Hiện nay, phân khúc nhà ở xã hội (NƠXH) đang không đáp ứng đủ nhu cầu nhà ở cho người dân, trong khi đó nhiều tòa nhà tái định cư lại không có người đến ở, gây lãng phí trầm trọng.
>>Nhà đầu tư không mặn mà với dự án PPP
Tại Hà Nội, ghi nhận có 4.000 căn hộ tái định cư bỏ hoang trong nhiều năm, nhiều hạng mục đã xuống cấp. Trong đó, khu chung cư N3 tại Khu đô thị Sài Đồng (Long Biên) là một trong những dự án cụ thể phản ánh tình hình này. Với 160 căn hộ xây dựng từ những năm 2000 có tổng kinh phí gần 1.300 tỷ đồng, dự án này được triển khai nhằm mục đích tái định cư cho người dân khi mở rộng tuyến phố Sài Đồng.
Bên cạnh đó, 4 dự án tái định cư đã bỏ hoang từ 7 - 10 năm tại quận Hoàng Mai, mặc dù chính quyền địa phương đã có các nỗ lực vận động, nhưng cộng đồng dân cư không về ở tại những dự án này.
Đáng chú ý, trong bối cảnh hàng ngàn căn hộ tái định cư trên toàn thành phố đang bỏ hoang, kế hoạch đầu tư vào việc cải tạo chung cư cũ trong giai đoạn 2021 - 2025 vẫn còn nhiều khó khăn, bởi không có đủ 7.000 căn hộ để tái định cư cho cộng đồng dân cư. Đồng thời, nhiều khu nhà tái định cư ở các quận như Hai Bà Trưng, Bắc Từ Liêm, và Hoàng Mai cũng đang đối mặt với tình trạng bị bỏ hoang kéo dài từ nhiều năm trước.
Các dự án này đều có chung một vấn đề, đó là đã được xây dựng từ lâu nhưng không thành công trong việc thu hút cư dân, chủ yếu là do thiếu các tiện ích cơ bản như chỗ để xe, hệ thống xử lý nước thải, hệ thống PCCC, và khu vui chơi...
Tại TP.HCM, hiện nay đang thừa khoảng 14.000 căn nhà tại định cư tại Q.Bình Tân, TP.Thủ Đức (khu vực Q.9 và Q.2 cũ). Trong đó, Khu tái định cư Bình Khánh (thuộc Q.2 cũ) là nơi có số lượng nhà tái định cư lớn nhất với 12.500 căn hộ trên tổng diện tích 38,4 ha. Để xây dựng khu đô thị này, đã có 10.000 hộ dân phải di dời để làm đất nền.
Tuy nhiên, từ khi hoàn thành xây dựng cho đến nay, gần như toàn bộ khu tái định cư không có người ở. Điều đáng nói, mỗi năm TP.HCM phải chi hơn 70 tỷ đồng để bảo trì dự án do dự án này "phơi nắng" lâu ngày. Trong khi đó, ở khu vực gần đó, các căn hộ thương mại của doanh nghiệp tư nhân được rao bán với giá 70 - 100 triệu đồng/m2.
Điều này cho thấy, vấn đề quản lý và sử dụng quỹ nhà tái định cư ở các thành phố lớn đang phải đối mặt với nhiều bất cập, gây lãng phí tài nguyên đất đai, tiền của Nhà nước, và nguồn lực của xã hội.
Liên quan đến vấn đề này, TS. Nguyễn Minh Phong, nguyên Trưởng Phòng nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cho biết, vấn đề NƠXH hiện đang tồn tại hai nghịch lý. Mặc dù phân khúc NƠXH thiếu hụt nhưng việc tiếp cận để mua được nhà lại rất khó khăn. Trong khi đó, nhà ở tái định cư đặt ra yêu cầu rất cao mà thực tế thì nhà đầu tư không mặn mà.
Do đó, nghịch lý này xuất phát từ giá cả không phù hợp của sản phẩm bất động sản và chất lượng không đáp ứng được yêu cầu. Đặc biệt, các tiêu chí để người dân tiếp cận NƠXH cũng không phù hợp.
>>Cần xem doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội là đối tượng ưu tiên đặc biệt
Theo TS.KTS.Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam cho rằng, nguyên nhân một phần của việc nhà tái định cư bỏ hoang là bởi công tác quy hoạch. Hiện nay, chủ trương chính là giải quyết vấn đề chỗ ở, và thời hạn tái định cư phụ thuộc vào các nhu cầu khác nhau của người dân.
Để đảm bảo cuộc sống tại nơi ở mới, người dân cần có nguồn thu nhập, lương và trợ cấp phù hợp. Rất nhiều trường hợp, con cái phải chuyển trường học khi tái định cư. Vì vậy, mô hình tái định cư cần phải được thiết kế phù hợp, cân nhắc công tác quy hoạch để tạo ra chất lượng cuộc sống tốt hơn cho người dân, đồng thời cần chú trọng vào cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật và xã hội đồng bộ. Đây là vấn đề cần được nghiên cứu một cách khoa học, đặt ra các điều kiện cụ thể để có thể định hình và xây dựng nơi ở mới sao cho tốt hơn hoặc ít nhất là bằng những nơi ở cũ.
Theo ông Phong, một số nhà tái định cư hiện đang được quy hoạch tại những vị trí không phù hợp như giữa cánh đồng, không có kết nối hạ tầng, không đáp ứng được nhu cầu của người dân đến ở. Do vậy, nên điều chỉnh lại tư duy và cần thay đổi theo hướng hình thành các khu NƠXH mang tính chất đô thị NƠXH hoặc quần thể NƠXH, đồng bộ cả về kiến trúc, hạ tầng và cả các dịch vụ khác.
Trước đó, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA đã đề xuất chuyển những khu nhà tái định cư bỏ hoang sang làm NƠXH để bán cho những người đang gặp khó về nhà ở. Bởi ông Châu cho rằng, việc để hàng chục ngàn căn hộ tái định cư bỏ hoang là có tội với người dân, đặc biệt là dân nghèo.
Có thể bạn quan tâm
Bất động sản nghỉ dưỡng vẫn khó thanh khoản
15:35, 09/11/2023
Bất động sản trung tâm dữ liệu: Cơ hội cho doanh nghiệp
03:00, 08/11/2023
Doanh nghiệp bất động sản “rầm rộ” ra hàng
16:00, 07/11/2023
Bất động sản phía Nam khởi sắc trở lại
15:25, 07/11/2023
Bất động sản công nghiệp xuất hiện nguồn cung mới giàu tiềm năng
08:00, 07/11/2023