Nguy cơ bùng phát Chiến tranh Lạnh mới Mỹ- Trung

NHẬT LINH 22/08/2022 04:30

Căng thẳng Mỹ- Trung không ngừng leo thang, nhất là sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ tới Đài Loan (Trung Quốc), khiến nhiều chuyên gia lo ngại 2 quốc gia này bước vào Chiến tranh Lạnh mới.

Nhiều chuyên gia lo ngại Mỹ và Trung Quốc sẽ rơi vào tình trạng Chiến tranh lạnh mới.

Nhiều chuyên gia lo ngại Mỹ và Trung Quốc sẽ rơi vào tình trạng Chiến tranh Lạnh mới.

>> Mỹ - Trung đã “Chiến tranh lạnh” hay chưa?

Vừa qua, Trung Quốc đã công bố 8 biện pháp trả đũa đối với chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ tới Đài Loan. Trong đó, có việc hủy bỏ các cuộc đối thoại quan trọng giữa quân đội Trung Quốc và Mỹ. Cụ thể, Trung Quốc hủy các cuộc thảo luận cấp chiến khu, các cuộc họp điều phối chiến lược quốc phòng, các cuộc họp thỏa thuận tham vấn quân sự trên biển với Mỹ... Điều này làm dấy lên quan ngại sẽ có cuộc Chiến tranh Lạnh mới giữa Mỹ và Trung Quốc.

Trong nhiều năm qua, Mỹ nỗ lực tìm cách duy trì vị thế vượt trội của mình và duy trì hệ thống quốc tế ưu tiên các lợi ích và giá trị quốc gia Mỹ. Trong khi Trung Quốc nhìn nhận khả năng lãnh đạo của Mỹ đang yếu dần, đồng thời tham vọng khiến các quốc gia khác chấp nhận sức ảnh hưởng của mình. Cả hai bên đều có niềm tin vững chắc rằng xung đột lợi ích giữa 2 nước là khó tránh khỏi và đôi khi là cần thiết.

Khi bình luận về căng thẳng Mỹ- Trung, nhiều học giả đã chỉ ra sự thay đổi cấu trúc trong cán cân quyền lực. Ông Graham Allison, Giáo sư khoa học chính trị của Trường Chính sách John F Kennedy thuộc Đại học Harvard, cho rằng khi một quốc gia thách thức một cường quốc có vị trí hàng đầu thế giới, chiến tranh giành quyền bá chủ thường nổ ra.

Sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Richard Nixon tới Bắc Kinh năm 1972, Washington dần coi Trung Quốc là đối tác chiến lược trong việc kìm hãm sự phát triển của Liên Xô. Tuy nhiên đến thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ bắt đầu hạn chế sức mạnh quân sự của Trung Quốc trong khi vẫn khuyến khích tự do hóa kinh tế và chính trị qua hội nhập sâu rộng.

Trong thời kỳ này, các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhìn thấy cơ hội chiến lược phát triển của Trung Quốc trong môi trường quốc tế ổn định. Trung Quốc mở cửa quốc gia đón chào các nhà đầu tư quốc tế, chủ động học hỏi từ các chuyên gia quốc tế. Năm 2010, vượt qua Nhật bản, Trung Quốc trở thành cường quốc kinh tế lớn thứ 2 thế giới, bước đầu sử dụng sức mạnh kinh tế của mình để củng cố lợi ích của mình, bao gồm việc nâng tầm sức mạnh quân sự và mở rộng kho vũ khí hạt nhân.

Suốt 5 thập kỷ qua, Mỹ thử hàng loạt các biện pháp răn đe nhằm đưa Trung Quốc vào khuôn khổ trật tự thế giới theo giá trị và lợi ích của Mỹ. Tuy nhiên đến nay, cả 2 quốc gia cho thấy tinh thần không chịu lép vế trước đối phương.

Bà Michael J. Zak, Giáo sư Nghiên cứu về Trung Quốc và Châu Á - Thái Bình Dương tại Đại học Cornell, cho rằng thế giới sẽ thêm nguy hiểm, bớt ổn định bởi nguy cơ đối đầu Mỹ- Trung ngày càng gia tăng. Trong đó, hòn đảo Đài Loan là tiêu điểm nổi bật nhất trước bối cảnh, cả Trung Quốc và Đài Loan ngày càng đặt hòn đảo này vào trung tâm của căng thẳng Mỹ-Trung.

>> Bà Pelosi thăm Đài Loan, quan hệ Mỹ- Trung lún sâu căng thẳng

Đáp lại, Mỹ tăng cường tuần tra quân sự xung quanh eo biển Đài Loan, nới lỏng quy trình tương tác với các quan chức Đài Loan, mở rộng chính sách, nhấn mạnh sự ủng hộ đối với Đài Loan và tiếp tục vận động Đài Loan tham gia vào các tổ chức quốc tế, bao gồm cả Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, những nỗ lực này của Mỹ đã khiến Bắc Kinh cảm thấy cần có biện pháp cấp bách để ngăn chặn mối quan hệ Mỹ- Đài Loan đang không ngừng phát triển.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Pelosi tới thăm hòn đảo Đài Loan (Trung Quốc) khiến xung đột Mỹ- Trung căng thẳng hơn.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Pelosi tới thăm hòn đảo Đài Loan (Trung Quốc) khiến xung đột Mỹ- Trung căng thẳng hơn.

Ngay cả khi hai bên có thể tránh được khủng hoảng, việc tiếp tục tiến trình hiện tại sẽ củng cố tình trạng chia rẽ địa chính trị, đồng thời hạn chế khả năng hợp tác toàn cầu. “Các nước châu Á không muốn bị buộc phải lựa chọn. Và nếu Washington cố gắng kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc hoặc Bắc Kinh tìm cách xây dựng một vùng ảnh hưởng độc quyền ở châu Á, thì họ sẽ bắt đầu một quá trình đối đầu kéo dài hàng thập kỷ và đặt châu Á vào tình thế nguy hiểm”, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long từng nhấn mạnh.

Căng thẳng địa chính trị Mỹ- Trung gia tăng cũng cản trở giải quyết thách thức toàn cầu. Chẳng hạn, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về khí hậu, ông John Kerry đã đạt được một số tiến bộ trong hợp tác khí hậu với Trung Quốc, bao gồm tuyên bố chung tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu năm ngoái ở Glasgow, nhưng kết quả trên vẫn khá khiêm tốn.

Còn nhớ trong cuộc gặp trực tuyến vào tháng 11/2021 với Tổng thống Biden, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói: “Chúng tôi kiên nhẫn và sẽ cố gắng hướng tới viễn cảnh thống nhất hòa bình với sự chân thành và nỗ lực cao nhất”. Nhưng các hành động của Bắc Kinh kể từ đó đã làm giảm uy tín của họ trước Washington.

Trong khi đó, ông Biden cũng nói với ông Tập Cận Bình rằng Mỹ không tìm kiếm một cuộc Chiến tranh Lạnh mới hoặc muốn thay đổi hệ thống của Bắc Kinh. Tuy nhiên, các hành động tiếp theo của Mỹ (bao gồm nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng và hạn chế thị thực mới đối với các quan chức Trung Quốc) đã làm suy giảm niềm tin của Trung Quốc đối với Mỹ.

Tất cả những động thái nói trên của Mỹ và Trung Quốc khiến nhiều chuyên gia quan ngại hai quốc gia này sẽ có nguy cơ bước vào cuộc chiến tranh lạnh mới nếu căng thẳng giữa 2 nước tiếp tục leo thang mạnh mẽ như hiện nay.

Có thể bạn quan tâm

  • Mỹ- Trung

    Mỹ- Trung "sục sôi" trước thông tin Chủ tịch Hạ viện Mỹ đến Đài Loan

    12:00, 02/08/2022

  • "Nóng" cuộc chiến quyền lực mềm Mỹ- Trung

    04:37, 04/07/2022

  • Đối thoại Shangri-La:

    Đối thoại Shangri-La: "Vết nứt" quan hệ Mỹ- Trung ngày một lớn!

    05:14, 12/06/2022

  • Xung đột văn hóa: Trận địa mới của Mỹ- Trung

    Xung đột văn hóa: Trận địa mới của Mỹ- Trung

    06:10, 06/09/2020

  • Mỹ- Trung sẽ

    Mỹ- Trung sẽ "không nhìn mặt nhau"?

    06:30, 20/06/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nguy cơ bùng phát Chiến tranh Lạnh mới Mỹ- Trung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO