Khảo sát cho thấy, nhân viên ngân hàng phải làm hơn 100 tiếng mỗi tuần, những người mới thì bị ngó lơ tại các cuộc họp.
Mới đây, những khảo sát nội bộ về ngân hàng Goldman Sachs cho thấy điều kiện làm việc tại ngân hàng hàng đầu nước Mỹ rất khắc nghiệt. Theo đó, nhân viên phải làm hơn 100 tiếng mỗi tuần và những người mới thì bị ngó lơ tại các cuộc họp. Khảo sát gây sốc này đã buộc các lãnh đạo không chỉ của Goldman Sachs, còn của các ngân hàng lớn khác phải tiến hành những biện pháp nhằm giúp nhân viên cân bằng giữa cuộc sống và công việc.
Citigroup là một ông lớn “nhanh chân” trong việc thay đổi. Ngay sau khi khảo sát nội bộ về ngân hàng Goldman Sachs gây sốt, Jane Fraser - CEO Citigroup đã quyết định ngừng toàn bộ các cuộc họp nội bộ qua Zoom vào thứ Sáu.
Thời dịch, các nhân viên phải làm việc từ xa, đa phần là qua Zoom. Sau 1 năm làm việc qua Zoom, người ta phát hiện ra nhiều vấn đề về sức khỏe và tâm lý xuất hiện. Các cuộc họp online cũng xuất hiện bất chợt, thường xuyên và thời lượng họp cũng kéo dài hơn. Người ta gọi đây là “Hiệu ứng Zoom”.
Các nhân viên ngân hàng nói chung và Citigroup nói riêng cũng không phải ngoại lệ. Điều đó góp phần khiến cho nhân viên bị quá tải, mất cân bằng như trong bản báo cáo nói trên. Thành thử, việc cấm họp qua Zoom của Citigroup chính là động thái đầu tiên để giảm bớt hậu quả của “Hiệu ứng Zoom” này. Thay vào đó, nhân viên nếu cần thiết có thể trao đổi qua điện thoại để giảm thiểu căng thẳng từ những cuộc video, vốn thường kéo dài dằng dặc không hồi kết.
Fraser cho biết các cuộc trao đổi qua Zoom với khách hàng hoặc người quản lý vẫn có thể diễn ra vào thứ Sáu. Tuy nhiên, những cuộc họp khác sẽ được giản lược tối đa.
Ngoài ra, Fraser cũng quyết định tăng thêm một ngày nghỉ cho nhân viên với tên Citi Reset Day. Bà ấn định ngày 28/5 sẽ là Citi Reset Day và khuyến khích nhân viên chỉ sắp lịch các cuộc gọi vào những giờ làm việc cơ bản.
Fraser phát biểu: “Khi con người làm việc suốt ngày suốt đêm, bản thân họ không thể hồi phục thể lực và tâm trí hoàn toàn. Điều này không tốt cho nhân viên, cũng là không tốt cho Citigroup”.
Đồng thời, bà cũng đưa ra khung công việc tại Citigroup cho giai đoạn sau dịch, khi nhiều nhân viên trở lại văn phòng làm việc hơn. Fraser cho rằng nhiều người cùng làm việc trong môi trường văn phòng sẽ tốt hơn làm việc từ xa. Theo đó, một số (hiếm) nhân viên của Citigroup sẽ làm việc từ xa, số khác sẽ làm kiểu 2 chế độ: ít nhất 3 ngày ở văn phòng và nhiều nhất 2 ngày tại nhà.
Rất nhiều doanh nghiệp bố trí lao động theo kiểu 2 chế độ. Tuy nhiên, không nhiều ngân hàng làm như vậy. Citigroup chính là ngân hàng lớn đầu tiên áp dụng chế độ làm việc linh động này.
Đây là dấu ấn đáng chú ý đầu tiên Jane Fraser, vị tân CEO tập đoàn Citygroup mới nhậm chức tháng 2 vừa rồi, và trở thành lãnh đạo ngân hàng lớn phố Wall đầu tiên trong lịch sử. Chúng ta hãy chờ xem các ngân hàng lớn khác sẽ có giải pháp giảm tải gì cho nhân viên của mình, sau khi Citigroup của vị tân nữ CEO này đã “nổ” phát súng đầu tiên.
Có thể bạn quan tâm