Không bó buộc, có thể phát huy mọi năng lực, đam mê theo cách mình muốn, cùng với khả năng kiếm tiền không giới hạn khiến cho nghề làm việc tự do trở nên hấp dẫn và ngày càng trở thành xu thế.
Nhưng làm sao để “bán thân được giá”, là cả một nghệ thuật mà các freelancer cần phải tính toán và đầu tư.
Năm 2020, đại dịch COVID-19 kéo dài dẫn đến hệ lụy là rất nhiều nhân sự (bao gồm cả nhân sự cao cấp) bị mất việc làm, nhưng đồng thời cũng đưa đến một sự chuyển dịch rất thú vị trên thị trường lao động: Đó là các chuyên gia tự do xuất hiện ngày càng nhiều. Giống như một sự “tỉnh ngộ”! Rất nhiều người trước đó loay hoay với câu hỏi của cuộc đời trong các công sở, doanh nghiệp, tập đoàn: Tại sao tôi làm công việc này? Đồng lương tôi nhận được có xứng đáng không? Tôi có khả năng phát huy hết khả năng, đam mê của mình trong môi trường công sở 8 tiếng không? Cuộc đời sẽ như thế này cho đến lúc về hưu hay sao?...
Đại dịch diễn ra dẫn đến việc hầu hết người lao động đều cần phải tìm cách chuyển dịch. Hoặc là nâng cao năng suất lao động, làm việc đa nhiệm, tăng thời gian làm việc trong bối cảnh các doanh nghiệp cắt giảm nhân sự. Hoặc là sẽ phải làm thêm việc, đặc biệt là tìm kiếm các cơ hội việc làm thêm dựa trên khả năng, năng lực cốt lõi tốt nhất của bản thân.
Và thật thú vị, khi sự phát triển của mạng xã hội cho phép mỗi người đều sở hữu một kênh truyền thông riêng như facebook cá nhân, fanpage hay group, các kênh youtube, linkedin, instagram, hay thậm chí là tiktok, sound clouds,… thì việc “bán mình” lại trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Không đơn giản chỉ là làn sóng mẹ bỉm sữa, nhân viên văn phòng bán hàng online phát triển mạnh như vũ bão, mà các chuyên gia hay những nhân sự có khả năng làm rất tốt một công việc nào đó đều có thể tìm kiếm khách hàng và thu nhập thông qua việc tiếp thị khả năng của bản thân trên các ứng dụng này.
Có thể quan sát điều này thông qua sự xuất hiện và tăng trưởng đáng kinh ngạc của nghề Khai vấn (Coach). Tiếp nối “trend” trước đó về các nhà đào tạo (trainer) và các trung tâm đào tạo, trong năm 2020, nghề Khai vấn đã có bước tiến đáng kể trên quy mô toàn cầu. Theo báo cáo của Liên đoàn Khai vấn Quốc tế (ICF) thì doanh thu của nghề Coach trên toàn cầu trong năm 2019 gần 2,9 tỷ USD. Và trong năm 2020, con số này đã vượt ngưỡng 3 tỷ USD. Trong đó, Châu Á đang là một thị trường trỗi dậy mạnh mẽ trên bản đồ nghề Coach, và mức thu nhập trung bình của các chuyên gia khai vấn tại Châu Á cũng đã vượt ngưỡng 200 USD/giờ.
Tại thị trường Việt Nam, nghề Khai vấn và Kèm cặp (Coach & Mentor) cũng đang có những bước phát triển mạnh mẽ trong vòng 4 năm trở lại đây, đặc biệt là trong năm 2019 và 2020. Theo bật mí của ông Trần Tiến Công, Founder & CEO của Vietnam Coaching Institute (VCI) thì con số những người theo học và làm nghề Khai vấn theo tiêu chuẩn ICF đang tăng nhanh, gấp 3 lần so với 2019, và gấp hàng chục lần so với thời điểm sơ khai nghề này bén duyên với thị trường Việt Nam vào 10 năm trước.
Điều thú vị là, trong thực hành nghề Coach thì bước đầu tiên chính là “bán thân” trên mạng xã hội bằng việc xây dựng các profile chuyên nghiệp và truyền thông trao giá trị mạnh mẽ. Và không chỉ nghề Coach, bạn làm giỏi điều gì thì bạn hoàn toàn có thể “bán mình được giá” khi tận dụng chính các kênh truyền thông cá nhân trên mạng xã hội, hầu như là hoàn toàn miễn phí. Điều này rất đúng ngay cả khi bạn là một Tiến sỹ khoa học hay một CEO, COO, CFO, CMO,… tài ba.
Xây dựng thương hiệu cá nhân
Trên thực tế, tất cả chúng ta, chủ động hay vô thức, cũng đã từng xây dựng thương hiệu cho mình và những “dấu hiệu” này khiến người khác nhìn vào, đánh giá chúng ta (có thể đúng hoặc sai). Nếu bạn có bằng Đại học Ngoại ngữ hay đã từng du học, sẽ được mặc định là giao tiếp ngoại ngữ tốt hơn những người khác (mặc dù điều này là chưa hẳn đúng). Một chuyên viên IT làm việc cho Google tại Singapore thì sẽ được ngầm mặc định là “giỏi” hơn một người cùng cấp tại FPT…
Một doanh nhân thường chia sẻ những mẩu chuyện về thông điệp bảo vệ môi trường, thường xuyên kêu gọi làm từ thiện thì sản phẩm thực phẩm sạch do doanh nhân đó kinh doanh sẽ được người theo dõi (followers) tin tưởng hơn. Một nhà đào tạo thường xuyên chia sẻ những bài học, kiến thức miễn phí thì các sản phẩm/ khoá đào tạo của họ cũng sẽ được yêu mến lựa chọn hơn những chuyên gia ít chia sẻ.
Ngắn gọn nhất thì có thể hiểu thương hiệu cá nhân là: “Tổng hợp tất cả những ấn tượng, niềm tin và tri giác mà con người ta có về một cá nhân”. Xây dựng thương hiệu cá nhân thành công sẽ gửi một thông điệp nhất quán rõ ràng về bạn là ai và những gì bạn có thể làm. Một thương hiệu cá nhân đúng chất và mạnh mẽ sẽ giúp bạn trở nên nổi bật với những điều mà bạn làm tốt nhất, giúp bạn khác biệt với tất cả mọi người khác, và có thể xác định vị trí của bạn như một chuyên gia trong lĩnh vực mà bạn đang theo đuổi.
Nói cách khác, thương hiệu cá nhân chính là bản thân bạn, là màu sắc, là khía cạnh mà bạn sẵn sàng “show” ra, là điều bạn muốn được nhắc tới khi người khác nói về mình, là những giá trị tốt đẹp nhất mà bạn muốn dâng tặng cuộc đời.
Sức mạnh nào tiềm ẩn bên trong bạn?
Thông thường, đó sẽ là điều mà bạn có thể làm tốt nhất, mang tới nhiều giá trị nhất: là những kỹ năng đã được rèn luyện đến mức “thượng thừa”, là những kiến thức đã được tích góp qua thời gian, là những công việc bạn sẵn sàng làm với tất cả đam mê, là những tính cách tạo nên và gửi trao giá trị,… Một danh từ nào đó về nghề nghiệp bạn làm có thể là bước khởi đầu của một thương hiệu cá nhân, chẳng hạn như một chuyên gia tài chính.
Tuy nhiên, để làm rõ thương hiệu cá nhân “chuyên gia tài chính” của bạn khác với các chuyên gia tài chính khác như thế nào thì sẽ cần thêm vào các yếu tố mô tả tầm nhìn, giá trị, đam mê và mục đích của bạn với việc xây dựng thương hiệu cá nhân cho mình. Tầm nhìn của bạn là trở thành chuyên gia hàng đầu trong quản trị tài chính cá nhân? Giá trị mà bạn trao đi là giúp cân bằng sức khoẻ tài chính? Đam mê của bạn là trao đi các kiến thức về quản trị tài chính cá nhân bền vững và thịnh vượng? Mục đích của bạn là góp phần tạo dựng một cộng đồng khoẻ và giàu?
Các yếu tố này cần được làm rõ và thể hiện qua màu sắc, dấu hiệu, các câu nói tuyên ngôn, các nội dung truyền thông về cá nhân mà bạn sẽ chia sẻ,… Từ đó, tạo dựng nên thương hiệu cá nhân trong lĩnh vực quản trị tài chính cá nhân mà bạn muốn định vị.
Ngoài ra, không chỉ mang đến những sản phẩm/ dịch vụ có giá trị. Bạn đang lựa chọn một tương lai hoàn toàn dựa trên sự giao tiếp con người. Do vậy, quá trình trao – nhận này cũng cần phải được thể hiện ra những giá trị cốt lõi của bản thân bạn mà khách hàng có thể cảm nhận và mong muốn thấy: sự chính trực, đáng tin cậy, sự nghiêm túc – chuyên nghiệp – chỉn chu, sự nhất quán, kiện định và nhiệt tình,… vì đó chính là những điều mang tới cảm xúc. Đó không chỉ là sản phẩm/ dịch vụ, mà còn là sự tư vấn tận tâm, sự phục vụ tận tình. Điều này càng khiến cho giá trị thương hiệu bản thân bạn “được giá”.
Xây dựng thương hiệu cá nhân là quá trình tự ý thức và phát triển cá nhân mạnh mẽ, giúp bạn trở nên mạnh mẽ, có giá trị và khác biệt. Đó là lý do tại sao quá trình này được coi là quá trình tìm kiếm “viên ngọc” bên trong của bạn, và phô bày viên ngọc ấy dưới ánh đèn để lan toả hết vẻ đẹp, thể hiện hết giá trị, khẳng định niềm tin và sự trân quý. Nó giúp bức tranh nghề nghiệp và cuộc sống trở nên rõ ràng, tạo thêm nhiều của cải và sự thịnh vượng cho chính bản thân bạn, đồng thời, cũng là chiếc “phao cứu sinh” trong các thời điểm bất ổn của nền kinh tế - xã hội. Cũng như thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu cá nhân mạnh sẽ giúp chúng ta có nhiều cơ hội trụ lại và tồn tại qua các giai đoạn này, để tiếp tục phát triển.
Bạn đã sẵn sàng “bán thân hiệu qủa” chưa?
Có thể bạn quan tâm