Ông Trần Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hải Phòng: Phát triển logistics Hải Phòng xứng tầm quốc tế

Diendandoanhnghiep.vn Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1516/QĐ-TTg ngày 2/12/2023 phê duyệt Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đây là Quyết định có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển ngành cảng biển, dịch vụ logistics Hải Phòng mạnh mẽ trong thời gian tới. DĐDN cùng ông Trần Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hải Phòng trao đổi xung quanh Quyết định này.

- Từ Quyết định 1516/QĐ-TTg, ông nhận thấy có những điểm sáng, cũng như những cơ hội lớn nào để Hải Phòng thúc đẩy ngành cảng biển, dịch vụ logistics phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới?

Theo Quyết định 1516/QĐ-TTg, ngay từ điều khoản đầu tiên và xuyết suốt thì vai trò của cảng biển và logistics luôn được đặc biệt quan tâm, là 1 trong 3 trụ cột quan trọng trong phát triển kinh tế thành phố Hải Phòng.

Quyết định nêu rõ: “việc xây dựng thành phố Hải Phòng trở thành một trung tâm kết nối quốc tế, có dịch vụ logistics hiện đại; cảng Lạch Huyện và cảng Nam Đồ Sơn thành cụm cảng cửa ngõ kết hợp trung chuyển quốc tế. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực dịch vụ cảng biển và logistics; Thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng, trong đó nghiên cứu Khu thương mại tự do với những cơ chế, chính sách đột phá, nổi trội đang được áp dụng tại các khu thương mại tự do thành công trên thế giới”.

Có thể thấy sự quan tâm của Đảng và nhà nước với Hải Phòng là rất lớn, tái khẳng định vai trò của Hải Phòng trong phát triển kinh tế, không chỉ là cửa ngõ cho các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng mà là cả khu vực phía Bắc. Nếu như tại phía Nam có cụm cảng Cái Mép, Thị Vải, Cần Giờ, thì Hải phòng sẽ đóng vai trò đó tại khu vực phía Bắc, với các Trung tâm Logistics cấp quốc tế, hệ thống cảng biển nước sâu, không chỉ phục vụ nguồn hàng xuất nhập khẩu của địa phương, của các tỉnh phía Bắc mà còn trở thành các cảng truyền tải đối với hàng hóa từ các nước bạn như Lào, Trung Quốc.

Bên cạnh cảng nước sâu khu vực Lạch Huyện và Nam Đồ Sơn có thể tiếp nhận các tàu cỡ lớn, hiện đại nhất thế giới thì trong QĐ 1516/QĐ-TTg, các Trung tâm Logistics và cảng thủy nội địa, vận tải thủy cũng đã được đặc biệt quan tâm. Đây là các khu vực rất tiềm năng mà chưa được phát huy trong thời gian qua.

 Theo Quyết định 1516/QĐ-TTg, cảng biển và logistics là 1 trong 3 trụ cột quan trọng trong phát triển kinh tế thành phố Hải phòng. Trong ảnh là Cảng Nam Đình Vũ Hải Phòng.

Theo Quyết định 1516/QĐ-TTg, cảng biển và logistics là 1 trong 3 trụ cột quan trọng trong phát triển kinh tế thành phố Hải phòng. Trong ảnh là Cảng Nam Đình Vũ Hải Phòng.

- Hải Phòng được quy hoạch là trung tâm kết nối quốc tế, trung tâm trung chuyển hàng hóa của khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ sẽ góp phần tiết kiệm chi phí đầu tư như thế nào, thưa ông?

Đây là 1 chủ trương vô cùng đúng đắn, hiệu quả. Với các cảng nước sâu, có thể tiếp nhận các tuyến tàu mẹ, hàng hóa khu vực phía Bắc có thể xuất/ nhập khẩu trực tiếp tới các thị trường mà không phải phát sinh cước vận chuyển chặng ngắn đến các cảng truyền tải như Singapore, Malaysia, Đài Loan, Nam Trung quốc như hiện nay. Với sản lượng khoảng 5,5 triệu teus/năm với mức tăng trưởng như giai đoạn trước Covid-19 là trên 10%/năm thì hàng năm doanh nghiệp cũng tiết kiệm được khoảng 1 tỉ USD, góp phần tăng tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Ngoài ra, với cảng trung chuyển Hải Phòng, hàng hóa từ các địa phương, ngoài bằng phương tiện vận tải bộ cũng có thể vận tải bằng phương thức vận tải thủy nội địa với mức chi phí rất thấp. Các địa phương lân cận thay vì phải đầu tư cảng biển có chi phí cao (nhưng cũng chỉ đón được các tàu trung chuyển cỡ nhỏ) thì chỉ cần đầu tư cảng thủy nội địa hoặc tương đương với suất đầu tư thấp hơn rất nhiều mà vẫn đủ năng lực đáp ứng cho vận tải thủy.

Đồng thời cũng giảm thiểu sự cạnh tranh không cần thiết giữa các địa phương (Hiện các địa phương có cảng như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Huế,… đang cạnh tranh thu hút tàu bằng các chính sách hỗ trợ nhưng phần lớn không hiệu quả). Với các tỉnh lân cận có bờ biển như Thái Binh, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, chúng ta có thể tiết kiệm hàng tỉ USD đầu tư cảng biển nữa, tiết kiệm nguồn lực xã hội để đầu tư các hạng mục quan trọng, cấp bách hơn.

- Được biết, các doanh nghiệp hội viên Hiệp hội Logistics Hải Phòng đang tiến hành xây dựng tuyến vận tải thủy nội địa khu vực phía Bắc. Ông có thể chia sẻ về vai trò của tuyến vận tải này đối với sự phát triển của vùng?

Theo QĐ 1516/QĐ-TTg, vai trò của vận tải thủy đã được quan tâm hơn. Với định hướng qui hoạch các khu bến cảng thủy nội địa trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận, Đảng và nhà nước đã nâng cao vai trò của vận tải thủy trong sự nghiệp phát triển kinh tế. Với qui hoạch Hải phòng trở thành trung tâm Logistics, cảng trung chuyển tầm cỡ quốc tế thì cơ hội cho vận tải thủy sẽ còn cao hơn vì đây là phương thức vận tải giá rẻ, kết nối tốt với các tỉnh, thành phố qua hệ thống sông ngòi và bờ biển dài của nước ta.

Hiện tại, ở phía Bắc, thủy nội địa đang có các tuyến từ Hải Phòng đi Bắc Ninh, Việt Trì và bắt đầu có hoạt động hiệu quả. Để phục vụ thêm các tỉnh, thành phố khác, hội viên Hiệp hội Logistics Hải phòng là Công ty Cp Đầu tư Sao Á D.C cùng các đối tác đang nghiên cứu triển khai tuyến vận tải thủy đi các tỉnh như Ninh Bình, Nam Định và Thanh Hóa, dự kiến tuyến dịch vụ đầu tiên sẽ bắt đầu khai thác từ tháng 3/2024, sau đó là các tuyến khác.

Cùng với các nhà khai thác vận tải thùy khác, tôi hy vọng rằng thị phần của vận tải thủy khu vực phía Bắc sẽ sớm được nâng cao từ mức khiêm tốn dưới 5% hiện nay lên 15% vào năm 2025 và khoảng 40% vào năm 2030, không chỉ góp phần kéo giảm chi phí logistics, tăng tính cạnh tranh cho cộng đồng doanh nghiệp mà còn góp phần kéo giảm phát thải khí CO2 để Việt Nam từng bước thực hiện cam kết với công ước quốc tế, đặc biệt là COP28 vừa rồi.

- Ông có những đề xuất, kiến nghị gì thêm về những giải pháp để phát triển ngành dịch vụ logistics tại Hải Phòng trong thời gian tới?

Trong Luật Đất đai, trung tâm logistics không phải là các hạng mục được Nhà nước đứng ra thu hồi, bàn giao đất mà doanh nghiệp phải trực tiếp thương lượng với dân. Việc này kéo dài thời gian triển khai, đẩy suất đầu tư lên rất cao và dẫn đến việc các doanh nghiệp khó lòng triển khai các dự án và không thể tiết giảm chi phí logistics cho cộng đồng doanh nghiệp. Vì vậy, tôi đề xuất Trung tâm Logistics cũng được xem xét như các dự án trọng điểm như giao thông, cầu cảng hay KCN, được đưa vào diện dự án được Nhà nước thu hồi đất. Như vậy Logistics mới có khả năng hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước tin tưởng, giao phó như qui hoạch mới đây và Nghị quyết 45.

Hiệp hội Logistics Hải Phòng cũng kiến nghị Thành phố Hải phòng, Bộ Công thương, Bộ Giao thông, Cục Đường sông,… sớm đưa các cảng thủy nội địa cũng như các trung tâm logistics vào qui hoạch chi tiết để các Doanh nghiệp nghiên cứu, triển khai sớm nhất (Hiện tại qui hoạch ngành chưa được ban hành, cân sớm bổ sung các vị trí thuận lợi cho xây dựng cảng thủy nội địa tại Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội, Ninh Bình, Nam Định,..). Tuy vận tải thủy là phương thức vận tải giá rẻ, có mức độ phát thải CO2 thấp nhưng tại khu vực phía Bắc thì vẫn còn nhiều khó khăn trong triển khai. Chúng tôi rất hy vọng Nhà nước, thành phố có các chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác phân khúc này trong giai đoạn bù lỗ ban đầu từ 3 đến 5 năm.

- Xin cảm ơn ông!

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714324177 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714324177 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10