Ổn định thị trường tài chính trong bối cảnh mới (bài 2): Việt Nam nên làm gì?

TS NGUYỄN ĐỨC KIÊN - TS CHU KHÁNH LÂN 11/07/2022 04:50

Các nền kinh tế mới nổi gặp áp lực trong việc quản lý tỷ giá và dòng vốn nước ngoài khi các động ngoại tệ mạnh tăng giá và xu hướng dòng vốn chuyển dịch sang đầu tư vào các đồng tiền mạnh...

Việt Nam cần cấu trúc lại các doanh nghiệp nhà nước theo tinh thần của Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2022 của Chính phủ, tập trung vào việc lựa chọn các ngành nghề, xây dựng mô hình doanh nghiệp đủ lớn. Ảnh: Quốc Tuấn

Ổn định thị trường tài chính trong bối cảnh mới (bài 1)

Các ngân hàng trung ương các quốc gia sẽ phải đối mặt với lựa chọn giữa việc duy trì đà phục hồi kinh tế sau đại dịch và việc kiềm chế tình hình giá cả tăng cao. - Chính sách tiền tệ thắt chặt và những lo ngại về căng thẳng địa chính trị khiến thị trường tài chính biến động mạnh, tiềm ẩn nguy cơ về khủng hoảng nợ. Trên phạm vi quốc gia, chính phủ của nhiều nền kinh tế mới nổi có tỷ lệ vay nợ nước ngoài cao phải đối mặt với chi phí huy động vốn tăng vọt. Các nền kinh tế mới nổi cũng gặp áp lực trong việc quản lý tỷ giá và dòng vốn nước ngoài khi các động ngoại tệ mạnh tăng giá và xu hướng dòng vốn chuyển dịch sang đầu tư vào các đồng tiền mạnh. Mặt bằng lãi suất tăng làm tăng chi phí huy động vốn của doanh nghiệp, kết hợp với chi phí đầu vào cho sản xuất vốn đã tăng cao do gián đoạn nguồn cung từ trong đại dịch Covid-19 đã, đang và sẽ làm trầm trọng hơn khó khăn mà các doanh nghiệp phải đối mặt trong giai đoạn kinh tế phục hồi chưa bền vững sau đại dịch...

Đó là một trong số những vấn đề mà nền kinh tế Việt Nam đã và đang phải đối mặt trong tình hình mới, với biến động của chiến sự Nga - Ukraine, tình trạng an ninh năng lượng và an ninh lương thực trở thành bài toán chung.

Từ khi bắt đầu công cuộc Đổi mới năm 1986 cho tới nay, Việt Nam đã giải quyết thành công một số vấn đề lớn cơ bản như sau:

Đổi mới “tư duy” là khâu đột phá về nhận thức lấy tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam cho mọi hành động, “việc gì có lợi cho dân, dù nhỏ, cũng gắng sức làm”.

Từng bước hoàn thiện mô hình phát triển của đất nước: từ xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần, tới nền kinh tế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước và tới Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Coi các quy luật vận hành của nền kinh tế thị trường là tài sản của nhân loại chứ không phải đặc trưng riêng có của chủ nghĩa tư bản. Vì vậy, Việt Nam phải vận dụng sáng tạo các quy luật này trong quá trình phát triển đất nước vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh”.

Xây dựng và hoàn thiện từng bước thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Kiên trì quan điểm trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam thì kinh tế nhà nước cùng kinh tế tập thể dần trở thành chủ đạo, kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là động lực quan trọng để phát triển đất nước.

Với bối cảnh mới, các hàm ý chính sách cho Việt Nam là:

Kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể phải giúp đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, giám sốc khi kinh tế thế giới gặp rủi ro. Không áp dụng mô hình kinh tế thị trường phúc lợi hay kinh tế thị trường xã hội là giảm tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, tăng thuế để nâng cao đời sống của nhân dân. - Kinh tế nhà nước phải đi trước mở đường trong các lĩnh vực quan trọng của từng ngành, từng địa phương một cách linh hoạt, chủ động, không cứng nhắc áp dụng một mô hình cho cả nước. Chúng ta đã có kinh nghiệm thực tiễn từ việc phát triển thị trường chứng khoán và bưu chính – viễn thông.

Kiện toàn lại bộ máy của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để tách biệt giữa quản lý nhà nước và quản trị doanh nghiệp. Nhiệm vụ và quy mô của Ủy ban được thay đổi theo tình hình cụ thể, không cố định khi lực lượng sản xuất và bối cảnh đã thay đổi. Ủy ban có quyền điều chuyển và huy động vốn để đầu tư theo yêu cầu của Chính phủ. 

Cấu trúc lại các doanh nghiệp nhà nước theo tinh thần của Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2022 của Chính phủ, tập trung vào việc lựa chọn các ngành nghề, xây dựng mô hình doanh nghiệp đủ lớn; nắm lớn, buông nhỏ để thoái vốn tại doanh nghiệp nhỏ, dồn vốn để xây dựng doanh nghiệp lớn (chứ không sử dụng trực tiếp ngân sách nhà nước).

Đánh giá lại hiệu quả huy động vốn

Đánh giá lại hiệu qủa của các phương thức huy động vốn, xây dựng chính sách tài khóa, tiền tệ phù hợp. Ảnh: Quốc Tuấn

Về lựa chọn một số ngành có tính đột phá, cần xem xét mức độ đáp ứng các tiêu chí sau: 1. Tỷ trọng của ngành kinh tế đó trong cơ cấu toàn nền kinh tế? Nếu ngành kinh tế đó dừng phát triển thì nền kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng như thế nào và ngược lại, nếu ngành kinh tế đó phát triển thì Việt Nam được hưởng lợi những gì? 2. Khả năng phát triển của ngành kinh tế đó trong tương lai như thế nào? Trong tương lai, thị trường thế giới có nhu cầu đối với các sản phẩm, dịch vụ của ngành kinh tế đó hay không? 3. Ngành kinh tế đó có khả năng tạo ra lợi nhuận để huy động được nguồn vốn từ các thành phần kinh tế ngoài nhà nước để tạo ra nguồn lực có tính đột phá hay không? 4. Ngành kinh tế đó có khả năng ứng dụng công nghệ 4.0 để nâng cao hiệu quả, tăng năng suất lao động không? 5. Ngành kinh tế đó có tác động đến môi trường như thế nào?

Đánh giá hiệu quả các phương thức huy động vốn, bao gồm: vay vốn của ngân hàng thương mại cổ phần, cơ chế đổi đất lấy hạ tầng, huy động vốn xã hội để đầu tư theo quy hoạch của cấp có thẩm quyền để từ đó có chính sách tài khóa và tiền tệ phù hợp. 

Đánh giá lại việc giải quyết việc làm, chế độ đãi ngộ và đào tạo tay nghề cho lao động đáp ứng yêu cầu mới của thị trường.

Xây dựng chính sách ưu tiên đặc biệt và giao quyền cho một số địa phương theo mô hình vùng (không theo địa giới hành chính cấp tỉnh) và có bộ máy Đảng – hành chính phù hợp theo Hiến pháp năm 2013. Chỉ có quyết liệt hành động chúng ta mới có thể hoàn thành được mục tiêu mà Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đặt ra theo hai bước. Bước một là đến năm 2030, Việt Nam là một nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao và tầng lớp trung lưu phát triển. Bước hai là đến năm 2045, cơ bản xây dựng được mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Có thể bạn quan tâm

  • Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm việc với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

    Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm việc với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

    06:45, 01/07/2022

  • Điểm tựa cho tài chính xanh phát triển

    Điểm tựa cho tài chính xanh phát triển

    05:30, 30/06/2022

  • CƠ HỘI ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN: Thị trường tài chính Việt Nam chịu tác động của thế giới ra sao?

    CƠ HỘI ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN: Thị trường tài chính Việt Nam chịu tác động của thế giới ra sao?

    15:15, 29/06/2022

  • Quản trị rủi ro để lành mạnh hoá thị trường tài chính

    Quản trị rủi ro để lành mạnh hoá thị trường tài chính

    05:30, 22/06/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Ổn định thị trường tài chính trong bối cảnh mới (bài 2): Việt Nam nên làm gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO