EU thúc đẩy gói trừng phạt mới với Nga; Tổng thống Nga ban bố lệnh động viên một phần; Ấn Độ khởi động đàm phán tái cơ cấu nợ với Sri Lanka... là những tin đáng chú ý trong tuần này.
Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã tăng lãi suất thêm 0,5 điểm % lên 2,25%, với quan điểm cần phải thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ hơn nữa để kiểm soát lạm phát. Với quyết định này, lãi suất chuẩn của BoE lên mức cao nhất kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Tuy nhiên, mức tăng lãi suất của BoE được đánh giá vẫn "nhẹ tay" hơn so với động thái mới đây của ngân hàng trung ương một số nước châu Âu và Mỹ.
Bảng xếp hạng Chỉ số trung tâm tài chính toàn cầu (GFCI) công bố ngày 22/9 cho thấy, New York vẫn giữ vị trí số 1 từ năm 2018. Ngôi vị thứ 2 của London trong danh sách này vẫn được duy trì. Trong khi đó, Singapore đã vươn lên vị trí thứ 3, thay thế Hong Kong (Trung Quốc), còn Paris (Pháp) trở lại vị trí thứ 10, thay thế Tokyo.
Tổng thống Vladimir Putin đã ký sắc lệnh động viên một phần, đồng thời lưu ý rằng lệnh động viên này chỉ áp dụng với những quân nhân dự bị. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết dựa theo lệnh động viên của ông Putin, sẽ có thêm 300.000 quân nhân dự bị được triệu tập để phục vụ cho chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.
Nằm ở độ sâu 40m dưới đáy biển Baltic, đường hầm Fehmarnbelt nối Đan Mạch với Đức sẽ giảm thời gian đi lại giữa 2 nước sau khi được đưa vào hoạt động vào năm 2029. Đường hầm Fehmarnbelt dài 18km này sẽ là một trong những dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất châu Âu, với chi phí xây dựng hơn 7 tỉ euro (7,1 tỉ USD).
>>Nhịp sống thế giới từ ngày 5-11/9
Nhóm họp bên lề khóa họp lần thứ 77 Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York (Mỹ), các Ngoại trưởng EU đã nhất trí chuẩn bị gói trừng phạt thứ 8 nhằm vào các lĩnh vực liên quan của kinh tế Nga, cũng như những cá nhân liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt tại miền Đông Ukraine. Bên cạnh đó, các Ngoại trưởng EU cũng nhất trí đẩy nhanh việc cung cấp vũ khí tới Ukraine.
Nhóm chuyên gia chính phủ vừa điều chỉnh giảm đáng kể dự báo tăng trưởng kinh tế Thụy Sỹ trong năm 2022 và 2023 trong bối cảnh không chắc chắn về nguồn cung năng lượng và lạm phát gia tăng. Dự báo tăng trưởng GDP của Thụy Sỹ năm 2022 được điều chỉnh giảm xuống 2% so với dự đoán 2,6% được đưa ra hồi tháng Sáu. Đối với GDP của Thụy Sỹ năm 2023, dự báo của giới chuyên gia cũng đã được điều chỉnh giảm từ 1,9% xuống 1,1%.
Liên minh châu Âu (EU) hy vọng sẽ đạt được một thỏa thuận thương mại tự do (FTA) với Indonesia trong vòng hai năm tới. Trước đó, hai bên đã khởi động đàm phán về một FTA vào năm 2016, song tiến độ đã bị đình trệ do các hạn chế của EU đối với việc sử dụng nhiên liệu sinh học làm từ dầu cọ và lệnh cấm xuất khẩu nickel của Indonesia.
Theo báo cáo của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, GDP của Trung Quốc tăng trưởng trung bình hàng năm 6,6% trong giai đoạn 2013-2021, cao hơn mức tăng trưởng 2,6% của kinh tế toàn cầu và 3,7% của các nền kinh tế đang phát triển. Riêng trong năm 2021, quốc gia này đóng góp 18,5% trong tổng GDP của toàn cầu.
Trong một báo cáo được đưa ra ngày 19/9, Ngân hàng Thế giới (WB) đã hối thúc các nước Sahel (bao gồm Mali, Niger, Burkina Faso, Chad và Mauritania) đẩy nhanh đa dạng hóa nền kinh tế, nhằm hạn chế tác động của biến đổi khí hậu. Báo cáo chỉ ra rằng nhu cầu tài chính của 5 quốc gia Sahel để triển khai các hành động nhằm giảm thiểu những thiệt hại do khí hậu gây ra có thể lên tới hơn 30 tỷ USD.
Ấn Độ thông báo đã bắt đầu đàm phán với Sri Lanka về tái cơ cấu nợ và cam kết sẽ hỗ trợ quốc gia láng giềng đang gặp khủng hoảng chủ yếu thông qua các khoản đầu tư dài hạn sau khoản viện trợ tài chính gần 4 tỷ USD.
Có thể bạn quan tâm