Nhà băng "khát" nhân lực số

Hà Anh 31/07/2019 15:00

Kỷ nguyên số bùng nổ đã và đang làm thay đổi hoạt động ngân hàng truyền thống, dẫn tới nhu cầu lao động trong ngành ngân hàng cũng có sự thay đổi căn bản.

f

LiveBank- ngân hàng tự động với giao dịch viên từ xa phục vụ 24/7

Mặc dù vậy, nếu các ngân hàng Việt Nam ngày từ bây giờ không đẩy mạnh đầu tư công nghệ để số hóa các dịch vụ ngân hàng, thì có nguy cơ bị tụt hậu, thậm chí bị loại khỏi cuộc chơi trong tương lai không xa.

Máy móc sẽ dần thay thế... 

Ngân hàng HSBC tại Mỹ đã bổ nhiệm robot làm trợ lý khách hàng, Citibank cũng dự kiến sa thải 10.000 nhân viên để dùng robot thay thế... Đó chỉ là một vài dẫn chứng cho thấy bức tranh nhân lực ngân hàng đã có nhiều thay đổi trong kỷ số. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. 

Còn nhớ cách đây khoảng chục năm, hầu hết các nhà băng trong nước đều xem việc mở rộng mạng lưới là một chiến lược căn bản để chiếm lĩnh thị trường, thậm chí là để khẳng định vị thế. Chẳng thế mà có những con phố dài chỉ vài trăm mét, nhưng có đến cả chục điểm giao dịch ngân hàng; “ra ngõ là gặp ngân hàng” đã trở thành câu cửa miệng khi mô tả về hệ thống ngân hàng Việt Nam thời điểm đó. Kéo theo làn sóng này, nhu cầu nhân lực tài chính – ngân  hàng cũng tăng lên chóng mặt.

Thế nhưng, tình hình hiện đã khác xa thời kỳ đó. Kỷ nguyên số bùng nổ đã và đang làm thay đổi hoạt động ngân hàng truyền thống. Thay vì chạy đua phát triển mạng lưới như mấy năm trước, các nhà băng đang đầu tư mạnh cho công nghệ để số hóa hoạt động.

Có thể bạn quan tâm

  • Ngân hàng số (Kỳ II): Thích ứng để tồn tại và phát triển

    Ngân hàng số (Kỳ II): Thích ứng để tồn tại và phát triển

    11:01, 22/06/2019

  • Ngân hàng số (Kỳ I): Xu thế không thể đảo ngược

    Ngân hàng số (Kỳ I): Xu thế không thể đảo ngược

    13:30, 20/06/2019

  • “Gõ cửa” ngân hàng số

    “Gõ cửa” ngân hàng số

    06:38, 07/02/2019

  • Ngân hàng số đã thực sự bùng nổ?

    Ngân hàng số đã thực sự bùng nổ?

    04:30, 15/09/2018

  • Người dân được hưởng gì từ ngân hàng số?

    Người dân được hưởng gì từ ngân hàng số?

    07:50, 27/11/2018

  • Hành lang pháp lý cho ngân hàng số tại Việt Nam

    Hành lang pháp lý cho ngân hàng số tại Việt Nam

    10:45, 21/12/2017

Đi kèm với công cuộc chuyển đổi số này, nhu cầu lao động trong ngành ngân hàng cũng có sự thay đổi căn bản. Trong tương lai khi các ngân hàng truyền thống được thay thế dần bằng mô hình ngân hàng số, đồng nghĩa với các văn phòng giao dịch sẽ dần biến mất, các vị trí như giao dịch viên cũng không còn cần thiết như hiện nay nữa. Thậm chí, nhiều công việc giản đơn, lặp đi lặp lại cũng có nguy cơ được thay thế bằng robot. 

Một chuyên gia công nghệ cho biết, trí tuệ nhân tạo (AI) đang ngày càng được hoàn thiện, thậm chí về một số mặt có thể thông minh và chính xác hơn con người. Hệ quả là các ngân hàng có thể ứng dụng AI trong việc quản lý danh mục rủi ro, quản lý khách hàng, cơ sở dữ liệu. Thậm chí, các robot tiên tiến tích hợp AI với khả năng tự học hỏi và thích nghi sẽ không chỉ dừng lại ở những công việc giản đơn, lặp đi lặp lại mà hoàn toàn có thể thay thế nhân viên ngân hàng tiếp xúc trực tiếp với khách hàng. 

Nhưng đổi lại cũng có nhiều việc làm mới được tạo ra như: phân tích, dự báo, an ninh, an toàn thông tin, bảo mật... Trong một báo cáo gần đây của Tập đoàn HSBC, có thể trong một tương lai rất gần, tại nhiều ngân hàng sẽ xuất hiện những công việc, những chức danh rất mới chuyên sâu về công nghệ như: chuyên viên thiết kế trải nghiệm thực tế ảo; chuyên viên thiết kế thuật toán; chuyên viên thiết kế giao diện đối thoại; chuyên viên tư vấn dịch vụ quốc tế môi trường thực tế ảo; kỹ sư quy trình số hay chuyên gia thúc đẩy hợp tác.

Theo các chuyên gia, không chỉ từng cá thể người lao động mà ngay cả các nhà băng, thậm chí lớn hơn là một quốc gia, nếu chậm chân đều sẽ bị bỏ lại phía sau trước sự phát triển như vũ bão của kỷ nguyên số. 

Vậy phải chăng nhân sự ngân hàng nói riêng sẽ dần mất việc vì máy móc? May thay, theo các chuyên gia, điều đó sẽ chưa diễn ra, ít nhất là trong thời điểm hiện nay. Thứ nhất là bởi việc đầu tư cho công nghệ đòi hỏi phải có thời gian và cũng khá tốn kém. Thứ hai, quan trọng hơn là AI cho dù có phát triển hoàn thiện đến đâu cũng khó có thể làm thay con người trong những công việc liên quan đến yếu tố cảm xúc.

Nguồn nhân sự chất lượng cao cho ngân hàng hiện nAy đòi hỏi Phải có 3 Trong 1, bao gồm kiến thức về công nghệ, tài chính và ngoại ngữ”

Để không bị bỏ lại phía sau

Để không bị bỏ lại phía sau, nhân lực ngân hàng cần phải tự vươn lên phía trước, chất lượng nguồn nhân lực cũng sẽ phải được nâng cao hơn một bước. Thế hệ nhân viên mới trong thời đại kỷ nguyên số phải am hiểu công nghệ, có khả năng đa nhiệm, có nhu cầu thành đạt nhanh, tự tin, độc lập, thích thể hiện cá nhân và có nhu cầu học hỏi... “Nguồn nhân sự chất lượng cao cho ngân hàng hiện nay đòi hỏi phải có 3 trong 1, bao gồm kiến thức về công nghệ, tài chính và ngoại ngữ”, một chuyên gia ngân hàng cho biết.

Đồng tình quan điểm này, ông Phạm Xuân Hòe – Phó Viện trưởng Viện chiến lược ngân hàng- NHNN cho biết, hiện nay tại các TCTD, nhân lực có kỹ năng chuyên môn (tài chính, ngân hàng) chiếm trên 90%, nhưng thiếu các kỹ năng về công nghệ thông tin và ngoại ngữ. Trong khi lượng nhân sự giỏi về công nghệ thông tin lại không giỏi về chuyên môn tài chính - ngân hàng, dẫn tới lập trình các ứng dụng sản phẩm, dịch vụ không hiệu quả. Đặc biệt, đội ngũ nhân sự cấp cao cũng thường ít am hiểu về công nghệ, dẫn tới các quyết định chậm hoặc sai lầm khi đầu tư công nghệ...

Tuy nhiên, đó lại đang là một thách thức không nhỏ đối với các ngân hàng hiện nay. Trong bối cảnh đó, lời khuyên của các chuyên gia là các ngân hàng cần có chính sách tuyển dụng, đãi ngộ, sử dụng nhân lực... hợp lý nhằm thu hút và giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao. Đặc biệt, các ngân hàng cần có một hệ sinh thái phù hợp để đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số. Đặc biệt, ngân hàng số cần phải có “lãnh đạo số”, cần có CEO 4.0… Đó chính là điểm tựa để các ngân hàng phát triển và hội nhập thành công trong kỷ nguyên số.

Một trong những khó khăn nữa của các ngân hàng khi số hóa hoạt động đó là mô hình kinh doanh, quản trị cũng cần phải thay đổi cho phù hợp với xu hướng quản trị số, mô hình ngân hàng di động, ngân hàng không giấy, thanh toán điện tử... 

Nhưng đáng lo hơn cả là sự phát triển ngày càng tinh vi của công nghệ số cũng kéo theo sự gia tăng lỗ hổng bảo mật. Các vụ tấn công mạng liên tục xảy ra gần đây tại nhiều tổ chức tài chính lớn trên thế giới, trong khi trong nước cũng đã xảy ra không ít vụ tin tặc khai thác lỗ hổng bảo mật để đánh cắp tiền trong tài khoản của khách hàng… Tất cả những điều đó đã ít nhiều làm lung lay lòng tin của khách hàng với ngân hàng số. Cũng chính bởi vậy, giới chuyên gia cho rằng, thách thức lớn nhất đối với tiến trình số hóa của các nhà băng hiện nay là vấn đề an toàn, bảo mật. 

Để “bít” lại các lỗ hổng này, không ai khác lại chính là con người. Thế nên không phải vô cớ mà giới chuyên gia cho rằng, không lo máy móc sẽ thay thế con người bởi hạt nhân của kỷ nguyên số … lại chính là con người. Song không vì thế mà các ngân hàng chủ quan, bởi xu hướng số hóa các công việc giản đơn đã được báo trước từ khá sớm và cũng đang diễn ra ngày một mạnh mẽ hơn trên thực tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nhà băng "khát" nhân lực số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO