Nghị định 08/2023: Động lực khơi thông thị trường trái phiếu doanh nghiệp

GIA NGUYỄN 09/03/2023 03:20

Dù đánh giá cao việc hoàn thiện và ban hành Nghị định 08/2023 về trái phiếu doanh nghiệp, thế nhưng, theo chuyên gia, bên cạnh chính sách mới, vẫn cần thêm nhiều giải pháp đồng bộ khác…

>> Chờ khả năng thực thi của Nghị định 08 về trái phiếu doanh nghiệp

Theo đó, sau nhiều lần chỉnh sửa Dự thảo từ cuối năm ngoái, Nghị định 08/2023 của Chính phủ đã có hiệu lực từ ngày 5/3 vừa qua, nhằm sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại Nghị định trước đó về giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Nghị định 08/2023 tạo ra hành lang pháp lý mới cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp - Ảnh minh họa: ITN

Nghị định 08/2023 tạo ra hành lang pháp lý mới cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp - Ảnh minh họa: ITN

Các điểm mới trong lần sửa đổi này đáng kể đến là việc cho phép kéo dài kỳ hạn trái phiếu tối đa không quá 2 năm; trả nợ bằng tài sản khác; hoãn thực thi một số điều khoản như quy định nhà đầu tư chuyên nghiệp hoặc tăng thời gian phân phối; giãn xếp hạng tín nhiệm bắt buộc đến đầu năm sau.

Việc hoàn thiện và ban hành sớm Nghị định 08/2023, được cho có tính thiết thực, đặc biệt là việc điều chỉnh lại các quy định phát hành và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp, từ đó có thể hỗ trợ cho thị trường trái phiếu đang gặp khó khăn hiện nay.

Mặc dù đánh giá cao Nghị định mới, tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng những tác động từ Nghị định 08/2023 chưa thể “vực dậy” thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trong lúc niềm tin của nhà đầu tư suy giảm. Để thị trường có thể phục hồi, sẽ cần thêm nhiều giải pháp đồng bộ khác trước áp lực đáo hạn trái phiếu sẽ tăng mạnh.

>>TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Chính phủ ban hành Nghị định mới về phát hành trái phiếu doanh nghiệp

Tuy nhiên, theo chuyên gia, để

Tuy nhiên, theo chuyên gia, để "khơi dòng" thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn cần thêm nhiều giải pháp đồng bộ khác - Ảnh minh họa: ITN

Thông tin với báo chí, ông Nguyễn Bá Khương - Chuyên viên phân tích, Chứng khoán VNDirect nhận định, nhìn chung, Nghị định 08/2023 sẽ tạo ra hành lang pháp lý cần thiết xử lý một vài điểm nghẽn hiện nay trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, để thị trường có thể phục hồi, sẽ cần thêm nhiều giải pháp đồng bộ khác, quyết liệt hơn từ doanh nghiệp để củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp bất động sản cũng phải nỗ lực tái cơ cấu, tái cấu trúc sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thực của thị trường, đồng thời có biện pháp xử lý hàng tồn kho nhằm thu tiền về để giải quyết những khó khăn hiện tại về dòng tiền.

Theo ông Khương, cơ quan quản lý cần có phương án đẩy nhanh giải quyết các thủ tục pháp lý cho các dự án bất động sản. Tương tự như bài học từ việc xử lý khủng hoảng trái phiếu doanh nghiệp tại các nước khu vực như Hàn Quốc, Trung Quốc, việc hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn tín dụng, để giải quyết vấn đề thanh khoản ngắn hạn là rất quan trọng.

“Thị trường sẽ chờ đợi những tín hiệu tích cực hơn từ các nhóm giải pháp này”, Ông Khương bày tỏ.

Đánh giá về những điểm mới tại Nghị định 08/2023, một số chuyên gia cũng cho rằng, quy định giúp luật hóa rõ ràng quyền cho doanh nghiệp là tốt, nhưng chưa đem lại nhiều ý nghĩa. Như việc cho phép đàm phán thay đổi kỳ hạn trái phiếu tối đa 2 năm có thể làm hạn chế quyền dân sự của các chủ thể.

Theo các chuyên gia, căn cứ pháp luật dân sự hiện hành, con nợ và chủ nợ trong mọi trường hợp có thể thương lượng riêng rẽ về việc gia hạn thời hạn thanh toán, có thể nhiều hơn 2 năm. Quy định bổ sung trái chủ nào không chấp thuận thì phải được doanh nghiệp thanh toán đầy đủ gốc, lãi trái phiếu trước sẽ làm cho quy định này trở thành bất khả thi trong thực tế. Lý do rất đơn giản, sẽ không trái chủ nào dại đồng ý cho gia hạn và để người khác được thanh toán trước mình.

Thực tế cho thấy, áp lực trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn hạ nhiệt trong quý I, không ít ý kiến cho rằng, thách thức sẽ rơi vào quý II và II của năm nay.

Theo ước tính của VNDirect, giá trị đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp năm nay vào khoảng 252 nghìn tỷ đồng (tăng 64% so với cùng kỳ). Trong đó, áp lực đáo hạn sẽ tăng mạnh trong quý II và III với giá trị lần lượt khoảng 76,5 nghìn tỷ đồng (tăng 120% so với cùng kỳ ) và 83 nghìn tỷ đồng (tăng 39% so với cùng kỳ). Sau giai đoạn thách thức này, lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn sẽ giảm về mức 61 nghìn tỷ đồng trong quý IV.

Đặc biệt, xét theo ngành nghề, nhóm bất động sản chiếm tỷ trọng lớn nhất với 43% tổng giá trị đáo hạn trái phiếu riêng lẻ trong năm 2023, tương đương 107,7 nghìn tỷ đồng (tăng 76,2% so với cùng kỳ). Theo sau là nhóm tài chính – ngân hàng với 31% tỷ trọng giá trị đáo hạn, tương đương 77,6 nghìn tỷ đồng (tăng 24% so với cùng kỳ). Các ngành khác chiếm khoảng 26% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn trong 2023, với khoản 66,5 nghìn tỷ đồng (tăng 126% so với cùng kỳ)…

Từ đó, các chuyên gia đánh giá, nền tảng pháp lý mới chỉ là “bước đi đầu tiên” trong hành trình tái cơ cấu nợ trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ đến hạn trả nợ. Do đó, việc “khơi dòng” trái phiếu doanh nghiệp được dự báo sẽ tương đối phức tạp phụ thuộc vào từng trường hợp riêng biệt.

Có thể bạn quan tâm

  • Chờ khả năng thực thi của Nghị định 08 về trái phiếu doanh nghiệp

    Chờ khả năng thực thi của Nghị định 08 về trái phiếu doanh nghiệp

    04:00, 08/03/2023

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Chính phủ ban hành Nghị định mới về phát hành trái phiếu doanh nghiệp

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Chính phủ ban hành Nghị định mới về phát hành trái phiếu doanh nghiệp

    20:36, 05/03/2023

  • Chính thức ban hành Nghị định mới về trái phiếu doanh nghiệp

    Chính thức ban hành Nghị định mới về trái phiếu doanh nghiệp

    16:55, 05/03/2023

  • TÀI CHÍNH ĐA CHIỀU:

    TÀI CHÍNH ĐA CHIỀU: "Ủng hộ mềm ngắn hạn" về trái phiếu doanh nghiệp

    05:00, 26/02/2023

  • Vực dậy niềm tin trái phiếu doanh nghiệp

    Vực dậy niềm tin trái phiếu doanh nghiệp

    11:00, 25/02/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nghị định 08/2023: Động lực khơi thông thị trường trái phiếu doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO