Nhìn lại sai phạm khiến cựu Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc vướng vòng lao lý

NGUYỄN GIANG 24/07/2024 03:10

Cựu Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc cùng 5 bị can khác bị bắt khi cơ quan chức năng mở rộng điều tra vụ khai thác đất hiếm trái phép tại tỉnh Yên Bái liên quan Công ty CP Tập đoàn Thái Dương…

Theo đó, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03 - Bộ Công an) mới quyết định khởi tố, bắt tạm giam đối với cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc cùng 5 bị can khác với cáo buộc Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Đây là diễn biến mới nhất khi Bộ Công an điều tra vụ án: vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên; vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; buôn lậu; tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có; vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Thái Dương và các đơn vị liên quan.

>>Đất hiếm, cần chính sách và nguồn lực để phát triển

Từ trái qua phải gồm các bị can: Nguyễn Linh Ngọc; Nguyễn Văn Thuấn; Hoàng Văn Khoa. Ảnh: Bộ Công an

Từ trái qua phải gồm các bị can: Nguyễn Linh Ngọc; Nguyễn Văn Thuấn; Hoàng Văn Khoa. Ảnh: Bộ Công an

Vụ án này được C03 chính thức khởi tố vào cuối tháng 10/2023, đến nay, đã có 21 bị can bị khởi tố để điều tra về các sai phạm liên quan đến việc khai thác, tiêu thụ quặng đất hiếm và quặng sắt trái phép.

Theo công bố của Bộ Công an, quá trình điều tra bước đầu xác định, Đoàn Văn Huấn, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc và Nguyễn Văn Chính, Phó Tổng giám đốc kiêm Kế toán trưởng Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Dương, đã chỉ đạo, tổ chức khai thác, tiêu thụ trái phép 11.233.102kg quặng đất hiếm có trị giá khoảng 440 tỷ đồng và 152.856.646kg quặng sắt có trị giá khoảng 192 tỷ đồng, hưởng lợi bất chính tổng số tiền khoảng 632 tỷ đồng. 

Ngoài ra, Huấn và Chính còn thỏa thuận với Công ty CP Đất hiếm Việt Nam và Công ty Hợp Thành Phát trong quá trình mua bán quặng đất hiếm và quặng sắt, xuất hóa đơn VAT giảm số lượng và đơn giá bán thực tế; giúp CTCP Tập đoàn Thái Dương để ngoài sổ sách kế toán trên 28 tỷ đồng thu được từ việc bán quặng, gây thiệt hại (tạm tính) cho Nhà nước trên 7,5 tỷ đồng.

IHIHHII

Khu vực mỏ đất hiếm tại Yên Bái của Công ty CP Tập đoàn Thái Dương nhìn từ trên cao

Được biết, Công ty CP Tập đoàn Thái Dương có địa chỉ tại số 33 phố Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP. Hà Nội. Doanh nghiệp này chính thức hoạt động từ ngày 3/9/2002, ngành nghề theo đăng ký kinh doanh chính là khai thác khoáng sản và quặng đất hiếm. Từ vốn điều lệ 200 tỷ đồng, đến năm 2021, công ty đã tăng lên 350 tỷ đồng.

Công ty này được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép thăm dò đất hiếm tại mỏ Yên Phú, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái từ tháng 6/2013, với diện tích 6,24ha. Thời gian khai thác 8 năm 1 tháng kể từ ngày ký giấy phép. Mỏ đất hiếm này nằm cách TP Yên Bái gần 60km, cách trung tâm huyện Văn Yên gần 20km, trữ lượng khai thác gần 1,9 triệu tấn đất quặng (tương ứng hơn 23.500 tấn tổng oxit đất hiếm TR2O3, gần 260.000 tấn tinh quặng sắt 60% Fe).

>>Vì sao Việt Nam chưa khai thác hiệu quả được mỏ đất hiếm nào?

Trước đó, liên quan đến vụ án này, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng có văn bản đề nghị 5 tỉnh gồm Yên Bái, Lai Châu, Phú Thọ, Thanh Hóa, Lào Cai điều tra, xác minh tình trạng khai thác, mua bán trái phép đất hiếm với số lượng lớn từ những thông tin phản ánh của các cơ quan báo chí.

Theo nhân định của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đây là hoạt động có tính chất phức tạp, giá trị khối lượng khoáng sản lớn. Vì vậy, Bộ này đề nghị các tỉnh khẩn trương chỉ đạo lực lượng chức năng điều tra, xác minh thông tin, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Đất hiếm là nguyên liệu quan trọng trong nhiều lĩnh vực công nghệ cao như điện tử, quang điện, laser, vật liệu siêu dẫn, chất phát quang, xúc tác, nam châm, chế tạo vũ khí, thiết bị y tế… do vậy đây được xem là một nguồn tài nguyên rất quý giá.

Trữ lượng đất hiếm của thế giới là khoảng 120 triệu tấn. 5 quốc gia có trữ lượng đất hiếm lớn nhất thế giới là Trung Quốc 44 triệu tấn (chiếm 37,9% trữ lượng toàn cầu); Việt Nam 22 triệu tấn (chiếm 18,9%);  Brazil 21 triệu tấn (chiếm 18,1%); Nga 12 triệu tấn (chiếm 10,3%); Ấn Độ 6,9 triệu tấn (chiếm 5,9%).

Đất hiếm ở Việt Nam chủ yếu tập trung ở các vùng núi phía Bắc, ở các tỉnh như Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái và phân bố trải dài tại các tỉnh ven biển Bắc Trung bộ và Trung bộ như Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Bình Thuận…

Các mỏ đất hiếm có trữ lượng lớn tại Việt Nam bao gồm: Mỏ đất hiếm Nậm Xê ở xã Nậm Xê, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, diện tích 125,98km2, trữ lượng ước tính khoảng 10 triệu tấn; mỏ đất hiếm Đông Pao ở xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, diện tích 53,99km2, trữ lượng ước tính từ 8 đến 10 triệu tấn; mỏ đất hiếm Mường Hum ở xã Mường Hum, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, diện tích 26,84 km2, chưa rõ trữ lượng chính xác, nhưng được đánh giá có trữ lượng lớn; mỏ đất hiếm Yên Phú ở xã Yên Phú, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, trữ lượng ước tính 20.000 tấn.

Có thể bạn quan tâm

  • Đất hiếm, cần chính sách và nguồn lực để phát triển

    Đất hiếm, cần chính sách và nguồn lực để phát triển

    15:00, 21/10/2023

  • Vì sao nhiều

    Vì sao nhiều "ông lớn" đất hiếm Trung Quốc sụt giảm lợi nhuận?

    03:00, 30/04/2024

  • Vị thế thống trị đất hiếm của Trung Quốc có nguy cơ bị lung lay

    Vị thế thống trị đất hiếm của Trung Quốc có nguy cơ bị lung lay

    03:30, 24/04/2024

  • Khơi thông nguồn lực đất hiếm ở Việt Nam

    Khơi thông nguồn lực đất hiếm ở Việt Nam

    03:00, 16/03/2024

  • Từ đất hiếm đến con chip Việt Nam

    Từ đất hiếm đến con chip Việt Nam

    04:20, 03/03/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nhìn lại sai phạm khiến cựu Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc vướng vòng lao lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO