Gần 3 năm “bất động” chỉ vì không được đóng tiền sử dụng đất, nhiều doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM lâm vào cảnh “đứng hình” vì thủ tục pháp lý mà không có hướng giải quyết.
Những năm gần đây có rất nhiều dự án tại TP.HCM bị ngưng trệ khiến nhà đầu tư hoang mang, doanh nghiệp lo lắng như “ngồi trên đống lửa”. Nhiều doanh nghiệp đầu tư hàng trăm tỉ đồng phát triển dự án, nhưng vì vấn đề thủ tục đã khiến không ít khu căn hộ phải “nằm im chờ thời”.
Một trong số những vấn đề tác động tới tình trạng này là việc doanh nghiệp không thể thực hiện việc đóng tiền sử dụng đất mặc dù đã nhiều lần “năn nỉ” chính quyền cho thực hiện nghĩa vụ này.
Theo báo cáo của Hiệp hội bất động sản Tp. Hồ Chí Minh (HoREA), hiện có hơn 60 dự án vướng mắc chưa được giải quyết. Trong đó, Công ty CP Đầu tư và Phát triển địa ốc Nam Sài Gòn (thành viên của Tập đoàn đầu tư LDG (LDG Group)) “dính” hai dự án gồm: Khu chung cư cao tầng đại lộ Võ Văn Kiệt (tên thương mại High Intela) và Khu chung cư cao tầng tại đường An Dương Vương (West Intela), quận 8.
Đại diện chủ đầu tư hai dự án này cho biết, đã ba năm trôi qua nhưng doanh nghiệp vẫn không thể đóng tiền sử dụng đất do đang chờ cơ quan chức năng thẩm định giá đất. Khoảng thời gian chờ đợi này đồng nghĩa với việc dự án không thể tiếp tục triển khai dù đã hoàn thành xong phần ngầm, kéo theo rất nhiều “hệ lụy” cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Minh Khang, Tổng Giám đốc LDG Group cho biết, cả hai dự án được chấp thuận đầu tư từ năm 2015, thẩm định thiết kế cơ sở từ tháng 3/2017, cấp phép xây dựng phần ngầm từ tháng 8/2018. Trên cở sở những pháp lý đó, chủ đầu tư đã tổ chức thi công phần ngầm và được thanh tra Sở Xây dựng kiểm tra hiện trạng công trình từ tháng 5/2019.
Theo quy định, sau khi hoàn thành phần ngầm, chủ đầu tư xin phép để xây dựng tiếp phần trên. Đồng thời, Sở Tài Nguyên – Môi trường (TN-MT) thực hiện các thủ tục để Hội đồng thẩm định giá đất thành phố đánh giá, tính giá trị tiền sử dụng đất để doanh nghiệp nộp vào ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, đã hơn ba năm nay, doanh nghiệp vẫn chưa được xác định giá trị tiền sử dụng đất để “được” nộp tiền.
Ông Khang khẳng định cả hai dự án của LDG Group đều không hề vướng đất công hay đất xen cài nào khác. Hai dự án này đều do công ty bỏ tiền ra mua “đất sạch”, thành lập dự án được phê duyệt và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo đúng quy định.
Ông Khang cũng cho biết: “Chúng tôi đã có hàng chục văn bản gửi UBND thành phố, Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) và một số cơ quan ban ngành để “cầu cứu”. Nhiều cuộc họp do Sở TN – MT chủ trì giữa các bên, có cả chủ đầu tư nhưng rồi vẫn không đi đến đâu.
Thậm chí Sở TN-MT, Sở Xây dựng còn yêu cầu chủ đầu tư phải làm rõ khi chuyển nhượng dự án thì chủ đầu tư có nợ thuế không, việc điều chỉnh tên chủ đầu tư trong quyết định chuyển mục đích sử dụng đất của dự án có vấn đề gì không, phải qua Sở KH-ĐT để xác nhận… những hồ sơ trên đều cung cấp hoàn chỉnh. Tuy nhiên, đến nay, doanh nghiệp vẫn chỉ biết chờ đợi”.
Mất uy tín và thiệt hại nặng nề
Việc không được chính quyền tháo gỡ những vướng mắc về mặt thủ tục đã khiến các doanh nghiệp bất động sản chịu nhiều thiệt hại về tài chính và uy tín kinh doanh. Khách hàng không thể chờ đợi được đã đâm đơn kiện các chủ đầu tư, cho rằng chủ đầu tư không uy tín, dự án có dấu hiệu không minh bạch cùng nhiều suy đoán khác.
Thậm chí, nhiều khách hàng không nắm thông tin đã công khai chỉ trích, khiếu nại doanh nghiệp trên mạng xã hội và thường xuyên kéo đến doanh nghiệp để đòi quyền lợi. Mặc dù đã được giải thích và trình bày rõ ràng, người mua nhà vẫn bức xúc. Doanh nghiệp cũng bị khách hàng đánh giá tín nhiệm thấp và thiệt hại về thương hiệu không nhỏ.
Ông Khang cũng cho hay LDG Group đã bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để mua đất của hai dự án này và hoàn toàn sử dụng vốn sẵn có, không vay ngân hàng. Trường hợp nếu doanh nghiệp vay ngân hàng thì có lẽ đã bị “siết” dự án vì không có nguồn thu.
Không chỉ vậy, nhiều thiệt hại và hệ lụy do việc chậm “được” đóng tiền sử dụng đất đã làm hao tốn chi phí của doanh nghiệp. Gần 100 tỷ đồng để xây dựng móng, hầm và mỗi tháng, doanh nghiệp này chi hơn 1 tỷ đồng để bảo trì phần ngầm này trong thời gian chờ được cấp phép và xây dựng tiếp phần nổi.
Ngoài ra, chi phí để duy trì các máy móc, thiết bị và nhân công quản lý tại công trường tốn hơn 500 triệu đồng mỗi tháng. Trong 3 năm qua dự án không hoạt động, doanh nghiệp mất hàng chục tỷ đồng chi phí và đối mặt với khả năng lỗ khi triển khai dự án.
“Chúng tôi đã gửi đơn thư đến các cơ quan hữu trách và thể hiện thiện chí để được thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước. Thậm chí, chúng tôi đã đề nghị được tạm ứng đóng trước tiền sử dụng đất, khi có thông báo chính thức sẽ đóng bổ sung nếu định giá đất cao hơn mức tạm ứng nhưng vẫn không nhận được phản hồi. Chúng tôi đang đối mặt với khả năng lỗ khi triển khai dự án này nếu tình trạng này tiếp diễn” ông Khang chia sẻ.
Mới đây, UBND Thành phố cũng vừa tổ chức buổi gặp gỡ đối thoại với đại diện các doanh nghiệp bất động sản để tìm phương án tháo gỡ các vướng mắc về mặt thủ tục pháp lý. UBND TP.HCM đã bàn hành quy trình 4 bước để cấp phép xây dựng một dự án nhà ở thương mại. Theo đó, một dự án từ chấp thuận chủ trương đầu tư tại Sở KH-ĐT đến cấp phép xây dựng tại Sở Xây dựng và đồng thời tính ra tiền sử dụng đất để doanh nghiệp đóng vào ngân sách, thời gian tối đã khoảng 215 ngày, tương đương 11 tháng.
Một bước quan trọng trong quy trình này là cho phép doanh nghiệp xây dựng song song với tính tiền sử dụng đất. Cụ thể, trong vòng 45 ngày, Sở TN-MT phải tính ra tiền sử dụng đất để doanh nghiệp nộp vào ngân sách.
Trong thời gian chờ đợi được tháo gỡ vướng mắc, các dự án này vẫn tiếp tục đối mặt với tình trạng án binh bất động và doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục bỏ chi phí để bảo trì và duy trì các hạng mục đã thực hiện, máy móc, nhân công. Đã đến lúc, thành phố cần lắng nghe tiếng nói doanh nghiệp và sớm có hướng giải quyết để doanh nghiệp có thể yên tâm triển khai đảm bảo quyền lợi của mọi bên.
Có thể bạn quan tâm