Dù hàng loạt các game “ảo” ăn tiền “thật” bị đánh sập, nhiều đối tượng bị tra tay vào còng, nhưng do nguồn lợi thu về quá lớn, những "sới bạc" dạng này vẫn ngang nhiên hoạt động…
>>Nhận diện những "chiêu thức" rửa tiền - Bài 1: “Xóa dấu vết” qua bất động sản
Trong những năm qua, các cơ quan chức năng đã liên tục phát hiện những phi vụ rửa tiền lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Điều đó chứng tỏ, hoạt động rửa tiền vẫn đang diễn ra, đặc biệt, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra nhiều sản phẩm mới, nhiều hình thức giao dịch thanh toán mới, kéo theo đó là sự gia tăng về tội phạm công nghệ cao, núp bóng dưới nhiều hình thức, khiến cho việc quản lý gặp khó khăn. Điển hình là việc lợi dụng hình thức đánh bạc trực tuyến làm công cụ cho hoạt động rửa tiền.
Theo các chuyên gia, trong hoạt động đánh bạc trực tuyến, ngân hàng đóng vai trò là "cầu nối" thanh toán và giao dịch giữa các đối tượng liên quan. Cụ thể: Để thực hiện được hành vi đánh bạc, người chơi có tài khoản được mở tại ngân hàng. Sau khi mở tài khoản chơi game, người chơi sẽ thông qua ngân hàng đổi tiền thật thành tiền ảo, nếu thắng đại lý sẽ thu mua tiền ảo bằng tiền thật và chuyển về tài khoản người chơi thông qua ngân hàng. Đây là một trong những công cụ phổ biến để các tội phạm thực hiện hành vi rửa tiền.
Mới đây, Công an TP Hà Nội đã bắt giữ Trương Ngọc Tú (thường trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên) cùng 15 đối tượng trong đường dây tổ chức đánh bạc và đánh bạc trên mạng. Tổng số tiền các đối tượng đánh bạc nướng vào đường dây này “cực khủng”, lên tới 64.000 tỷ đồng.
Theo Phòng Cảnh sát hình sự, thông qua trò chơi “Nổ hũ” được mô phỏng theo hình thức đánh tá lả, tôm cua cá, xóc đĩa... người chơi phải nạp tiền vào hệ thống các đại lý do Tú làm chủ để lấy điểm, cá cược rồi đổi điểm qua trò chơi để lấy tiền thật. Hồ sơ điều tra ban đầu cho biết, đã có hàng triệu tài khoản được đăng ký tham gia đánh bạc với 24 đại lý cấp 1 và hàng trăm đại lý cấp 2.
Khi tiến hành kiểm tra các địa điểm mà đường dây do Tú cùng các đối tượng khác hoạt động, lực lượng chức năng đã thu giữ 34 điện thoại các loại, 23 thẻ ATM, 5 máy tính, hàng trăm sim điện thoại... được dùng để phục vụ cho hoạt động tội phạm.
>>Nhận diện những "chiêu thức" rửa tiền - Bài 2: Núp bóng công ty “ma”
Theo luật sư Nguyễn Thành Luân – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Việt, pháp luật Việt Nam đã nghiêm cấm hành vi đánh bạc và tổ chức đánh bạc dưới bất kì hình thức nào. Thực tế, các hình phạt đối với hành vi vi phạm này là khá nghiêm khắc. Song, với nguồn lợi nhuận lớn có thể đạt được, các cá nhân tổ chức vẫn bất chấp quy định pháp luật mà ngang nhiên kinh doanh hoạt động trò chơi cờ bạc thông qua hình thức "núp bóng" game online.
Mặc dù công tác quản lý, triệt phá các đường dây đánh bạc của các cơ quan chức năng, lực lượng công an là khá tốt nhưng vẫn chưa thực sự triệt để. Dường như sau các đợt kiểm tra, xử lý các "game bài online" trái pháp luật, những trò chơi online đổi thưởng mới lại "mọc lên" ngày càng nhiều hơn, đặc biệt là công nghệ phát triển nhanh như hiện nay thì thủ đoạn trá hình ngày càng tinh vi.
Theo luật sư Nguyễn Thành Luân, để giải quyết triệt để vấn đề này, cần có các giải pháp để "chữa tận gốc vấn đề". Điểm chung của những vụ án đánh bài trực tuyến đều là lợi dụng các ví điện tử, hệ thống ngân hàng để kinh doanh đổi thưởng, ngăn chặn hoạt động rửa tiền.
Nếu như game đánh bạc trực tuyến này chỉ đơn giản là một trò chơi, mang tính chất giải trí và không có mục đích lợi nhuận, đổi tiền ảo thành tiền thật thì hoàn toàn hợp pháp. Vì vậy, để ngăn chặn vấn nạn cờ bạc online như hiện nay, giải pháp tối ưu và là mấu chốt của vấn đề là quản lý chặt các giao dịch tài chính qua hệ thống ngân hàng.
Khoản 13 Điều 4 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định: "Chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng chính sách, kế hoạch và tổ chức thực hiện phòng, chống rửa tiền". Bên cạnh đó, Điều 11 Luật các tổ chức tín dụng (TCTD) ghi nhận: "TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trách nhiệm sau đây: Không được che giấu, thực hiện hoạt động kinh doanh liên quan đến khoản tiền đã có bằng chứng về nguồn gốc bất hợp pháp. Xây dựng quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố. Thực hiện các biện pháp phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố". Các ngân hàng có trách nhiệm hợp tác với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc điều tra hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố.
Như vậy, pháp luật đã có quy định cụ thể về chức năng phòng chống rửa tiền của ngân hàng. Thông thường, các ngân hàng sẽ có phòng ban về phòng chống rửa tiền với các chức năng hiện đại hóa công tác sàng lọc giao dịch, phát hiện, xử lý giao dịch đáng ngờ và công tác rà soát theo danh sách liên quan đến cấm vận, trừng phạt.
Theo luật sư Luân, do ngân hàng có vai trò là trung gian thanh toán và giao dịch giữa các đối tượng liên quan trong hoạt động cờ bạc trực tuyến. Vì vậy, hệ thống giao dịch của ngân hàng cần tăng cường kiểm tra, giám sát, cảnh báo phát hiện những giao dịch đáng ngờ. Khi phát hiện giao dịch đáng ngờ, ngân hàng cần phải báo cáo và áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật về phòng chống rửa tiền. Ngược lại, nếu không thực hiện hoạt động báo cáo, áp dụng các biện pháp ngăn chặn thì ngân hàng đã có dấu hiệu tiếp tay cho hoạt động rửa tiền, có khả năng còn phải chịu trách nhiệm hình sự do đồng phạm theo quy định Bộ luật hình sự.
Nghị định 116/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống rửa tiền: "Tổ chức tài chính phải áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng khi khách hàng thực hiện giao dịch không thường xuyên có giá trị lớn; khi nghi ngờ giao dịch hoặc các bên liên quan đến hoạt động rửa tiền".
>>Nhận diện những "chiêu thức" rửa tiền - Bài 3: “Tiền bẩn” ẩn dưới vỏ bọc tiền ảo
Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, luật sư Nguyễn Thành Luân cho hay: Muốn ngăn chuyển tiền, thanh toán từ nhà mạng cũng khó nhưng vẫn làm được. Khi thấy dòng tiền nghi ngờ bất hợp pháp, ngân hàng có thể phối hợp cung cấp thông tin cho lực lượng công an xác minh tính minh bạch của dòng tiền. Luật sư Luân cho rằng: Ngân hàng và nhà mạng phải phối hợp với cơ quan công an khi mà khách hàng chuyển tiền, nạp tiền liên tục với số lượng nhiều để làm rõ sự thật.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Trọng Hiệp – Giám đốc Công ty Luật HPVN cho rằng, với thủ đoạn tinh vi của tội phạm kinh tế, tham nhũng hiên nay, cơ quan chức năng đang ngày càng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong việc xác định nguồn tiền, tài sản của các đối tượng phạm tội được “rửa” để thu hồi. Điều đáng lo là hiện nay, các phương thức rửa tiền sẽ ngày càng trở nên kín kẽ, phức tạp hơn với sự xuất hiện của các loại tiền ảo, các hình thức game đánh bạc trực tuyến…, càng khiến cho hoạt động rửa tiền trở nên khó kiểm soát.
Với sự ra đời của Luật Phòng chống rửa tiền 2013, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 và các quy định về thuế, kiểm soát tài sản phục vụ công tác phòng chống rửa tiền, Việt Nam có khá đầy đủ khuôn khổ pháp lý để cơ quan chức năng đấu tranh phòng, chống tội phạm này.
“Tuy nhiên, trong thời gian tới, vẫn cần tiếp tục hoạt thiện các quy định trước bối cảnh nền kinh tế số, công nghệ số; Đề xuất tiếp tục tăng các chế tài xử phạt nhằm tạo sức răn đe…”, luật sư Hiệp nói.
Có thể bạn quan tâm
Nhận diện những "chiêu thức" rửa tiền - Bài 1: “Xóa dấu vết” qua bất động sản
04:00, 01/08/2022
Nhận diện những "chiêu thức" rửa tiền - Bài 2: Núp bóng công ty “ma”
04:05, 02/08/2022
Nhận diện những "chiêu thức" rửa tiền - Bài 3: “Tiền bẩn” ẩn dưới vỏ bọc tiền ảo
03:50, 03/08/2022