Phát huy thế mạnh nguồn dược liệu

Thanh Hải 29/09/2023 08:00

Dược liệu không chỉ khẳng định vai trò quan trọng trong y dược cổ truyền, mà còn là nguyên liệu cho ngành hóa dược, thực phẩm, hóa mỹ phẩm tạo ra nhiều loại sản phẩm có giá trị.

Ông Lê Văn Truyền, Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Việt Nam, với nhiều vùng địa lý có khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ và độ ẩm cao là điều kiện để có hệ sinh thái thực vật, động vật đa dạng,  đặc biệt là những thực vật, động vật làm thuốc. Riêng hệ thực vật ở nước ta, có khoảng 12.000 loài thực vật bậc cao. Theo kết quả điều tra của Viện Dược liệu (Bộ Y Tế), Việt Nam có 5.100 cây thuốc thuộc 236 họ thực vật.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm, 80% dân số các dân tộc trên toàn cầu sử dụng thảo dược và y học cổ truyền để chăm sóc sức khỏe ban đầu. Tổng giá trị thị trường sản phẩm từ thảo dược toàn cầu năm 2021 ước tính khoảng 230 tỷ USD, có thể đạt 430 tỷ USD vào năm 2028.

Các cây thuốc không chỉ được dùng trong y học cổ truyền mà còn là nguyên liệu để công nghiệp dược hiện đại nghiên cứu chiết xuất các hoạt chất tinh khiết để làm nguyên liệu làm thuốc, phát minh các phân tử mới để sản xuất dược phẩm hiện đại…

Ông Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý Y, dược cổ truyền - Bộ Y tế cho biết, hàng năm, tổng lượng dược liệu được sử dụng trong ngành y tế ở nước ta ước tính khoảng 100.000 tấn, với tổng giá trị thị trường trên 400 triệu USD/năm.

Ông Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý Y dược cổ truyền - Bộ Y tế

Ông Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý Y dược cổ truyền - Bộ Y tế

Cục trưởng Cục Quản lý Y dược cổ truyền chia sẻ, đánh giá được tầm quan trọng về vai trò của dược liệu, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1976/QĐ-TTg về định hướng phát triển 8 vùng trồng nguyên liệu trên cả nước để trồng 54 loài dược liệu, lựa chọn và khai thác hợp lý 24 loài dược liệu tự nhiên.

Cùng với đó, Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính Phủ Phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, đã mở ra hướng phát triển dược liệu vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, không chỉ phát triển, bảo tồn cây dược liệu mà còn giúp phát triển kinh tế xã hội, đem lại cuộc sống ấm no cho bà con tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, Cục Quản lý Y, dược cổ truyền đã phối hợp với Báo Sức khỏe và Đời sống thực hiện chương trình truyền thông “Vai trò, giá trị của dược liệu trong chăm sóc sức khỏe và phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”, trong đó có hoạt động vinh danh “Vì sự phát triển dược liệu Việt gắn với phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”.

Chương trình nhằm vinh danh các hợp tác xã, hộ gia đình, các doanh nghiệp có thành tích nuôi trồng, bảo tồn, hình thành được chuỗi liên kết trong phát triển dược liệu tại các vùng miền trên cả nước, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Từ đó phát triển thành các sản phẩm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, vận dụng và phát triển các bài thuốc, vị thuốc cổ truyền góp phần chăm sóc, điều trị và nâng cao sức khỏe cho người dân...

Ông Lê Văn Truyền cũng cho rằng, Lễ vinh danh nhằm khuyến khích các cá nhân, tổ chức, hợp tác xã và doanh nghiệp tích cực hưởng ứng, thực hiện các chính sách và chương trình của Chính phủ vừa mới ban hành. Đồng thời, chung tay phát huy giá trị của dược liệu Việt, hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên các vùng, miền của đất nước.

Có thể bạn quan tâm

  • Triển lãm sảm phẩm dược liệu thu hút gần 100 Doanh nghiệp, HTX trên toàn quốc

    Triển lãm sảm phẩm dược liệu thu hút gần 100 Doanh nghiệp, HTX trên toàn quốc

    13:53, 25/07/2023

  • Diễn đàn kinh tế dược liệu Việt Namp/- Liên kết của 4 nhà

    Diễn đàn kinh tế dược liệu Việt Nam - Liên kết của 4 nhà

    13:00, 25/07/2023

  • “Mở lối” cho du lịch dược liệu Quảng Nam

    “Mở lối” cho du lịch dược liệu Quảng Nam

    04:00, 01/04/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Phát huy thế mạnh nguồn dược liệu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO