Lạm phát tại Argentina lên tới 66,1%; Hội nghị Tài chính G20 không đưa ra thông cáo chung; IMF cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu... là những tin đáng chú ý.
>> Nhịp sống thế giới từ ngày 3-9/10
1. Lạm phát tại Argentina lên tới 66,1%
Viện Thống kê và Điều tra Quốc gia Argentina (INDEC) ngày 14/10 cho biết tỷ lệ lạm phát tại nước này trong 9 tháng đầu năm nay đã tăng lên tới 66,1%. Mặc dù trong tháng 9 vừa qua, lạm phát tại Argentina đã giảm nhẹ so với tháng trước đó nhưng vẫn ở mức cao.
2. Lạm phát tại Đức cao kỷ lục
Lạm phát tại Đức đã lên mức 10% trong tháng 9, mức cao nhất từ năm 1990 đến nay, chủ yếu do giá năng lượng tăng mạnh. Theo Văn phòng Thống kê liên bang Đức (Destatis), lạm phát tại nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu (EU) đã duy trì ở mức trên 7% trong 7 tháng liên tiếp.
3. Chỉ số giá nhập khẩu ở Hàn Quốc tăng cao
Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) công bố số liệu thống kê cho thấy chỉ số giá xuất nhập khẩu của nước này trong tháng 9 tăng 3,3% so với tháng 8, đạt 154,38 điểm. So với tháng 9/2021, chỉ số giá nhập khẩu của Hàn Quốc đã tăng tới 24,1%. Trước đó, giá nhập khẩu đã giảm hai tháng liên tiếp trong tháng 7 và tháng 8, song đã bất ngờ tăng trở lại vào tháng 9 vừa qua do đồng USD tăng giá.
4. Hội nghị Tài chính G20 không đưa ra thông cáo chung
Hội nghị các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương nhóm G20 đã bế mạc mà không đưa ra thông cáo chung do quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Saudi Arabia. Tuy nhiên, tất cả các nước thành viên nhấn mạnh rằng điều quan trọng là phải tiếp tục duy trì G20 như một diễn đàn kinh tế hợp tác hàng đầu.
>>Nhịp sống thế giới từ ngày 26/9-2/10
5. Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo tầm ngắn
Theo hãng tin Yonhap của Hàn Quốc, Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM) về phía vùng biển phía Đông nước này. Trước đó, ngày 13/10, JCS thông báo một nhóm khoảng 10 máy bay quân sự của Triều Tiên đã bay về phía Nam Đường giới hạn hoạt động do thám do Hàn Quốc thiết lập.
6. EU đạt thỏa thuận về mua chung khí đốt
Các Bộ trưởng Năng lượng EU đã đạt được thoản thuận về việc mua chung khí đốt trước mùa Hè 2023, tăng cường đoàn kết và tiết kiệm năng lượng, đồng thời nhất trí với kiến nghị cần phải ngăn chặn tác động của giá khí đốt lên giá điện. Việc mua khí đốt chung là cần thiết để các nước thành viên EU không cạnh tranh lẫn nhau.
7. IMF cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu
Theo báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới mới nhất, IMF cho rằng triển vọng tăng trưởng kinh tế cho năm 2022 vẫn không thay đổi so với dự báo tháng 7/2022 ở mức 3,2%, song đã hạ dự báo tăng trưởng trong năm 2023 xuống còn 2,7%. IMF đánh giá tình trạng suy giảm kinh tế có thể sẽ diễn ra trên diện rộng, trong đó các quốc gia chiếm khoảng 1/3 kinh tế toàn cầu dường như sẽ đối mặt với tăng trưởng âm trong năm nay hoặc năm tới.
8. Thương mại UAE- Ấn Độ sẽ vượt 100 tỷ USD
UAE kỳ vọng thương mại với Ấn Độ vượt mốc 100 tỷ USD trong vòng 2-3 năm tới, được thúc đẩy bởi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (CEPA). Hiện nay, thương mại Ấn Độ-UAE đạt 73 tỷ USD trong năm tài chính 2022, đạt mức tăng trưởng lớn kể từ khi hai quốc gia ký kết CEPA vào ngày 1/5/2022.
9. Sắp xây tuyến cáp điện dưới biển kết nối Ai Cập và Hy Lạp
Hy Lạp đang chuẩn bị triển khai một trong những dự án năng lượng tham vọng nhất của châu Âu bằng cách thiết lập mạng lưới điện kết nối với Ai Cập. Theo kế hoạch, một tuyến cáp điện dưới biển, có tổng chiều dài 1.373 km kết nối giữa miền Bắc Ai Cập và khu vực Attica ở Hy Lạp, sẽ được xây dựng để truyền tải 3.000 MW điện từ Ai Cập tới Hy Lạp. Lượng điện này đủ đáp ứng nhu cầu của 450.000 hộ gia đình.
10. Burkina Faso có Tổng thống lâm thời
Đại úy Ibrahim Traore, thủ lĩnh cuộc đảo chính gần đây nhất tại Burkina Faso, đã được bổ nhiệm vào cương vị Tổng thống lâm thời của quốc gia Tây Phi này cho đến khi diễn ra cuộc bầu cử dự kiến vào tháng 7/2024.
Có thể bạn quan tâm