Tính đến cuối tháng 4/2021, số lượng tài khoản thanh toán của cá nhân tăng 13,8% và hiện có hơn 340.000 tài khoản thanh toán mở bằng phương thức xác thực, định danh điện tử khách hàng-eKYC...
eKYC là một phương thức xác thực, định danh điện tử khách hàng đã được NHNN đã phối hợp nhiều cơ quan, thông tin tới các ngân hàng thương mại để chủ động triển khai thay vì phải dựa vào nguồn dữ liệu trên căn cước công dân, số chứng minh thư nhân dân. Khi triển khai eKYC, 100% hệ thống các ngân hàng đều tiếp cận một phần hậu kiểm để kiểm tra toàn bộ dữ liệu thông tin nhằm đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng và thanh toán của khách hàng.
Có thể nói việc khai thác dữ liệu công dân với công nghệ ngân hàng trong eKYC là công cụ hữu hiệu cho người dân có thể mở tài khoản trực tuyến tại ngân hàng, là một trong những chiến lược để thực hiện mục tiêu tài chính quốc gia.
Theo ông Phạm Tiến Dũng, để triển khai eKYC, NHNN dự kiến sẽ khai thác dữ liệu dựa trên hai nguồn, trong đó có sử dụng nguồn cơ sở dữ liệu trên thẻ căn cước công dân, cho phép ngân hàng gửi thông tin vào, có ứng dụng tự chạy và trả lại thông tin cho ngân hàng.
Ngoài eKYC, hạ tầng kỹ thuật và công nghệ phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là thanh toán điện tử trong khu vực công tiếp tục được chú trọng, mở rộng. Trong thời gian qua, NHNN đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế triển khai kết nối, thanh toán trực tuyến học phí, viện phí trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.
Đến nay, nền tảng thanh toán của cổng dịch vụ công Quốc gia đã được kết nối tới hầu hết các tài khoản tại các ngân hàng, cho phép mở rộng mạng lưới thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, thuế và các nghĩa vụ tài chính khác trong giải quyết thủ tục hành chính của tổ chức, cá nhân thông qua Cổng dịch vụ công Quốc gia (áp dụng với hình thức thẻ ngân hàng).
Để tạo điều kiện cho các ngân hàng triển khai eKYC, NHNN đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 87/2019/NĐ-CP sửa đổi quy định về tại Nghị định 116/2013/NĐ-CP, theo đó cho phép ngân hàng được quyết định gặp mặt trực tiếp hoặc không gặp mặt trực tiếp khách hàng khi lần đầu thiết lập mối quan hệ. Với định hướng trên, NHNN đã ban hành Thông tư số 16/2020/TT-NHNN ngày 04/12/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-NHNN về mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trong đó bổ sung quy định, hướng dẫn về mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử.
Theo các chuyên gia, việc mở tài khoản thanh toán bằng phương thức eKYC tại Thông tư 16 được xây dựng trên cơ sở phù hợp với quy định pháp luật hiện hành về phòng, chống rửa tiền, phù hợp với xu thế công nghệ trong hoạt động nghiệp vụ ngân hàng trên thế giới và ở Việt Nam, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của các tổ chức tín dụng trong quá trình chuyển đổi số. Đồng thời tăng khả năng tiếp cận khách hàng mới với chi phí thấp, góp phần thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện quốc gia…
Thông tư 16 có hiệu lực từ ngày 5/3/2021, cho phép áp dụng thanh toán bằng phương thức điện tử trong hoạt động mở và sử dụng tài khoản thanh toán. Các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài áp dụng phương thức thanh toán điện tử tuân thủ các quy định hiện hành và đảm bảo một số điều kiện, đồng thời phải chịu trách nhiệm về rủi ro nếu có.
Hạn mức do các ngân hàng xây dựng căn cứ vào điều kiện công nghệ để đánh giá, nhưng phải đảm bảo tổng hạn mức giá trị giao dịch (ghi Nợ) qua các tài khoản thanh toán của khách hàng đó không vượt quá 100 triệu đồng/tháng/khách hàng, ngoại trừ một số trường hợp. Việc mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử không áp dụng đối với tài khoản thanh toán chung, khách hàng cá nhân là người nước ngoài.
Có thể bạn quan tâm
Vietcombank ra mắt dịch vụ mở tài khoản trực tuyến xác thực bằng eKYC
09:03, 01/06/2021
eKYC - Đăng ký dễ dàng - Trúng ô tô sang
13:00, 11/05/2021
Vietcombank giới thiệu công nghệ định danh điện tử eKYC
11:50, 25/12/2020
VietinBank hợp tác với Công ty Sen Đỏ phát hành thẻ vật lý, thẻ phi vật lý - định danh eKYC
08:36, 24/12/2020