Quảng Ninh: Những chiếc xe bị bào mòn bởi COVID

LÊ CƯỜNG 06/10/2021 16:00

Dạo một vòng quanh các bãi đỗ xe trên địa bàn Quảng Ninh, PV DĐDN chứng kiến hàng loạt xe vận tải hành khách đang bị bao quanh bởi cỏ dại, xuống cấp và hư hỏng bởi thời gian, mưa nắng.

p/Cỏ dại bủa vây hàng trăm chiếc xe vận tải hành khách của công ty Phúc Xuyên. Ảnh Lê Cường

Cỏ dại bủa vây hàng trăm chiếc xe vận tải hành khách của công ty Phúc Xuyên. Ảnh Lê Cường

Quảng Ninh có hơn 4.000 phương tiện với 165 đơn vị kinh doanh vận tải khách đường bộ tại các loại hình xe khách, xe buýt, xe hợp đồng và taxi. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát khiến vận tải “đóng băng”. Hầu hết doanh nghiệp trong lĩnh vực này rơi vào cảnh nợ đọng ngân hàng, gánh nặng trả lương nhân viên và nguy cơ phá sản.

Doanh thu “0 đồng”

Chia sẻ với DĐDN, Chủ tịch hiệp hội vận tải Quảng Ninh, ông Trần Văn Thuyết cho biết: “Dịch bệnh phức tạp, người dân hạn chế đi lại, các nhà xe cũng phải thực hiện quy định chở không quá 50% số ghế. Nhưng ngay cả 50% cũng là một điều xa xỉ, bởi có khách nào dám đi lại đâu. Ngoài ra, nếu hoạt động thì các nhà xe cũng cần phải trang bị phòng dịch trên xe, rồi thực hiện xét nghiệm khi qua lại các địa phương. Chi phí cho việc này trong bối cảnh dịch bệnh là quá sức với các doanh nghiệp. Hàng trăm chiếc xe tiền tỷ đành nằm bãi vậy”.

Ông Đoàn Thế Xuyên, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Phúc Xuyên chia sẻ: “Hiện đơn vị đã phải cắt bỏ hợp đồng với 1/3 số lượng lái, phụ xe (khoảng 150 người) do không còn khả năng chi trả. Đáng nói, Công ty vừa mới vay thêm ngân hàng đầu tư một dàn xe 29 chỗ thì đợt dịch COVID-19 thứ 4 ập đến, 29 chiếc xe mới này cùng với hơn 200 đầu phương tiện khác buộc phải tập kết về bãi. Do lâu ngày không hoạt động, hiện các phương tiện này đang có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng”.

Ông Xuyên cho biết thêm: “Hiện doanh nghiệp chỉ còn duy trì 50% hoạt động xe buýt nội tỉnh với khoảng 50 đầu xe, các xe liên tỉnh, nguồn thu chính của đơn vị thì đã dừng hoạt động nhiều tháng, doanh nghiệp đang rơi vào tình trạng rất khó khăn”.

“Bởi, dù dừng hoạt động, phương tiện hư hỏng, xuống cấp, song các chi phí phương tiện như đăng kiểm, bảo hiểm vẫn phải duy trì vì thế chấp ngân hàng. Bên cạnh đó, để giữ chân lái xe, một tháng vẫn phải chi gần 2 tỷ đồng để đóng bảo hiểm xã hội và trả lương. Điều này dẫn đến, không có nguồn thu, lãi ngân hàng cộng dồn, nguy cơ rơi vào nhóm nợ xấu. Mà đã nợ xấu đối với doanh nghiệp, sẽ rất bất lợi cho sau này”, ông Xuyên than thở.

Các hàng Taxi cũng thê thảm không kém, anh Nguyễn Văn Tuấn lái xe Taxi tại Hạ Long, Quảng Ninh chia sẻ, kể từ khi du lịch dừng đón khách, cánh taxi chúng tôi gần như dừng theo. Khách địa phương cũng không có vì nhiều người e ngại đi taxi sợ dịch bệnh. “Nếu như doanh thu thời điểm này hàng năm có thể đạt 30 đến 40 triệu một xe thì năm nay gần như là “0 đồng”, anh Tuấn buồn rầu nói.

Các ngành chức năng cần linh hoạt hơn trong việc giải ngân các gói hỗ trợ, nếu cứ tiếp tục rườm rà các thủ tục như vậy thì e rằng các doanh nghiệp vận tải hành khách chưa kịp nhận đồng hỗ trợ nào thì đã phá sản

Chủ trương “xa vời” thực tiễn

Được biết, Chính phủ đã có nhiều gói hỗ trợ được triển khai. Tuy nhiên, ghi nhận từ các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách đường bộ, chưa có đơn vị nào được nhận gói hỗ trợ này. Lý do là bởi, các điều kiện đưa ra khá ngặt nghèo, các doanh nghiệp không thực hiện được.

Theo ông Trần Văn Thuyết, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Quảng Ninh: “Để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, các chính sách hỗ trợ của nhà nước cần nghiên cứu quy định cụ thể cho những lĩnh vực chịu tác động nặng nề, mức hỗ trợ cần cao hơn, các điều kiện cũng cần đơn giản hơn. Thời gian qua, một số chính sách đã được ban hành, đặc biết là các gói cứu trợ nghìn tỷ nhưng các doanh nghiệp rất khó tiếp cận do thủ tục còn rườm rà, phức tạp”.

“Cụ thể như gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng, theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, thì cần xác nhận thuế doanh nghiệp, thực hiện đầy đủ các chính sách thuế nhà nước. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp hiện nay đang thực hiện chính sách tự khai, tự tính, tự nộp thuế trên nguyên tắc tự giác, tự xác định nghĩa vụ thuế… Vì thế, để xác định nghĩa vụ thuế, cần phải thanh tra, kiểm tra từ ngành thuế, điều này rất phức tạp và mất nhiều thời gian”, ông Thuyết nói.

Với gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng lần 1 thực hiện trước đó, ông Thuyết cho biết, doanh nghiệp cũng không thể tiếp cận bởi điều kiện của gói này là chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp bị dừng hoạt động từ 30 ngày trở lên. Trong khi đó, thời gian tạm dừng hoạt động của các đơn vị vận tải ở Quảng Ninh cũng như một số tỉnh thành khác thời điểm trước đó dài nhất cũng không đến một tháng.

“Điều đáng nói là, nếu tính đúng số ngày không hoạt động thì cũng đến hàng trăm ngày, tuy nhiên có thời điểm dừng mười mấy ngày rồi lại cho hoạt động, sau đó nếu có ca F0 thì lại dừng hoạt động. Nếu cứ cứng nhắc quy định số ngày thì rất bất cập và thiệt hại cho doanh nghiệp”, ông Thuyết chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm

  • Vận tải hành khách đường bộ khó khôi phục hoạt động kinh doanh

    Vận tải hành khách đường bộ khó khôi phục hoạt động kinh doanh

    04:30, 05/10/2021

  • Khôi phục hoạt động vận tải phù hợp từng cấp độ chống dịch

    Khôi phục hoạt động vận tải phù hợp từng cấp độ chống dịch

    02:06, 03/10/2021

  • Khôi phục hoạt động vận tải phù hợp từng cấp độ chống dịch

    Khôi phục hoạt động vận tải phù hợp từng cấp độ chống dịch

    19:35, 02/10/2021

  • Hiệp hội Vận tải ô tô kiến nghị chính sách lãi suất ưu đãi

    Hiệp hội Vận tải ô tô kiến nghị chính sách lãi suất ưu đãi

    11:00, 28/09/2021

  • Phải coi vận tải là tuyến đầu phục hồi kinh tế

    Phải coi vận tải là tuyến đầu phục hồi kinh tế

    20:53, 27/09/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Quảng Ninh: Những chiếc xe bị bào mòn bởi COVID
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO