Nguồn lực của doanh nghiệp đã cạn kiệt, không còn đủ vốn để phục hồi sản xuất nhanh được. Do đó doanh nghiệp rất cần được "bơm thêm oxy", cũng như có cơ chế chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn…
Đó là ý ý kiến của Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM trong buổi tiếp xúc cử tri doanh nghiệp trên địa bàn của Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM ngày 2/10.
Tại buổi tiếp xúc cử tri, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM cho biết, trong bối cảnh doanh nghiệp vừa trải qua những chuỗi ngày vô cùng khắc nghiệt nhưng với tinh thần trách nhiệm, nghĩa tình, các doanh nghiệp đã dốc hết sức mình chung tay cùng với thành phố chống dịch, hồi phục và phát triển kinh tế.
Nhiều doanh nghiệp đã vượt qua khó khăn tiếp tục duy trì tổ chức sản xuất theo mô hình "3 tại chỗ", "1 cung đường 2 điểm đến". Tuy rất tốn kém, không có lợi nhuận nhưng nhằm đảm bảo đủ nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm, hàng hoá tiêu dùng thiết yếu cho người dân, đồng thời giữ cho kinh tế TPHCM không bị đứt gãy chuỗi cung ứng trong nước và toàn cầu.
Theo Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM, trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, tại TPHCM, các doanh nghiệp hầu hết các ngành nghề, các lĩnh vực đều rơi vào tình trạng tê liệt, phải đóng cửa, ngừng kinh doanh. Trong đợt dịch lần này chỉ có khoảng 20% năng lực sản xuất được duy trì hoạt động theo mô hình “3 tại chỗ”, "1 cung đường 2 điểm đến". Tuy nhiên việc duy trì ở mức chi phí cao, thua lỗ nặng, không thể kéo dài bền vững được… chuỗi cung ứng trong nước và nước ngoài bị đứt gãy nghiêm trọng.
Ông Chu Tiến Dũng nhìn nhận, kết quả khó khăn của doanh nghiệp đã làm cho số lượng giải thể, đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh cao hơn nhiều so với số thành lập mới. Các doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động hầu hết là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hoạt động trong các lĩnh vực vận tải, du lịch, hoặc không thuộc ngành thiết yếu theo quy định.
Tại buổi tiếp xúc cử tri, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM bày tỏ, thông qua đây những tâm tư nguyện vọng, những kiến nghị đề xuất của doanh nghiệp sẽ được ghi nhận xem xét giải quyết, nhằm tạo động lực mới giúp doanh nghiệp tiếp tục phát triển, đóng góp vào sự phục hồi nhanh và bền vững nền kinh tế.
Theo báo cáo thống kê thì đến tháng 8-2021, TPHCM có 24.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường tính từ đầu năm, chiếm 28,1% và tăng 6,6% so với cùng kỳ. Tuy nhiên con số thực tế còn cao hơn nhiều vì một số lớn các doanh nghiệp chưa khai báo.
Về tình hình lao động, qua số liệu khảo sát, có tới gần 30% lao động bị mất việc làm. Trong đó ngành da giày giảm rất sâu ở mức 62%; ngành dệt may giảm 42,6%; ngành dịch vụ lưu trú (khách sạn) giảm 37%; ngành dịch vụ ăn uống giảm 38%...
“Người lao động gặp khó khăn do mất việc, không có thu nhập tăng cao áp lực lên công tác an sinh xã hội của thành phố. Số người lao động phải rời thành phố về quê để phòng, chống dịch ngày càng nhiều. Một bộ phận người lao động không muốn quay lại làm việc. Đây là khó khăn lớn khi doanh nghiệp phục hồi sản xuất trở lại, có thể sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tốc độ phục hồi kinh tế thành phố trong thời gian tới”, ông Chu Tiến Dũng cho biết.
Phó Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TPHCM Phạm Văn Việt nêu, TPHCM có tổng số hơn 4,7 triệu người lao động đang làm việc, trong đó có trên 3,2 triệu lao động thuộc khối sản xuất, kinh doanh; hơn 50% trong số này là lao động ngoại tỉnh. Thời gian qua, TPHCM phối hợp với các địa phương đưa trên 33.000 người về các tỉnh, thành; chưa kể những người đã tự về quê trước đó chưa được thống kê.
Nhiều người lao động có nguyện vọng quay lại TPHCM làm việc nhưng vẫn chưa thể quay lại do yêu cầu phòng, chống dịch (phải được tiêm vaccine trong khi độ phủ vaccine giữa các địa phương là khác nhau), quy định đi lại khó khăn giữa các địa phương...
Theo ông Phạm Văn Việt, doanh nghiệp vốn đang sức yếu sẽ càng giảm năng suất, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng do thiếu lao động. doanh nghiệp rất cần những chủ trương, chính sách hỗ trợ thiết thực như: phối hợp tổ chức các chuyến xe đưa người lao động từ các địa phương về TPHCM; thiết lập các "vùng đệm" khám sàng lọc, hỗ trợ lưu trú tạm thời 14 ngày cho người lao động ngoại tỉnh tại các chung cư tái định cư bỏ trống, các trường học chưa có học sinh quay lại, ưu tiên tiêm vaccine, xét nghiệm an toàn trước khi doanh nghiệp đón người lao động quay lại nhà máy làm việc.
Ông Phạm Văn Việt cũng đề nghị TPHCM có quỹ đất riêng tại các quận, huyện cho việc xây dựng các khu lưu trú công nhân tập trung. Có chính sách trợ giá nhà ở, nhà trọ và bình ổn giá nhà trọ cho công nhân. TPHCM cũng cần kêu gọi đầu tư, hỗ trợ lãi suất ưu đãi để khuyến khích, thu hút DN tham gia phát triển nhà ở xã hội, khu lưu trú tập trung cho công nhân.
Trước tình trạng người lao động tại TPHCM về quê do ảnh hưởng dịch bệnh covid-19 đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến tình hình sản xuất của doanh nghiệp. Do đó, Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM đề nghị Chính phủ và TPHCM, các tỉnh cần có giải pháp tạo điều kiện thuận lợi để người lao động có thể quay lại làm việc khi kiểm soát được dịch bệnh.
Theo ông Chu Tiến Dũng, nguồn lực của doanh nghiệp đã cạn kiệt, không còn đủ vốn để phục hồi sản xuất nhanh được. Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM cũng đề xuất xem xét giải quyết các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong điều kiện dịch COVID-19.
Phát biểu tại buổi đối thoại, ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TPHCM đánh giá, trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động, dòng tiền như oxy đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, đa phần các doanh nghiệp không thể tiếp cận được các gói hỗ trợ lãi suất bởi quy định ngặt nghèo tại Luật Tổ chức tín dụng. Nếu muốn được giải ngân doanh nghiệp phải đảm bảo: không có nợ xấu, đảm bảo doanh thu, có lợi nhuận, có tài sản đảm bảo….
“Đại dịch đã khiến doanh thu doanh nghiệp sụt giảm, lợi nhuận âm, không có tài sản đảm bảo, dự báo khôi phục hoạt động phải trên 2 năm trong khi điều kiện cho vay của ngân hàng thương mại không đổi”, ông Phạm Văn Việt bình luận và đề nghị, cần có quy chế đặc biệt để tất cả các doanh nghiệp tiếp cận được hỗ trợ ưu đãi lãi suất, không phân biệt ngành nghề.
Ông Phạm Văn Việt cũng nêu, dù dự kiến tháng 10-2021, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính trình Quốc hội gói hỗ trợ lãi suất 4%/năm (khoảng 3.000 tỷ đồng) trên tổng dư nợ 100.000 tỷ đồng thì các doanh nghiệp vẫn không thể tiếp cận được nếu không sớm ban hành một cơ chế đặc biệt cho các doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty VIETRAVEL cũng nhấn mạnh, doanh nghiệp cần hỗ trợ tài chính như người bệnh cần oxy. Ông đề nghị cần phải chuyển từ nhận thức (từ Zero Covid sang with Covid) thành hành động nhanh và dứt khoát. Nếu cứ nửa vời và vấn vương với tư tưởng Zero Covid sẽ làm chậm tiến độ phục hồi kinh tế - xã hội khi tái mở cửa lại và tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến đi sống và chế độ phúc lợi của người dân.
Cũng theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, trong công cuộc chống dịch và phục hồi kinh tế, doanh nghiệp và doanh nhân cần được coi là đối tác chứ không phải đối tượng. Nếu được đặt đúng vị trí và được tin cậy, doanh nhân sẽ phấn khởi đồng hành, đóng góp hiệu quả.
Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM đề nghị Ngân hàng Nhà nước tăng cường cho vay tái cấp vốn, tiếp tục linh hoạt hạn mức tăng trưởng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng để có thêm nguồn lực giảm lãi suất, cung ứng tín dụng hỗ trợ nền kinh tế phục hồi, hỗ trợ doanh nghiệp được tiếp cận vay vốn mới, với lãi suất vay thấp, không phải thế chấp tài sản để doanh nghiệp phục hồi lại được sản xuất.
Có thể bạn quan tâm
KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Cộng đồng doanh nghiệp đề xuất sửa Luật Công đoàn
15:23, 28/09/2021
Hiệp hội Vận tải ô tô kiến nghị chính sách lãi suất ưu đãi
11:00, 28/09/2021
VGTA kiến nghị không tăng thuế xuất khẩu vàng
03:00, 14/08/2021
VPA kiến nghị không tăng thuế nhập khẩu mặt hàng polypropylen
04:10, 10/08/2021
Tổng cục Thuế trả lời kiến nghị về việc áp dụng Thông tư hoàn thuế GTGT
03:50, 03/08/2021
Sai phạm tại SAGRI: Viện Kiểm sát kiến nghị xử lý kỷ luật về Đảng nhiều cán bộ
11:00, 02/08/2021
Quý II/2021: 71,4% kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp chưa được giải quyết
03:50, 02/08/2021
Bộ Xây dựng trả lời kiến nghị về thủ tục xuất khẩu cát tiêu chuẩn
03:50, 01/08/2021