tiếp cận, nghiên cứu?...

Theo ông Đinh Văn Thanh - Trưởng Phòng Kê khai và Kế toán thuế: Về Kê khai thuế điện tử, ngành thuế triển khai thực hiện từ năm 2010, đến nay đã có 100% các doanh nghiệp thực hiện việc đăng ký, khai thuế điện tử.

Về nộp thuế điện tử: ngành Thuế triển khai ngay từ đầu năm 2015 đến nay đã có trên 96% số doanh nghiệp đăng ký, dử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử.

Về Hoàn thuế điện tử: Cục Thuế là 1 trong 2 tỉnh thành thí điểm đầu tiên về dịch vụ hoàn thuế điện tử từ ngày 09/01/2017. Đến nay đã có 96% số hồ sơ hoàn thuế của dự án đầu tư và xuất khẩu được hoàn thuế điện tử, chỉ còn lại một số rất ít hồ sơ hoàn ODA, viện trợ nhân đạo hoặc hồ sơ hoàn của doanh nghiệp sử dụng dịch vụ T-VAN chưa thực hiện do hệ thống phần mềm chưa hỗ trợ.

Ông Đinh Văn Thanh (giữa) Trưởng phòng Kê khai và Kế toán thuế Hải Phòng

Ông Vũ Huy Khuê Trưởng Phòng Thanh tra thuế số 1 cho biết, năm 2016, theo tham mưu của Cục Thuế, UBND thành phố đã lập Đoàn liên ngành (gồm Cục Thuế, Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Sở Công thương) triển khai công tác dán tem trên các đồng hồ công tơ tổng của các cơ sở kinh doanh xăng, dầu. Việc triển khai việc dán tem niêm phong này giúp cho công tác quản lý lượng xăng dầu mua vào, bán ra trên thị trường, góp phần chống thất thu trong lĩnh vực thuế, tạo sự công bằng và môi trường kinh doanh lành mạnh giữa các doanh nghiệp mà người tiêu dùng cảm thấy yên tâm, tin tưởng hơn nhờ vào sự đo lường chính xác cũng như nguồn gốc và chất lượng xăng dầu mua vào được đảm bảo trên thị trường Hải Phòng. 

Để tiếp tục chống thất thu thuế đối với các cơ sở kinh doanh, buôn bán xăng dầu, đặc biệt là đối với phương tiện kinh doanh buôn bán xăng dầu trên biển, Cục Thuế TP Hải Phòng triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung vào giải pháp chính:

Thứ nhất, tiếp tục tham mưu với thành phố hoàn thiện quy chế phối hợp trong công tác quản lý kinh doanh xăng dầu để xác định rõ ràng trách nhiệm của mỗi cơ quan trong việc kiểm soát chặt chẽ, hạn chế xăng, dầu nhập lậu không rõ nguồn gốc;

Thứ hai, tham mưu Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và các cơ quan có thẩm quyền về chế độ chính sách thuế trong công tác quản lý các cơ sở sản xuất kinh doanh xăng dầu; đặc biệt đối với các doanh nghiệp có kho hàng ngoại tỉnh có hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn nhưng không thành lập Chi nhánh để kê khai, nộp thuế tại Hải Phòng.

Thứ ba, đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp, không kinh doanh, nhập khẩu trái phép và không tiếp tay, vận chuyển thuê, tiêu thụ xăng dầu lậu, không rõ nguồn gốc, kém chất lượng; đồng thời phối hợp với các ngành chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với các đơn vị, cơ sở có hoạt động kinh doanh xăng dầu

Ông Vũ Huy Khuê Trưởng Phòng Thanh tra thuế số 1

Bà Đinh Thị Tuyết Mãi - Phó trưởng Phòng Hành chính - Quản trị - Tài vụ cho biết, tại Điều 4 Thông tư số 32/2011/TT-BTC ngày 14/3/2011 của Bộ Tài chính quy định Điều kiện của tổ chức khởi tạo hóa đơn điện tử: Là tổ chức kinh tế có đủ điều kiện và đang thực hiện giao dịch điện tử trong khai thuế với cơ quan thuế; hoặc là tổ chức kinh tế có sử dụng giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng; Có địa điểm, các đường truyền tải thông tin, mạng thông tin, thiết bị truyền tin đáp ứng yêu cầu khai thác, kiểm soát, xử lý, sử dụng, bảo quản và lưu trữ hoá đơn điện tử; Có đội ngũ người thực thi đủ trình độ, khả năng tương xứng với yêu cầu để thực hiện việc khởi tạo, lập, sử dụng hoá đơn điện tử theo quy định;Có chữ ký điện tử theo quy định của pháp luật; Có phần mềm bán hàng hoá, dịch vụ kết nối với phần mềm kế toán, đảm bảo dữ liệu của hoá đơn điện tử bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tự động chuyển vào phần mềm (hoặc cơ sở dữ liệu) kế toán tại thời điểm lập hoá đơn; Có các quy trình sao lưu dữ liệu, khôi phục dữ liệu, lưu trữ dữ liệu đáp ứng các yêu cầu tối thiểu về chất lượng lưu trữ

Để khuyến khích các đơn vị sử dụng hóa đơn ngày một nhiều hơn, đáp ứng yêu cầu hội nhập nền kinh tế Quốc tế, tới đây Chính phủ sẽ ban hành Nghị định mới về hóa đơn điện tử thay thế Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 và Nghị định số 04/2014/ NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ về hóa đơn bán hàng hóa dung ứng dịch vụ.

Theo bản dự thảo ngày 29/6/2018 của Nghị định thì Điều kiện để Doanh nghiệp áp dụng hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa cung cấp dịch vụ được điều chỉnh lại như sau: “…Các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đã hoặc sẽ thực hiện giao dịch với cơ quan thuế bằng phương tiện điện tử, có hệ thống phần mềm kế toán, phần mềm hóa đơn điện tử, có giải pháp đáp ứng yêu cầu tra cứu hóa đơn điện tử và đảm bảo việc truyền nhận dữ liệu đến người mua và đến cơ quan thuế, có phương tiện điện tử đảm bảo việc lập, lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử theo quy định thì sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế”.

Tại Điều 7 Thông tư số 32/2011/TT-BTC này 14/3/2011 quy định về phát hành hóa đơn điện tử. 1. Tổ chức khởi tạo hóa đơn điện tử trước khi khởi tạo hoá đơn điện tử phải ra quyết định áp dụng hoá đơn điện tử gửi cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp bằng văn bản giấy hoặc bằng văn bản điện tử gửi thông qua cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế và chịu trách nhiệm về quyết định này. Trước khi sử dụng hóa đơn điện tử, tổ chức khởi tạo hóa đơn điện tử phải lập Thông báo phát hành hóa đơn điện tử gửi cơ quan thuế quản lý trực tiếp.

Tổ chức khởi tạo hóa đơn điện tử phải ký số vào hóa đơn điện tử mẫu và gửi hóa đơn điện tử mẫu (theo đúng định dạng gửi cho người mua) đến cơ quan thuế theo đường điện tử.

Bà Đinh Thị Tuyết Mãi - Phó trưởng Phòng Hành chính - Quản trị - Tài vụ 

Nhiều cử tri Hải Phòng đặt câu hỏi: Hiện nay Hải Phòng là 1 trong thành phố có thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài lớn nhất, nhưng hiện tượng chuyển giá đối với doanh nghiệp FDI là một trong vấn đề nóng hiện nay không những ở Hải Phòng mà còn trong cả nước cũng như trên thế giới, vậy ngành thuế đã có giải pháp nào để chống tình trạng này?

Theo ông Đinh Quang Đại - trưởng phòng Kiểm tra thuế số 1, một trong những vấn đề nổi cộm trong hoạt động quản lý thuế đối với các doanh nghiệp FDI hiện nay là hiện tượng chuyển giá, tránh thuế.

Chuyển giá được hiểu là việc mua bán hàng hóa, dịch vụ và tài sản không theo giá thị trường giữa các đơn vị có mối quan hệ liên kết nhằm tối thiểu hóa số thuế phải nộp. Tạo nên tình trạng lỗ giả, lãi thật, gây thất thu ngân sách, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp, tác động không tốt đến môi trường đầu tư. 

Nhận thức được rủi ro của việc mất thuế từ hành vi chuyển giá của các doanh nghiệp FDI, Cục thuế TP Hải Phòng cũng đã có những biện pháp quyết tâm đấu tranh với hoạt động chuyển giá tại các doanh nghiệp cụ thể như sau: Thành lập một phòng thanh tra thuế đảm nhận thêm nhiệm vụ thanh tra thuế chống chuyển giá; Tổ chức các lớp đào tạo cũng như cử cán bộ tham gia các lớp học về thanh tra, kiểm tra chống chuyển giá của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế nhằm nâng cao năng lực của cán bộ, công chức trong lĩnh vực này; Phát động phong trào thi đua phát huy sáng kiến cải tiến trong hoạt động thanh tra, kiểm tra thuế chống chuyển giá; Xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuế chống chuyển giá; Thu thập thông tin thông qua con đường hợp tác quốc tế từ các nước đã ký kết hiệp định tránh thuế với Việt Nam về các doanh nghiệp có liên quan để đấu tranh chống chuyển giá; Thực hiện phối kết hợp với các cơ quan, đơn vị. Cục thuế tiến hành phối hợp các cơ quan chức năng như cơ quan Hải quan; Công an; Sở kế hoạch và đầu tư; Ban quản lý khu kinh tế và đơn vị trong ngành để thu thập thông tin làm căn cứ đấu tranh chống chuyển giá.

Ông Đinh Quang Đại - trưởng phòng Kiểm tra thuế số 1

Ông Nguyễn Huy Nhặn – Phó Cục trưởng Cục thuế Hải Phòng cho biết: cùng với ngành thuế cả nước, Cục thuế TP. Hải Phòng luôn xây dựng kế hoạch hành động, nhằm đẩy mạnh việc triển khai các Nghị quyết 19 của Chính phủ. Bên cạnh đó, thuế Hải Phòng luôn công khai, minh bạch các quy trình, quy chế về quản lý thuế, rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa, chuẩn hóa và công khai thủ tục hành chính thuế đến doanh nghiệp và người nộp thuế. Ngành cũng luôn áp dụng phương pháp quản lý thuế dựa trên cơ sở đánh giá rủi ro để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý thuế, hạn chế việc thanh tra, kiểm tra chồng chéo, trùng lặp, đảm bảo ngăn chặn, phòng ngừa và xử lý nghiêm những trường hợp cố tình gian lận, trốn thuế và vừa không làm phiền đến các doanh nghiệp tuân thủ tốt nghĩa vụ thuế.

Bên cạnh đó, Cục thuế TP. Hải Phòng thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành có liên quan để thực hiện cải cách thủ tục hành chính, trong đó đã phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp mã số thuế tự động cho doanh nghiệp; phối hợp với Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất giải quyết các hồ sơ, thủ tục có liên quan đến nghĩa vụ tài chính về đất đai…; xây dựng và tổ chức bộ máy quản lý thuế hiện đại, hiệu lực, hiệu quả phù hợp với yêu cầu thực thi nhiệm vụ của cơ quan thuế, đáp ứng yêu cầu quản lý thuế hiện đại theo nguyên tác tập trung thống nhất.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Ngành thuế Hải Phòng: Đối thoại doanh nghiệp mở và gỡ để tăng cường kỷ cương thu ngân sách tại chuyên mục Doanh nghiệp của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713247686 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713247686 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10