Mới đây, tỉnh Nghệ An đã thông qua chủ trương xây dựng nhà máy xử lý điện rác công nghệ Đức, với tổng số vốn đầu tư dự kiến lên tới 3.100 tỷ đồng…
Động thái này được kỳ vọng sẽ giải quyết tốt tình trạng chất thải rắn sinh hoạt ngày càng ùn ứ, quá tải của địa phương. Nhất là giảm bớt khối lượng chất thải rắn phải chôn lấp, chưa đảm bảo vệ sinh môi trường và một số nhà máy xử lý chất thải bị lấp đầy như hiện nay.
Thực trạng đáng lo ngại
Theo số liệu thống kê cho thấy, hiện nay, tỉnh Nghệ An có khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh khoảng 1.592,69 tấn/ngày, tương đương 581.334,4 tấn/năm. Trong đó, tại khu vực đô thị là 551,53 tấn/ngày, tương đương 201.310,1 tấn/năm và khu vực nông thôn là 1.041,16 tấn/ngày, tương đương 380.024,3 tấn/năm.
Mặc dù hơn nửa triệu tấn tấn chất thải được thải ra mỗi năm, thế nhưng, công tác phân loại rác thải ở địa phương này lại chưa được triển khai trên diện rộng, chỉ mới thí điểm toàn địa bàn tại 3/21 đơn vị cấp huyện, đó là: Nam Đàn, Diễn Châu, Hưng Nguyên; còn lại là đang triển khai tại một số xã của các huyện.
>>Nhiều dự án trọng điểm tạo điểm nhấn cho kinh tế Nghệ An
Đối với công tác thu gom, tính đến năm 2023, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom trên địa bàn Nghệ An rơi vào khoảng 1.347,05 tấn/ngày đạt 84,58%; trong đó, tại đô thị 536,59 tấn/ngày đạt 97,3%, nông thôn 810,46 tấn/ngày đạt 77,84%.
Theo đánh giá, tại khu vực nông thôn, việc thu gom chất thải rắn sinh hoạt đạt thấp là do sự phân bố dân cư ở đây không đồng đều, lại khá xa nhau dẫn đến công tác thu gom rác chưa triệt để; nhất là ở khu vực vùng sâu, vùng xa thì vấn đề thu gom rác thải đa phần chưa thực hiện, thường được các hộ dân tự đốt, tiêu hủy.
Cũng qua thống kê cho thấy, việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt được thu gom đến thời điểm hiện tại khoảng 1.305,86 tấn/ngày; trong đó, tại khu vực đô thị khoảng 529,21 tấn/ngày và khu vực nông thôn là khoảng 776,65 tấn/ngày. Đối chiếu với số liệu ở trên, có thể thấy rõ, toàn tỉnh đang có gần 300 tấn rác thải rắn sinh hoạt mỗi ngày chưa được thu gom, xử lý; tương đương với hơn 100.000 tấn còn tồn dư mỗi năm?!.
>>Stavian phát triển Dự án nhà máy xử lý rác thải nhựa tại Việt Nam
Trong khi đó, ở thời điểm hiện tại, Nghệ An mới chỉ có 12 khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt đang hoạt động. Trong đó 11 khu xử lý chất thải rắn được xây dựng theo đúng quy hoạch; 1 khu xử lý đầu tư xây dựng chưa đồng bộ, sử dụng phương pháp chôn lấp, bán chôn lấp hoặc đốt tự phát.
Xây dựng nhà máy điện rác nghìn tỷ
Trên cơ sở tái cơ cấu cổ đông, thay đổi công nghệ và tổng mức đầu tư, mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã thống nhất chủ trương cho phép Công ty CP Galax đầu tư dự án Nhà máy điện rác tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên, huyện Nghi Lộc. Đây là dự án thay thế dự án Khu liên hợp xử lý và tái chế chất thải rắn Ecovi cũ.
Theo đó, Công ty CP Galax sẽ xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn bằng công nghệ lò ghi Martin của Đức kết hợp phát điện hiện đại, với công suất xử lý 1.500 tấn rác thải/ngày đêm, kết hợp phát điện với tổng công suất 30MW.
>>Nghệ An “đau đầu” với công tác xử lý rác thải sinh hoạt
Được biết, dự án nhà máy điện rác có tổng mức đầu tư 3.100 tỷ đồng, được chia làm 2 giai đoạn phân kỳ. Trong đó, giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 2.500 tỷ đồng, với công suất xử lý chất thải rắn sinh hoạt 1.000 tấn rác/ngày đêm, công suất phát điện 20MW. Bên cạnh đó, công suất xử lý chất thải y tế 3 tấn/ngày đêm. Dự kiến giai đoạn 1 dự án sẽ đi vào hoạt động trong quý IV/2027.
Ở giai đoạn 2, dự án có tổng mức đầu tư 600 tỷ đồng, dự kiến đi vào hoạt động vào quý IV/2030, sẽ nâng công suất xử lý chất thải rắn sinh hoạt thêm 500 tấn rác/ngày đêm, công suất phát điện 10MW, tái chế 6 tấn nhựa PE/ngày đêm, tái chế 3 tấn dầu DO/ngày đêm.
Qua tìm hiểu được biết, dự án nhà máy điện rác trên sử dụng công nghệ lò ghi cơ học kiểu Martin của Đức, kết hợp phát điện thuộc danh mục công nghệ được khuyến khích chuyển giao. Công nghệ này đang được sử dụng tại một số nhà máy điện rác ở Việt Nam vì không kén chọn loại rác và kích cỡ rác thải, không cần phân loại rác đầu nguồn, phù hợp với thực tiễn ở nước ta nói chung và Nghệ An nói riêng hiện nay.
So với công nghệ đốt rác thông thường thì công nghệ đốt rác thu hồi năng lượng như lò ghi Martin hiện đang là xu hướng chuyển đổi của các địa phương để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tại các bãi chôn lấp và tận dụng tài nguyên rác để tái tạo năng lượng, tiến tới đóng cửa bãi rác chôn lấp không hợp vệ sinh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ, ô nhiễm nguồn nước ngầm…
Được biết, trước đây, Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên được xây dựng theo công nghệ Đan Mạch, có tổng mức đầu tư gần 100 tỷ đồng, trên diện tích 53ha, hoàn thành, đưa vào vận hành năm 2012 với công suất 300 tấn rác thải sinh hoạt và 3 tấn rác thải y tế/ ngày đêm. Tuy nhiên, do không đáp ứng được yêu cầu về công nghệ, công suất xử lý và công tác bảo vệ môi trường nên năm 2020, UBND tỉnh Nghệ An đã yêu cầu nhà máy tạm dừng hoạt động.
Theo quy hoạch, Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên có chức năng xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải rắn nguy hại phát sinh của vùng liên huyện, bao gồm: TP Vinh, TX Cửa Lò và các huyện: Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Diễn Châu. Toàn bộ khu liên hợp có 8 hố chôn lấp rác; thế nhưng, đến thời điểm hiện tại chỉ còn 3 hố để tiếp nhận rác thải, dự kiến đến năm 2027 sẽ đầy.
Có thể bạn quan tâm
Vụ doanh nghiệp bị “trát” nộp thuế ở Nghệ An – Bài 4: Địa phương xin ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường
10:56, 29/02/2024
Vụ doanh nghiệp bị “trát” nộp thuế ở Nghệ An – Bài 3: Trăm dâu đang đổ…nhà đầu tư?
03:20, 28/02/2024
Vụ doanh nghiệp bị “trát” nộp thuế ở Nghệ An: “Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”?
00:30, 25/02/2024
Lối đi nào cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ ở Nghệ An?
03:38, 19/02/2024