Trong nhóm giải pháp kiến nghị để ổn định, phát triển thị trường TPDN, Bộ Tài chính cho biết NHNN sẽ tiếp tục nghiên cứu sửa đổi Thông tư 16/2021 (văn bản có các quy định siết vốn ngân hàng vào TPDN).
>>>Dự thảo sửa đổi Thông tư 16: Gỡ khó cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Bộ Tài chính cho biết tiếp tục theo dõi việc công bố thông tin của doanh nghiệp, làm việc trực tiếp với doanh nghiệp có trái phiếu đến hạn lớn và yêu cầu các doanh nghiệp có trách nhiệm đến cùng về việc thanh toán...
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, lũy kế từ đầu năm đến ngày 21/7/2023, có 36 doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) với khối lượng 61,2 nghìn tỷ đồng (giảm 78% so với cùng kỳ năm 2022), trong đó doanh nghiệp BĐS chiếm 55% (33,3 nghìn tỷ đồng); 60,91% trái phiếu phát hành có tài sản đảm bảo; khối lượng mua lại trước hạn là 130,4 nghìn tỷ đồng (gấp 1,65 lần so với cùng kỳ năm 2022).
Kể từ khi Nghị định số 08/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành (5/3/2023), theo cơ quan quản lý thống kê, khối lượng TPDN phát hành là 60,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 99% khối lượng kể từ đầu năm 2023. Dư nợ TPDN tại thời điểm 21/7/2023 khoảng 1,03 triệu tỷ đồng, chiếm 10,8% GDP năm 2022, bằng 8,3% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế.
Bộ cũng cho biết sau nhiều giải pháp chính sách đã và đang triển khai, thị trường TPDN hiện đã dần ổn định trở lại.
>>>Dự thảo sửa đổi Thông tư 16: Tích cực nhưng... bớt kỳ vọng
Trong những tháng cuối năm, các giải pháp trước mắt theo Bộ kiến nghị:
Về điều hành chính sách vĩ mô: Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định môi trường đầu tư để đảm bảo thực hiện được mục tiêu tăng trưởng như Quốc hội đã giao.
NHNN điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng phục vụ phát triển kinh tế (trong đó tính đến yếu tố thị trường TPDN chưa thể phục hồi được ngay trong năm 2023).
Triển khai các giải pháp thúc đẩy việc phát hành TPDN ra công chúng bên cạnh kênh phát hành trái phiếu riêng lẻ.
Về tháo gỡ khó khăn, ổn định thị trường bất động sản (BĐS): Kiến nghị Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành địa phương tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường BĐS, trong đó đặc biệt là giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn pháp lý đối với lĩnh vực BĐS, các dự án
BĐS để các doanh nghiệp khẩn trương triển khai hoàn thiện dự án, đưa sản phẩm ra thị trường, khôi phục dòng tiền của doanh nghiệp.
Tiếp tục tăng cường công tác thông tin, truyền thông; trong đó: Các doanh nghiệp nâng cao tính công khai minh bạch trong huy động và sử dụng vốn, có lộ trình chủ động áp dụng xếp hạng tín nhiệm TPDN, chủ động cung cấp thông tin về tình hình tài chính, sản xuất kinh doanh; Bộ Tài chính, các Bộ, ngành phối hợp với Bộ TT&TT, các cơ quan báo chí tiếp tục truyền thông để ổn định tâm lý thị trường; tăng cường phổ biến chính sách đối với các chủ thể tham gia thị trường, đặc biệt các nhà đầu tư cá nhân.
Về theo dõi thanh toán TPDN đến hạn: Bộ Tài chính tiếp tục theo dõi việc công bố thông tin của doanh nghiệp, làm việc trực tiếp với doanh nghiệp có trái phiếu đến hạn lớn và yêu cầu các doanh nghiệp có trách nhiệm đến cùng về việc thanh toán đầy đủ nghĩa vụ trái phiếu cho nhà đầu tư theo điều kiện, điều khoản đã cam kết.
Đáng chú ý, Bộ Tài chính cho rằng về tăng tính thanh khoản của thị trường TPDN: Đó là triển khai các quy định tại Nghị định số 08/2023/NĐ-CP của Chính phủ; NHNN nghiên cứu sửa đổi Quyết định số 11/QĐ-NHNN ngày 06/01/2010 về danh mục giấy tờ có giá được sử dụng trong các giao dịch của NHNN, trong đó bổ sung TPDN vào danh mục giấy tờ có giá được sử dụng trong các giao dịch của NHNN.
Cùng với đó, NHNN tiếp tục nghiên cứu, ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 16/2021/TT-NHNN theo hướng tăng cường minh bạch và thanh khoản của thị trường TPDN, kiểm soát chặt chẽ rủi ro, góp phần hỗ trợ phát triển thị trường TPDN an toàn, lành mạnh, hiệu quả.
Đây là 2 Nghị định, Thông tư đang rất được thị trường có các nội dung sửa đổi sát với khó khăn của thị trường nhằm các nút thắt làm hạn chế giá trị/ hiệu ứng của các chính sách hỗ trợ thị trường TPDN đã và đang được triển khai.
Ngoài ra, theo Bộ Tài chính, về phát triển thị trường và nâng cao hiệu quả quản lý giám sát, cơ quan điều hành đã chỉ đạo Sở Giao dịch Chứng khoán (Sở GDCK) đưa hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ vào hoạt động nhằm phát triển thị trường thứ cấp, tăng tính thanh khoản cho TPDN riêng lẻ. Hệ thống này đã đi vào hoạt động từ tháng 7/2023.
Ghi nhận cho thấy sau hơn 2 tuần đi vào vận hành, thị trường TPDN riêng lẻ đã đưa vào giao dịch 24 mã trái phiếu và bước đầu được nhà đầu tư quan tâm. Các giao dịch hiện đang tập trung ở các mã TPDN của các ngân hàng lớn (thuộc nhóm NH có vốn Nhà nước) phát hành và đã đăng ký đưa lên sàn niêm yết.
Giải pháp cuối cùng trong thời gian tới, Bộ Tài chính khẳng định, NHNN, UBCKNN, Sở GDCK tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, giám sát, chấn chỉnh hoạt động của các tổ chức, các định chế tài chính có hoạt động liên quan đến phát hành TPDN theo quy định của pháp luật, trường hợp sai phạm sẽ xử
lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Theo Bộ Tài chính, kiến nghị rà soát tổng thể, nghiên cứu báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan (Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, Luật Các tổ chức tín dụng) đối với các quy định về điều kiện phát hành TPDN riêng lẻ; vấn đề người có liên quan, sở hữu chéo giữa TCTD, CTCK và doanh nghiệp.
Rà soát, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thực thi của các quy định pháp luật về phá sản doanh nghiệp để các doanh nghiệp có đủ quy trình thực hiện phá
sản một cách có trật tự, góp phần đảm bảo sự vận hành lành mạnh và bền vững của thị trường.
Giao Bộ Xây dựng nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền bổ sung quy định về chỉ tiêu an toàn tài chính trong lĩnh vực xây dựng và BĐS.
Phát triển hệ thống các nhà đầu tư tổ chức, các quỹ đầu tư (gồm quỹ đầu tư trái phiếu).
Tăng cường nguồn lực, nhân sự cho các cơ quan thanh, kiểm tra của UBCKNN và NHNN để quản lý giám sát và phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm quy định của pháp luật trên thị trường chứng khoán, thị trường TPDN.
Tăng cường cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin và giám sát liên thông giữa các Bộ, ngành về ngân hàng, chứng khoán và bất động sản.
Có thể bạn quan tâm
Đại diện Bộ Tài chính nói gì về việc chậm hoàn thuế cho doanh nghiệp?
21:26, 05/08/2023
Bộ Tài chính: thanh tra toàn diện thị trường bảo hiểm nhân thọ
12:39, 05/07/2023
Bộ Tài chính sẽ tập trung thanh tra bảo hiểm liên kết đầu tư
19:43, 04/07/2023
VietinBank ra mắt combo tài chính trọn gói theo hành trình phát triển doanh nghiệp SME
14:33, 09/06/2023