Ngày 21/6, Quốc hội sẽ họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
>>Quốc hội sẽ tiếp tục cho ý kiến về dự án Luật Đất đai sửa đổi
Trước đó, thảo luận ở tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Đinh Ngọc Minh (Cà Mau) cho rằng dự thảo không nêu được mục tiêu của dự án luật này. Theo ông Minh, khi dự luật không có mục tiêu sau này sẽ không thể giám sát, đánh giá, đặc biệt nếu có khác nhau về cách hiểu luật thì sẽ không thể diễn giải luật đúng được vì không có mục tiêu ban đầu.
Đại biểu Đinh Ngọc Minh đề nghị dự thảo Luật bổ sung 3 mục tiêu. Thứ nhất, phải giảm được các khiếu kiện về đất đai khi thi hành Luật. Hiện nay khiếu kiện về đất đai chiếm khoảng 60% khiếu kiện người dân gửi đến Ban Dân nguyện của Quốc hội. Vì vậy, sửa đổi luật lần này cơ quan soạn thảo cần đánh giá tác động xem sẽ giảm được khiếu kiện như thế nào khi Luật được triển khai thực hiện.
Thứ hai, dự thảo Luật phải hướng đến phân phối lại được chênh lệch địa tô khi chuyển mục đích các loại đất khác sang đất ở vốn rất lớn hiện nay. Nhất là ở khu vực đô thị, có nơi chênh lệch tới cả vài chục triệu/m2, phần lợi tức này chủ yếu doanh nghiệp bất động sản đang hưởng.
Đại biểu Minh cho rằng, sửa đổi luật cần phân phối lại một phần lợi tức (địa tô) khi chuyển mục đích sử dụng đất cho toàn dân theo Hiến pháp (đất đai là sở hữu toàn dân), đề nghị quy định hướng điều tiết ngay trong dự thảo Luật.
Thứ ba, dự thảo Luật cần hướng tới tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận đất đai để mở các công xưởng, nhà máy nhằm tận dụng cơ hội ngàn năm của đất nước về “dân số vàng”, “địa điểm vàng”, và “thời cơ vàng”.
Góp ý vào một số nội dung cụ thể, đại biểu Minh nêu quan điểm, việc quy định cấp huyện phải làm kế hoạch sử dụng đất hằng năm là hết sức phi lý, gây lãng phí lớn cho ngân sách và thời gian cho địa phương, tạo ra các thủ tục hành chính không đáng có, vì đất đai có vị trí cố định sẵn, việc quy hoạch là đủ điều kiện triển khai các dự án, các quy hoạch khác chỉ cần cho cấp huyện điều chỉnh quy hoạch khi cần thiết.
Về đất thương mại dịch vụ, đất sản xuất phi nông nghiệp, đại biểu cho rằng đây là loại đất sẽ tạo ra việc làm và thu nhập cho người dân ở nông thôn và đất này rất khó để quy hoạch trước vì doanh nghiệp chưa xuất hiện hoặc xuất hiện sau khi đã quy hoạch. Khi doanh nghiệp xuất hiện thì việc điều chỉnh quy hoạch mất rất nhiều thời gian và công sức.
Loại đất này khi chuyển từ đất nông nghiệp sang đang được khuyến khích (Nghị định 57/2018/NÐ-CP) vì nó tạo được việc làm và thu nhập cho người dân ở vùng nông thôn, nhằm đạt được chiến lược “ly nông bất ly hương”. Đại biểu đề nghị loại đất này cho phép sử dụng linh hoạt mà không cần có quy hoạch trước, được làm thủ tục theo hướng rút gọn của Chính phủ.
>>Luật Đất đai sửa đổi: “Cởi trói” đất đai cho các Viện nghiên cứu
>>Tiếp tục lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật đất đai sửa đổi
Đóng góp ý kiến về mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, trong đó có đất trồng lúa, đại biểu Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) đề nghị chỉnh sửa quy định dự thảo Luật theo hướng chặt chẽ hơn về điều kiện chuyển nhượng.
Trong đó, có tính đến đặc thù các loại đất thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng và đối tượng nhận chuyển nhượng là “tổ chức” phân biệt với đối tượng nhận chuyển nhượng là “cá nhân” không trực tiếp sản xuất nông nghiệp.
"Đề nghị có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, phòng, ngừa việc lợi dụng quy định này để đầu cơ đất nông nghiệp, ảnh hưởng đến mục tiêu chính sách", đại biểu Nguyễn Thị Lan nói.
Đối với đất trồng lúa, trường hợp thật cần thiết mở rộng đối tượng là cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa, đại biểu Nguyễn Thị Lan đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định đối với cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa thì phải thành lập tổ chức kinh tế đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 5 Điều 46 dự thảo Luật (có phương án sử dụng đất nông nghiệp được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận).
Đại biểu Nguyễn Thị Lan đồng tình với cơ quan thẩm tra nên nghiên cứu thực hiện thí điểm tại một số địa phương, đánh giá, tổng kết trước khi áp dụng ở quy mô rộng hơn.
Về quyền lựa chọn hình thức giao đất, cho thuê đất của đơn vị sự nghiệp công lập, đại biểu Lan đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu để có cơ chế để khai thác hiệu quả, tránh lãng phí quỹ đất đang do các đơn vị sự nghiệp công lập quản lý. Tuy nhiên, cần tiếp tục rà soát, cân nhắc để quy định phù hợp về đối tượng và phạm vi.
Đại biểu kiến nghị chỉnh sửa quy định tại khoản 2 Điều 35 theo hướng: đơn vị sự nghiệp công lập khi cho thuê đất không được bán tài sản thuộc sở hữu gắn liền với đất và quyền thuê trong hợp đồng thuê đất, không được thế chấp tài sản gắn liền với đất.
Ngoài ra, khi sử dụng kết hợp vào mục đích khác hoặc liên doanh liên kết thì nên được thực hiện trong thời gian tối đa là 10 năm, sau 5 năm thì xem xét tính hiệu quả của hợp tác để tiếp tục kéo dài 10 năm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho đối tác hợp tác.
Có thể bạn quan tâm
10:05, 22/05/2023
15:48, 19/03/2023
12:03, 19/03/2023
11:00, 15/03/2023