Ba tháng cuối năm, TTCK khó có thể kỳ vọng vào đà giảm lãi suất mà phải dựa vào các yếu tố cơ bản như sự phục hồi của kinh tế vĩ mô, hoặc hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết khởi sắc.
>>Những ngành có tín hiệu hồi phục trên thị trường chứng khoán
Nhìn lại diễn biến thị trường chứng khoán (TTCK) trong tháng 9, áp lực tỷ giá chính là rủi ro cũng như yếu tố tiêu cực tác động lớn nhất đến diễn biến thị trường. Nguyên nhân xuất phát từ các yếu tố ngoại biên, cụ thể là chính sách tiền tệ có phần “diều hâu” của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Rủi ro này sẽ còn tiếp tục tác động tiêu cực đến thị trường trong quý 4 này bởi hai yếu tố đó là: Lạm phát đang giảm tốc nhưng chậm hơn so với kỳ vọng của đa số các nhà dự báo; và Chính sách khá “diều hâu” của Fed đưa ra. Mặc dù Fed tạm thời cho rằng chưa cần thiết phải có thêm đợt tăng lãi suất mới, nhưng cũng đưa ra luận điểm nhiều khả năng mặt bằng lãi suất cao sẽ còn duy trì trong thời gian dài hơn.
Để nhận định diễn biến thị trường trong quý tới này, chúng ta có thể quan sát một cách trực diện, là sau nhịp tăng kéo dài hồi phục tích cực từ cuối năm 2022 đến khoảng đầu tháng 9/2023, điểm đáng chú ý nhất và cũng tương đối trùng khớp với nhận định của chúng tôi trước đó là VN-Index đã tiệm cận lên vùng kháng cự xung quanh mốc 1.225 điểm cộng trừ 20 điểm.
Vùng điểm chính thức cho phản ứng là xung quanh mốc 1.250 điểm, cận trên của vùng kháng cự. Tính từ đó đến nay, VN-Index đã trải qua một sự sụt giảm rất mạnh trong tháng 9, có hai điểm mà nhà đầu tư cần phải lưu ý gồm: Thứ nhất, trong đợt sụt giảm của tháng 9, VN-Index đã phá vỡ vùng đáy ngắn hạn trong tháng 8. Đây được xem là một tín hiệu tương đối đáng chú ý về mặt kỹ thuật, vì nó hàm ý rằng VN-Index đã đánh mất xu hướng tăng ngắn hạn.
Chúng ta cần thận trọng các vùng có nguy cơ đảo chiều, sau khi tạo đáy ngắn hạn và hồi phục trong một vài phiên trở lại đây thì VN-Index đang quay lên và dần tiếp cận lại các vùng cản. Hai vùng cản mà nhà đầu tư phải thận trọng với khả năng đảo chiều giảm điểm trở lại xoay quanh mốc 1.160 điểm cộng trừ 10 điểm và mốc 1.220 điểm. Đây là những vùng cản mà chúng tôi lưu ý về mặt kỹ thuật chứ không chắc chắn VN-Index có thể trở lại những vùng này.
Thứ hai, với xu hướng trung hạn, nhìn vào bức tranh tổng thể sau nhịp giảm mạnh năm 2022, TTCK đã quay trở lại xu hướng hồi phục cho đến tháng 9/2023 và giai đoạn này VN-Index hoàn toàn có thể quay xuống và kiểm chứng lại các vùng hỗ trợ thấp hơn. Nhìn bức tranh tổng thể sẽ thấy xu hướng trung hạn hiện chưa thực sự rõ ràng và tạm thời được đánh giá ở vùng đi ngang.
Trong xu hướng trung hạn đi ngang, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng thị trường sẽ lấy lại được cân bằng và có cơ hội hồi phục trở lại tại các vùng đỡ. Có hai điểm đỡ mà nhà đầu tư có thể chú ý, điểm đỡ thứ nhất là xung quanh mốc 1.055 điểm và thứ hai là điểm đỡ sâu hơn xung quanh mốc 990 điểm, cộng trừ 20 điểm.
Điểm đỡ này mang tính quyết định đến khả năng VN-Index có bảo toàn được vùng đáy trung dài hạn ở mức 870 điểm hay không. Vì vậy, điểm đỡ thứ hai này rất mạnh nhưng cũng như vùng cản thứ hai, chúng ta không hàm ý chắc chắn rằng VN- Index sẽ về điểm đỡ này.
Nhà đầu tư có thể theo dõi các vùng này để có hành xử khi VN-Index về thì chúng ta có những hoạt động giải ngân trở lại, đồng thời kỳ vọng thị trường sẽ lấy lại những nhịp tăng.
>>Nâng hạng thị trường chứng khoán và những điểm cần lưu ý
Nền tảng vĩ mô chưa ủng hộ
Nhìn lại cả 9 tháng đầu năm, yếu tố hỗ trợ chính cho đà hồi phục của TTCK đến từ diễn biến giảm của mặt bằng lãi suất, xuất phát từ các điều kiện khách quan như lạm phát, tỷ giá ở mức thấp và chính sách điều hành hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Tuy nhiên trong bối cảnh đó, tăng trưởng GDP chỉ ở mức 4,2% trong 9 tháng và lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết sụt giảm tương đối mạnh ở hai quý đầu năm. Có thể nói, yếu tố nền tảng cơ bản của vĩ mô chưa thực sự ủng hộ thị trường và diễn biến tăng chủ yếu đến từ diễn biến giảm của mặt bằng lãi suất.
Vấn đề đáng chú ý là xu hướng giảm của mặt bằng lãi suất dường như đang gặp thử thách. Hai nguyên nhân chính dẫn đến điều này là: Một, chúng ta đã có mức lạm phát tương đối thấp trong khoảng nửa đầu năm, nhưng từ tháng 7, tháng 8, tháng 9 thì lạm phát chung theo tháng tương đối cao, lần lượt có mức tăng 0,7%; 0,9% và 1,08%.
Còn theo năm, diễn biến lạm phát chung cũng tăng tương đối rõ nét trong hai ba tháng trở lại đây. Nếu chỉ nhìn trong năm 2023 thì mức lạm phát này không phải rủi ro, nhưng khi bước sang năm 2024 với nền so sánh thấp và với tốc độ tăng lạm phát như vây, ngay những tháng đầu năm lạm phát cùng kỳ năm của Việt Nam có thể trên 4%. NHNN cũng đã nhìn ra rủi ro này vì vậy đây là một trong những nguyên nhân khiến NHNN có một số động thái thận trọng hơn trong việc điều hành chính sách tiền tệ.
Nguyên nhân thứ hai đến từ biến động tỷ giá. Từ tháng 8 trở lại đây, tỷ giá đã có diễn biến tăng mạnh kết hợp từ hai yếu tố là đồng đô la Mỹ có xu hướng tăng rõ nét (hiện tại lên quanh mức 106 điểm); và chính sách tiền tệ trái chiều giữa NHNN Việt Nam với Fed, khiến lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng thấp hơn hẳn so với lãi suất USD. Từ đó đã kích hoạt những hoạt động giao dịch đầu cơ.
Bước sang ba tháng cuối năm, chúng ta phải chờ vào các yếu tố khác cơ bản hơn, như sự phục hồi của kinh tế vĩ mô hoặc hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết khởi sắc, thể hiện qua các con số báo cáo kết quả kinh doanh. Còn về lãi suất, không nên kỳ vọng quá nhiều.
Mặc dù vậy, cũng có một yếu tố kỳ vọng, liên quan đến triển khai hệ thống giao dịch KRX. Theo kế hoạch của HoSE, đến ngày 25/12, hệ thống KRX sẽ chính thức vận hành, sẽ có hai tác động tích cực đó là giúp chúng ta triển khai được đối tác bù trừ trung tâm (CCP), là bước tiến quan trọng để Việt Nam sớm nâng hạng TTCK và thu hút vốn nhà đầu tư nước ngoài.
Cùng với đó, thị trường có thể có thêm sản phẩm mới, đặc biệt có sản phẩm liên quan đến giao dịch T0 giúp cải thiện thanh khoản thị trường, cũng như kết quả kinh doanh của các nhóm doanh nghiệp chứng khoán một cách rõ nét.
Cân nhắc các nhóm ngành
Trong quý 4/2023, chúng tôi đánh giá kịch bản chính sách tiền tệ của NHNN sẽ quay trở lại xu hướng nới lỏng mạnh mẽ như đầu năm nếu những vấn đề liên quan đến tỷ giá, lạm phát hạ nhiệt, thì cổ phiếu chứng khoán là nhóm hoàn toàn hấp dẫn để quay trở lại đầu tư.
Nhóm thứ hai là các cổ phiếu thuộc nhóm xuất khẩu, vì những con số của Tổng cục Hải quan trong thời gian gần đây cho thấy, xuất khẩu của Việt Nam có sự khởi sắc nhất định trong bối cảnh hàng tồn kho của các doanh nghiệp lớn ở Mỹ, EU đã sụt giảm xuống mức thấp, nhu cầu tiêu dùng của người dân Mỹ, nhu cầu mua sắm sửa sang nhà cửa giai đoạn những tháng cuối năm đang đến gần. Qua đó giúp gia tăng nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Vì vậy nhóm doanh nghiệp xuất khẩu như dệt may, thủy sản hoặc là những doanh nghiệp gỗ được kỳ vọng có động lực tăng trưởng trong quý 4.
Ngoài ra, liên quan đến chiến sự Israel-Palestine, nếu có những sự gia tăng căng thẳng khiến giá dầu tăng đột biến, thì nhóm cổ phiếu dầu khí cũng là nhóm nhà đầu tư có thể quan tâm.
Thêm vào đó, là câu chuyện liên quan đến đầu tư công vẫn còn dư địa phản ánh và tác động tích cực hỗ trợ diễn biến giá cổ phiếu các nhóm ngành liên quan như xây dựng, vật liệu xây dựng,...
Mỗi câu chuyện sẽ có một chất xúc tác để giúp diễn biến của giá cổ phiếu trong ngành tích cực hơn so với mặt bằng chung. Đây có thể là đích đến mà nhà đầu tư nên cân nhắc cho danh mục cổ phiếu của mình.
*Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc khối phân tích & Trần Đức Anh, Giám đốc vĩ mô CTCK KB Việt Nam
Có thể bạn quan tâm
16:15, 11/10/2023
15:44, 11/10/2023
05:30, 07/10/2023
17:01, 05/10/2023
12:00, 05/10/2023
01:00, 05/10/2023