Nghị định số 69/2021/NĐ-CP được kỳ vọng sẽ tháo gỡ được một trong những “nút thắt” cải tạo chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội là minh bạch kết quả kiểm định.
Vừa qua, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 69/2021/NĐ-CP về cải tạo và xây dựng lại nhà chung cư, trong đó nội dung liên quan đến kiểm định nhà chung cư để xác định nhà chung cư thuộc diện phải phá dỡ để xây dựng lại hoặc xây dựng công trình khác được quy định tại điều 5 và điều 8 của Nghị định này.
Theo đó, tại khoản 1 điều 8 đã quy định “Khi thực hiện kiểm định, đánh giá chất lượng nhà chung cư, đơn vị, tổ chức được giao thực hiện phải căn cứ vào các nội dung, yêu cầu của việc kiểm định, đánh giá chất lượng hiện trạng công trình theo quy định của pháp luật về xây dựng và quy định của Nghị định này để kiểm định, đánh giá chất lượng nhà chung cư, đồng thời phải xác định rõ nhà chung cư không bị hư hỏng hoặc nhà chung cư bị hư hỏng thuộc diện phải phá dỡ theo quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 5 của Nghị định này”.
Sau khi có kết quả kiểm định, tổ chức thực hiện kiểm định sẽ báo cáo kết quả kiểm định đến cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh. Trường hợp nhà chung cư thuộc diện phải phá dỡ thì cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh phải ban hành kết luận kiểm định và báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về kết quả kiểm định, làm cơ sở để thực hiện dự án theo quy hoạch được duyệt. Sau đó, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thông báo bằng văn bản cho các chủ sở hữu nhà chung cư thuộc diện phải cải tạo, xây dựng lại quy định đồng thời công khai danh mục các nhà chung cư này trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh.
Như vậy, với việc các bước kiểm định chất lượng nhà chung cư đã được quy định rõ, Nghị định số 69/2021/NĐ-CP được kỳ vọng sẽ tháo gỡ được một trong những “nút thắt” trong việc cải tạo chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội thời gian qua là việc người dân không chấp nhận di dời do còn băn khoăn về kết quả kiểm định nhà chung cư cũ.
Đơn cử như tại khu tập thể Thành Công (Ba Đình, Hà Nội) người dân nhiều năm liên tục phản đối kết quả thẩm định và cho rằng có nhiều khuất tất liên quan đến xếp hạng D (cấp độ nguy hiểm nhất).
Theo tìm hiểu, nhà chung cư G6A hiện bị đánh giá là một trong hai chung cư nguy hiểm nhất (cấp độ D) tại Hà Nội. Tòa nhà này nằm trong khu tập thể Thành Công gồm 67 dãy nhà được xây dựng từ những năm 1960 - 1970 nên nhiều dãy nhà đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Trước đó, Khu tập thể này nằm trong danh sách 42 chung cư cũ phải di dời khẩn cấp do UBND Hà Nội công bố từ năm 2016.
Ông Nguyễn Văn Chi, Trưởng Ban đại diện cư dân tại đơn nguyên 1,2 tập thể 5 tầng G6A phản ánh, người dân tập trung vào việc không đồng tình với kết quả đánh giá mức độ nguy hiểm cấp D (theo Báo cáo kiểm định và đánh giá chất lượng hiện trạng nhà chung cư cũ số 13.42/2015/KĐ-VKHCNXD ngày 30/4/2015 do Viện KHCN và Kinh tế xây dựng thực hiện).
Bên cạnh đó, cũng theo ông Chi và các hộ dân ở đây thì trong Khu tập thể Thành công, các tòa nhà E6 và E4 dù đã xuống cấp, nứt tường, phải chống đỡ gia cố bằng khung thép cả 5 tầng (được cho là nguy hiểm hơn nhà G6A) và người dân tại các nhà này liên tục kêu cứu nhiều năm qua nhưng lại chỉ bị đánh giá là nguy hiểm cấp C.
Không chỉ tại nhà G6A khu tập thể Thành Công mà người dân tại nhiều khu nhà chung cư cũ tại Hà Nội đang “đặt vấn đề” về kết quả kiểm định mức độ nguy hiểm của cơ quan chức năng.
Trường hợp nhà chung cư nguy hiểm khác tại Hà Nội được người dân phản ánh là nhà Chung cư A7, khu tập thể Tân Mai (Hoàng Mai). Ông Nguyễn Quang Gắng, Tổ trưởng tổ 15, phòng 203 tập thể A7 cho biết hiện nay mỗi lần có người nổ máy dắt xe máy lên cầu thang là các căn hộ 2 bên cầu thang có độ rung lớn.
Đối với kết quả kiểm định nhà A7, theo ông Gắng cho biết: "Trước đây, trước sự trước sự chứng kiến của người dân, đoàn kiểm định đã xuống làm việc dưới sự làm việc của người dân, đào 3 hố móng, quan trắc thực địa nhưng kết quả lại được thay đổi ở lần hậu kiểm thứ 2 (từ cấp D thành C) khiến cư dân tại đây không khỏi băn khoăn".
Tiếp tục thực tế tại nhà chung cư A Ngọc Khánh, ông Nguyễn Quốc Trí, phòng 205, đơn nguyên 1 cho biết, ông cũng như một số hộ dân tại đây không đồng tình với kết quả kiểm định nguy hiểm cấp D của các cơ quan chức năng. Ông Trí cho rằng:"Dù đơn nguyên 2 của nhà A Ngọc Khánh phải chống khung thép cả 5 tầng, cầu thang và tường xuất hiện nhiều vết nứt, toàn bộ đơn nguyên này cũng đang bị lún, nghiêng thì lại xếp cấp C. Trong khi đó, đơn nguyên 1 chưa phải chống một thanh thép, cũng chưa nứt vỡ gì kết cấu thì lại bị xếp cấp D, “có thể là do tại vị trí nhìn thằng ra hồ Giảng Võ”.
Nhìn chung qua khảo sát thực tế cho thấy hầu hết người dân tại các nhà chung cư cũ đều đang rất mong muốn được cải tạo, xây dựng lại bởi dù là kiểm định cấp C hay D thì việc xuống cấp là có vì các nhà này đều đã xây dựng từ lâu, thiết kế, công năng không không đảm bảo tuy nhiên việc kiểm định phải đảm bảo công khai, minh bạch.
Có thể bạn quan tâm
Nghị định 69 về cải tạo chung cư cũ: Cư dân được bồi thường ra sao?
06:00, 19/07/2021
CHUYỆN CUỐI TUẦN: Nhiều vướng mắc "trói chân" cải tạo chung cư cũ
07:00, 11/07/2021
Cần có hội đồng cải tạo chung cư cũ
02:00, 17/07/2021
Cải tạo chung cư cũ: Nhà nước không thể “khoán trắng” cho doanh nghiệp
11:20, 03/07/2021
Cải tạo chung cư cũ cần nhìn vào tổng thể
02:00, 03/07/2021