Mặc dù phải hứng chịu nhiều tác động tiêu cực do dịch bệnh COVID-19 và đã có hướng dẫn tổ chức vận hành sau nới lỏng giãn cách xã hội, vận tải hành khách đường bộ vẫn khó khôi phục hoạt động...
Theo thống kê, qua 4 đợt dịch, các doanh nghiệp vận tải hành khách đường bộ gần như kiệt quệ, khi sản lượng và doanh thu sụt giảm từ 70 - 80% so với trước khi diễn ra đại dịch COVID-19. Trong khi, các khoản chi phí về: hao mòn, nhân sự, tiền lãi ngân hàng,… vẫn là những khoản chi thường xuyên, khiến nhiều doanh nghiệp đã khó lại càng khó thêm.
Đáng nói, mới đây, dù Bộ Giao thông vận tải đã có bản hướng dẫn tổ chức vận tải đường bộ sau nới lỏng giãn cách xã hội nhưng việc nối lại hoạt động chở khách bằng xe ô tô vẫn chưa thể khôi phục do nhiều vướng mắc, đặc biệt là ý kiến, quyết định từ các địa phương.
Một số doanh nghiệp vận tải cho biết, dịch bệnh COVID-19 bùng phát, khiến hoạt động kinh doanh gặp nhiều gián đoạn, vì vậy, chỉ chưa đầy 2 năm trước những tác động tiêu cực, hầu hết các doanh nghiệp, nhà xe đều đứng trên bờ vực phá sản khi không chỉ sụt giảm về doanh thu mà còn đánh mất các mối khách “ruột”.
Thông tin với báo chí, Giám đốc Công ty TNHH MTV Ninh Quỳnh (Công ty Ninh Quỳnh) - Nguyễn Duy Ninh chia sẻ, với đội xe hùng hậu, khi dịch COVID-19 chưa xuất hiện, nhà xe Ninh Quỳnh là một trong những thương hiệu có tiếng ở miền Bắc. Tuy nhiên, chỉ sau chưa đầy 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, doanh nghiệp đã rơi vào tình trạng khó khăn cùng cực.
“Khó thì là khó chung của tất cả doanh nghiệp vận tải hành khách chứ chẳng riêng gì chúng tôi. Không nói chắc mọi người cũng thừa hiểu, doanh nghiệp vận tải hành khách đường bộ trong thời buổi dịch bệnh hoành hành khổ cực như thế nào, giờ mong muốn duy nhất của chúng tôi là sớm được chạy lại xe. Có chạy lại mới mong có cơ hội sống sót”, ông Nguyễn Duy Ninh trải lòng.
Thực tế, không chỉ riêng Công ty Ninh Quỳnh, nhiều doanh nghiệp, nhà xe đều mong muốn sớm chuyển trạng thái bình thường mới để có thể đưa phương tiện đang “đắp chiếu” trở lại vận hành.
Mới đây, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành kế hoạch khôi phục hoạt động vận tải hành khách trong 5 lĩnh vực sau khi các địa phương nới lỏng giãn cách xã hội, trong đó, có vận tải hành khách đường bộ. Tuy nhiên, việc khôi phục hoạt động của các nhà xe, doanh nghiệp vẫn phải “chờ”, bởi kế hoạch của Bộ mới chỉ dừng lại ở việc xin ý kiến, quyết định từ các địa phương.
Chưa kể, theo hướng dẫn tạm thời của Bộ Giao thông vận tải, từ ngày 01/10, trong vận tải hành khách đường bộ, để đảm bảo an toàn phòng dịch, Sở Giao thông vận tải hai đầu tuyến tham mưu UBND cấp tỉnh, thành phố cho phép hoạt động lại tuyến cố định liên tỉnh. Trong quá hoạt động, căn cứ vào tình hình dịch tại địa phương, Sở Giao thông vận tải địa phương hai đầu tuyến thống nhất áp dụng thực hiện tần suất khai thác đảm bảo theo nguyên tắc đánh giá nguy cơ và cấp độ dịch.
Tại địa phương/vùng có nguy cơ rất cao, lái xe taxi, xe công nghệ dưới 9 chỗ (xe hợp đồng, xe du lịch sử dụng hợp đồng điện tử) phải được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng và có kết quả xét nghiệm âm tính COVID-19 trong vòng 72 giờ (kể từ khi nhận kết quả) bằng PCR hoặc test kháng nguyên nhanh.
Và tại địa phương/vùng có nguy cơ trung bình và nguy cơ cao: lái xe/ nhân viên phục vụ trên xe phải xét nghiệm COVID-19 hàng tuần (7 ngày/lần) theo phương pháp test nhanh hoặc PCR; tuân thủ “nguyên tắc 5K”; khai báo y tế theo quy định.
Vì vậy, doanh nghiệp vận tải hành khách đường bộ đang không chỉ phải chờ ý kiến, quyết định từ các địa phương thông qua kế hoạch của Bộ Giao thông vận tải mà còn phải chờ nếu chạy lại thì phải tuân thủ theo những quy định gì.
Thông tin với báo chí, TS. Nguyễn Xuân Thủy – chuyên gia giao thông đánh giá, những quy định về đảm bảo yêu cầu phòng dịch tại địa phương/vùng có nguy cơ rất cao như phải tiêm đủ liều vắc xin ngừa COVID-19 hay có kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính trong vòng 72 giờ có thể là những rào cản gây khó cho doanh nghiệp vận tải hành khách đường bộ.
“Chưa biết việc cho phép hoạt động vận tải hành khách đường bộ tại những vùng có nguy cơ cao và rất cao sẽ được các địa phương thực hiện như thế nào, nhưng chỉ cần yêu cầu về tiêm đủ mũi vắc xin COVID-19 mà Bộ Giao thông vận tải đưa ra cũng rất khó để các doanh nghiệp có thể đáp ứng”, TS. Nguyễn Xuân Thủy nhận định.
Cũng theo TS. Nguyễn Xuân Thủy, để nối lại hoạt động vận tải khách đường bộ cần có một kế hoạch thống nhất, thực hiện cho tất cả tỉnh, thành phố trên cả nước. Muốn làm được điều này, Bộ Giao thông vận tải nên bàn bạc với từng địa phương để đưa ra phương án thống nhất chứ không nên để cho họ tự thống nhất với nhau.
“Bản thân các địa phương cũng đều muốn khôi phục lại hoạt động kinh doanh sản xuất sớm nhất có thể, trong đó có hoạt động vận tải hành khách đường bộ. Chỉ có điều, do dịch bệnh còn phức tạp ở nhiều nơi, nên nhiều địa phương vẫn còn băn khoăn, lo ngại về việc dịch bệnh sẽ xâm nhập vào địa bàn nếu nối lại các hoạt động vận tải khách”, TS. Nguyễn Xuân Thủy chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Phục hồi kinh tế - Cần mở rộng các gói hỗ trợ
04:30, 04/10/2021
Phục hồi kinh tế - Doanh nghiệp chờ gì từ các gói hỗ trợ?
04:10, 03/10/2021
Phục hồi kinh tế - Cần một chương trình tổng thể với quy mô đủ lớn
04:20, 02/10/2021
Phục hồi kinh tế - "Sử dụng nguồn lực phải đúng mục đích, hiệu quả"
04:10, 02/10/2021
Đề xuất 3 giai đoạn phục hồi kinh tế Việt Nam
14:00, 28/09/2021