Huấn luyện viên (HLV) là một nghề giúp doanh nghiệp có tầm nhìn, có đích rõ ràng, nguồn lực được tối ưu. Khác với các loại hình khác, HLV sẽ có kế hoạch mục tiêu rất cụ thể đối với khách hàng.
- Thưa ông, xin ông giới thiệu khái quát nhất về nghề huấn luyện viên?
Coaching hay còn gọi là huấn luyện hoặc khai vấn, thuật ngữ này ngày càng được sử dụng nhiều trong kinh doanh và khởi nghiệp. Theo định nghĩa của Liên đoàn Huấn luyện viên Quốc tế (ICF), huấn luyện là một quá trình hợp tác giữa HVL và người được huấn luyện, trong đó HLV sẽ kích thích tư duy sáng tạo, truyền cảm hứng và giúp cho người được huấn luyện phát huy tối đa tiềm năng về cá nhân và tiềm năng về nghề nghiệp.
Trên thế giới, nghề này đã rất phát triển, tuy nhiên ở Việt Nam nghề HLV vẫn còn hạn chế và thực sự chưa có nhiều các HVL chuyên nghiệp, chủ yếu vẫn là dừng ở dạng hoạt động bán thời gian. Có nhiều HLV đã được đào tạo nhưng chưa coi đó là một nghệ và chưa thực sự nghiêm túc đối với nghề này.
- Ông có thể chia sẻ rõ hơn về sự phát triển của nền công nghiệp HLV trên thế giới hiện nay, nền công nghiệp này đã phát triển như thế nào?
Theo nghiên cứu của Liên Đoàn HLV Quốc tế (ICF) năm 2020 trên phạm vi toàn cầu được thực hiện bởi PricewaterhouseCoopers thì đến năm 2019 có 71.000 HLV đang hoạt động và hành nghề. Con số này tăng 33% so với năm 2015, trong đó tập trung rất nhiều vào các khu vực mới nổi như Mỹ La Tinh và Caribbean (tăng 171 % so với năm 2015). Khu vực châu Á tăng khoảng 40 %, số lượng HLV tại khu vực này còn rất thấp so với khu vực khác, đến hết năm 2019 mới có khoảng 4.600 HLV hành nghề và có khoảng 3.400 các chủ doanh nghiệp và các lãnh đạo doanh nghiệp sử dụng kỹ năng HLV trong công việc. Hoạt động HLV hiện chủ yếu tập trung vào việc huấn luyện cho: Lãnh đạo doanh nghiệp; Công tác điều hành; Hoạt động kinh doanh, các tổ chức hay doanh nghiệp nhỏ.
Cũng theo số liệu của ICF, độ tuổi HLV tham gia hành nghề thì chủ yếu tập trung vào thế hệ X, X được tính từ năm 1965 đến năm 1981 và được trải dài ở khắp các khu vực. Chỉ duy nhất ở khu vực Bắc Mỹ, thế hệ Baby Boomer chiếm khoảng 53%, thế hệ này được xác định sinh năm từ khoảng năm 1946 đến năm 1964. Nghề HLV cũng có thể được coi là ngành công nghiệp tỷ đô khi ước tính tổng doanh thu từ hoạt động này vào năm 2019 là khoảng 2,849 tỷ USD, tăng 21% so với năm 2015 và thu nhập bình quân của một HLV khoảng 47.100 USD/một năm
- Thưa ông, đó là tình hình chung trên thế giới vậy còn tính riêng ở Việt Nam thì ngành công nghiệp này đã được phát triển như thế nào, thưa ông?
Hiện nay rất nhiều tổ chức đã tham gia vào đào tạo và xây dựng mạng lưới HLV, ví dụ như Action Coach cũng là một trong những tổ chức có thể đào tạo rất là nhiều HLV cho Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là những người đã được đào tạo trở thành HLV thì họ phải xác định đó là một nghề, họ phải tập trung vào rất nhiều các kỹ năng để có thể trở thành các HLV thực sự chuyên nghiệp và kiếm sống từ thu nhập của hoạt động này.
- Ông có thể chia sẻ rõ hơn về vai trò quan trọng của HLV với doanh nghiệp và với các doanh nghiệp khởi nghiệp như thế nào?
Các doanh nghiệp ở đây có thể là các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp và đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, khi có HLV họ sẽ có tầm nhìn, có cái đích rất rõ ràng. Cái đích đó có thể dài hạn hoặc ngắn hạn, những nguồn lực của doanh nghiệp sẽ được tối ưu để đạt được những mục tiêu cụ thể đó. Khác với các loại hình như cố vấn và tư vấn, HLV sẽ có kế hoạch mục tiêu rất cụ thể đối với khách hàng.
Nghề này đòi hỏi sự tin tưởng và tính cam kết giữa hai bên rất cao, hoạt động HLV trong kinh doanh sẽ tập trung chủ yếu vào con người, tập trung vào việc khám phá và phát triển con người thông qua những bộ câu hỏi và những kỹ năng, để đưa các doanh nghiệp chạm tới những khả năng tư duy, giải pháp sáng tạo nhất. Như vậy, ta có thể thấy HLV rất có ý nghĩa và quan trọng đối với doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp khởi nghiệp nói riêng, vì các doanh nghiệp khởi nghiệp hay các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thì con người chính là một trong những tài sản lớn nhất của một công ty.
- Vậy thưa ông, cần làm gì để có thể trở thành HLV chuyên nghiệp hoặc phải thỏa mãn những điều kiện nào mới được công nhận là HLV?
Để trở thành HLV, có kinh nghiệm trong kinh doanh họ cần phải trải qua một quá trình đào tạo thật bài bản và chuyên nghiệp cả lý thuyết và thực hành. Các HLV phải học rất nhiều các kỹ năng như kỹ năng nghe, kỹ năng đặt câu hỏi để đưa ra những câu hỏi có sức mạnh thực sự, được đào tạo và tiếp cận nhiều mô hình kinh doanh tiên tiến để cùng với khách hàng của mình thiết lập ra các mục tiêu và các đích đến khả thi nhất, để có một kế hoạch hành động cụ thể. HLV có thể thực hành giữa các HLV với nhau hay thực hành với khách hàng của mình. Đặc biệt, để trở thành HLV chuyên nghiệp, cần phải trải qua thời gian thực hành liên tiếp để nâng cao trình độ, giờ thực hành ít hay nhiều phản ánh trình độ và kinh nghiệm của HLV. Cuối cùng, để trở thành HLV, bạn cũng phải đầu tư các nguồn lực như thời gian, công sức kể cả là tài chính.
- Thưa ông, hiện nay khá nhiều người vẫn sẽ còn nhầm lẫn khái niệm cố vấn và huấn luyện viên vậy thì ông có thể chia sẻ rõ hơn về sự khác nhau giống nhau giữa hai khái niệm này?
Cố vấn dựa rất nhiều vào kinh nghiệm để hỗ trợ cho startup tìm ra các giải pháp, tuy nhiên trong vai trò của cố vấn tính cam kết giữa mentor và mentee không cao, kế hoạch và thời gian cố vấn cũng rất linh hoạt và linh động. Còn đối với HLV bên cạnh những kinh nghiệm, yêu cầu bắt buộc là họ phải được đào tạo rất bài bản và sử dụng các kỹ năng để có thể bẻ khóa hoặc khám phá được toàn bộ tiềm năng con người của học viên được huấn luyện, thiết lập và giải quyết mục tiêu ngắn hạn. Ngoài ra, tính cam kết và độ tin tưởng cao, khi đã làm việc với nhau hai bên phải tin tưởng nhau và phải có những cam kết nhất định, đặc biệt là cam kết lộ trình mà hai bên đã ký với nhau phải thật rõ ràng. HLV sẽ tập trung vào những đích rất ngắn để từ đó họ sẽ phát triển ra những mục tiêu dài hạn. Cái khác nhau nữa là HLV là một nghề và có thể sống được bằng nghề thậm chí có thể là thu nhập cao.
Về cơ bản, mục đích 02 hoạt động gần như tương tự nhau, đều hỗ trợ các doanh nghiệp/doanh nghiệp khởi nghiệp. Hoạt động cố vấn và HLV thì đều tập trung vào tình trạng hiện tại của khách hàng từ đó tìm ra giải pháp cho tương lai.
- Vâng! Theo ông thì tại Việt Nam hiện nay đang có những tổ chức, trung tâm nào đào tạo và cấp chứng nhận cho các HLV, thưa ông?
Để trở thành HLV chúng ta nên tìm các tổ chức đào tạo thực sự uy tín, đã được kiểm chứng ở quốc tế hoặc được đánh giá cao trên thị trường. Hiện nay có rất nhiều tổ chức tham gia đào tạo kể cả trong nước và nước ngoài nhưng thường các tổ chức đào tạo này là các tổ chức nước ngoài có trụ sở/đại diện ở Việt Nam hoặc đào tạo xuyên biên giới trên nền tảng đào tạo trực tuyến. Những người muốn trở thành HLV thì nên chọn những nơi đào tạo mà được ICF ủy quyền hoặc có thẩm quyền cấp chứng chỉ dưới sự cho phép ICF. Những tổ chức uy tín chính là nơi đào tạo ra HLV tốt nhất để phục vụ tốt cộng đồng, hiện những tổ chức này đã được cộng đồng ghi nhận và có chức năng, nhiệm vụ đào tạo các HLV.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm