Mặc dù tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Tuy nhiên, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn có rất nhiều điều kiện, cơ hội để phát triển an toàn, lành mạnh.
>>> "Bắt đáy" bất động sản?
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, bước sang năm 2023, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Trong nước, các yếu tố thuận lợi, thời cơ và khó khăn thách thức đan xen nhưng khó khăn và thách thức nhiều hơn.
Với vai trò, trách nhiệm được giao, Bộ Xây dựng sẽ tập trung các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững theo Chỉ thị số 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Công điện số 1164/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
- Thưa Thứ trưởng, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập tổ công tác rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản (trong đó Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị và Thứ trưởng là Tổ trưởng và Tổ phó), xin ông cho biết Tổ công tác đã triển khai nhiệm vụ đến đâu?
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh: Thực hiện nhiệm vụ được giao, Tổ công tác đã tổ chức làm việc với các địa phương như Tp Hồ Chí Minh, Tp Hà Nội, Tp Đà Nẵng, Tp Hải Phòng, Tp Cần Thơ và một số doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bất động sản. Qua làm việc, chúng tôi thấy nổi lên một số vấn đề khó khăn vướng mắc như:
Thứ nhất là do thể chế, một số quy định pháp luật trong các lĩnh vực xây dựng, quy hoạch, phát triển đô thị, nhà ở, kinh doanh BĐS, đất đai, đầu tư… còn chồng chéo, bất cập gây cản trở trong triển khai thực hiện dự án BĐS. Trong đó, khó khăn được nhiều ý kiến phản ánh nhất liên quan đến pháp luật về đất đai như tính tiền sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giải phóng mặt bằng…
Thứ hai là khó khăn, vướng mắc về trình tự thủ tục đầu tư, xây dựng dự án nhà ở, dự án khu đô thị phức tạp, kéo dài, chậm thực hiện ở các địa phương.
Thứ ba là về khan hiếm nguồn lực tài chính của doanh nghiệp, do khó tiếp cận tín dụng, khó khăn trong phát hành trái phiếu và áp lực đáo hạn trái phiếu. Các khó khăn này dẫn đến nguồn cung bất động sản và việc triển khai các dự án nhà ở, nhất là nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân đều hạn chế.
Trong quá trình làm việc với các địa phương, doanh nghiệp, Tổ công tác đã trao đổi, hướng dẫn trực tiếp về các quy định pháp luật và việc tổ chức thực hiện đối với các nội dung thuộc thẩm quyền của các Bộ, ngành và địa phương.
>>> Thị trường bất động sản sẽ sang trang mới?
Các nội dung chưa thể trao đổi, hướng dẫn trực tiếp, Tổ công tác đã cho rà soát, tổng hợp để giải quyết. Theo đó, giao các Bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ có văn bản gửi địa phương, doanh nghiệp để hướng dẫn ngay các nội dung thuộc thẩm quyền như: các vấn đề khó khăn, vướng mắc liên quan đến lĩnh vực đất đai thì giao Bộ Tài nguyên và Môi trường; các vấn đề khó khăn, vướng mắc liên quan đến lĩnh vực đầu tư, đấu thầu thì giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ xây dựng hướng dẫn, tháo gỡ các nội dung liên quan đến xây dựng, quy hoạch, phát triển đô thị, nhà ở, kinh doanh BĐS…
Cùng với đó, Tổ công tác có văn bản gửi các địa phương để đôn đốc, yêu cầu địa phương khẩn trương giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của địa phương mà doanh nghiệp báo cáo, kiến nghị.
Đối với các khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, Tổ công tác tiếp tục tổng hợp để báo cáo Thủ tướng Chính phủ và cơ quan có thẩm quyền xem xét tháo gỡ. Thời gian tới, Tổ công tác sẽ tiếp tục làm việc để rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương và doanh nghiệp.
- Năm 2022, Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng Chính phủ đề án đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030. Xin Thứ trưởng cho biết hành động cụ thể của Bộ Xây dựng để có thể triển khai thành công Đề án?
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh: Triển khai nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Xây dựng đã tổng hợp báo cáo, nghiên cứu các Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của các địa phương và ý kiến các Bộ, ngành hoàn thiện Đề án và có Tờ trình số 34/TTr-BXD ngày 17/10/2022 báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, tại Đề án Bộ Xây dựng đã đề xuất các giải pháp về quỹ đất, nguồn vốn và hoàn thiện thể chế, pháp luật để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp trong thời gian tới. Đồng thời, trên cơ sở xác định nhu cầu về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp của các địa phương, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu xây dựng Đề án và xây dựng mục tiêu cụ thể cho từng địa phương đến năm 2030 hoàn thành khoảng 1.416.700 căn (trong đó, giai đoạn 2021-2025 hoàn thành khoảng 571.200 căn; giai đoạn 2025-2030 hoàn thành khoảng 845.500 căn) và giao trách nhiệm các địa phương có các cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng… để hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn, uy tín trong lĩnh vực bất động sản tham gia và triển khai đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tạo nguồn cung cho thị trường.
Sau khi Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các cấp chính quyền, địa phương sẽ có cơ sở để căn cứ tập trung triển khai thực hiện nhằm đảm bảo đạt mục tiêu đã đề ra.
- Xin ông cho biết mục tiêu, giải pháp về phát triển NOXH giai đoạn tới và Bộ Xây dựng đưa ra quan điểm gì mới về phát triển NOXH so với trước kia?
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh: Từ kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn của Việt Nam, Đề án đưa ra quan điểm, phát triển NOXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân KCN là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển KT-XH của đất nước. Mục tiêu tổng quát là phát triển NOXH, nhà ở công nhân có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp khu vực đô thị và của công nhân, người lao động trong KCN, khu chế xuất.
Cụ thể, đến năm 2030, cả nước sẽ hoàn thành đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NOXH dành cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân KCN. Để đạt được mục tiêu đó, trong Đề án 1 triệu căn hộ, Bộ Xây dựng đã đề xuất các giải pháp đồng bộ, cụ thể, từ khâu hoàn thiện thể chế, chính sách đến tổ chức thực hiện, phân giao nhiệm vụ cụ thể của TW và địa phương.
Cụ thể: Bộ Xây dựng chủ trì tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật về NOXH dành cho người thu nhập thấp, công nhân KCN. Song song đó là giải pháp tổ chức triển khai, thực hiện dự án NOXH, nhà ở công nhân với việc phân định rõ vai trò, trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan, địa phương và doanh nghiệp; phân cấp triệt để, rút ngắn các thủ tục hành chính; tổng hợp, đề xuất và phân bổ đủ nguồn vốn từ ngân sách Trung ương để thực hiện chính sách hỗ trợ NOXH... Bên cạnh đó, các địa phương cần khẩn trương hoàn thành việc lập, sửa đổi, bổ sung Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; trong đó làm rõ các mục tiêu về NOXH dành cho người thu nhập thấp, công nhân KCN phù hợp với Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 2161/QĐ-TTg, ngày 22-12-2021, làm cơ sở chấp thuận đầu tư các dự án.
Các địa phương cần nghiêm túc thực hiện đúng quy định về quy hoạch, bố trí quỹ đất để phát triển NOXH. Khi quy hoạch các khu đô thị mới, KCN mới nhất thiết phải kèm theo quy hoạch NOXH, nhà ở công nhân bảo đảm hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo quy định.
Cần rà soát, thực hiện nghiêm quy định về việc dành 20% quỹ đất ở đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để đầu tư phát triển NOXH; sớm lập, phê duyệt và công bố công khai Danh mục dự án đầu tư xây dựng NOXH độc lập phải lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức đấu thầu để doanh nghiệp quan tâm nghiên cứu, đề xuất tham gia.
>>> Chính phủ tiếp tục chỉ đạo "nóng" thị trường bất động sản
Đối với các tỉnh, thành phố có nhiều KCN, tập trung đông công nhân, phải dành quỹ đất, kêu gọi các chủ đầu tư hạ tầng KCN, các doanh nghiệp tham gia đầu tư, phát triển nhà ở công nhân, nhà lưu trú cho công nhân thuê. Cần có cơ chế, giải pháp cụ thể phân cấp, đơn giản, rút ngắn thủ tục hành chính theo thẩm quyền về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng… để hỗ trợ, khuyến khích, thu hút doanh nghiệp tham gia, tạo nguồn cung cho thị trường.
- Ông nhận định thế nào về thị trường bất động sản năm 2023. Đâu sẽ là yếu tố có tác động tích cực tới thị trường, đâu sẽ là thách thức cần nhận diện, thưa ông?
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh: Với vai trò, trách nhiệm được giao, Bộ Xây dựng sẽ tập trung các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững theo Chỉ thị số 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Công điện số 1164/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, tập trung vào một số giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất là hoàn thiện thể chế: xây dựng, trình Chính phủ ban hành: Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng; Nghị định hướng dẫn về quy trình, trình tự, thủ tục triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị và sớm hoàn thiện hồ sơ xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật KDBĐS (sửa đổi) báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ hợp thứ 5 tháng 5/2023, thông qua tại kỳ hợp thứ 6 tháng 10/2023 để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật.
Thứ hai là đẩy mạnh nguồn cung, phát triển nhà ở xã hội: tập trung tốt thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030”.
Thứ ba là chủ động, tích cực rà soát khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án bất động sản tại các địa phương; hướng dẫn, đôn đốc các địa phương để giải quyết, tháo gỡ ngay các nội dung thuộc thẩm quyền của Bộ.
Bên cạnh đó thị trường bất động sản năm 2023 cũng sẽ có rất nhiều điều kiện, cơ hội để phát triển an toàn, lành mạnh.
Thứ nhất, các cơ chế, chính sách, giải pháp quan trọng đã được Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành sửa đổi, bổ sung, ban hành mới trong năm 2021-2022, việc thành lập Tổ công tác để khẩn trương tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản cũng như những chính sách được ban hành trong thời gian tới sẽ giúp cho các địa phương, các doanh nghiệp xử lý được các tồn tại, khó khăn, vướng mắc của các dự án bất động sản trong thời gian qua, đồng thời sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động đầu tư, xây dựng nói chung và thị trường bất động sản nói riêng.
Thứ hai, xu thế dịch chuyển hoạt động sản xuất, kinh doanh, trụ sở làm việc của các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam do ảnh hưởng của cạnh tranh chiến lược, địa chính trị giữa các nước lớn sẽ là cơ hội, điều kiện thuận lợi để thị trường bất động sản Việt Nam sớm phục hồi và phát triển trở lại.
Thứ ba, sự nỗ lực, cố gắng, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng; sự chủ động, tích cực, giám sát, đồng hành của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành linh hoạt, sáng tạo, sát sao, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và sự đồng lòng, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân sẽ giúp Việt Nam tiếp tục phòng, chống, kiểm soát thành công dịch bệnh Covid-19 và phát triển kinh tế.
Thứ tư, việc Việt Nam tập trung phát triển hạ tầng chiến lược, đẩy mạnh đầu tư công trong năm 2023 (bao gồm kế hoạch đầu tư công định kỳ cộng với chương trình phục hồi) chắc chắn sẽ tạo ra không gian phát triển mới, động lực phát triển mới, thúc đẩy hình thành nên các khu, cụm công nghiệp, dịch vụ, khu đô thị mới, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển, thị trường bất động sản phát triển.
Cuối cùng, bối cảnh vĩ mô ổn định của Việt Nam cùng với đà tăng trưởng cao của nền kinh tế so với thế giới và khu vực (GDP tăng khoảng 8% trong năm 2022 và 6,5% trong năm 2023) sẽ tạo môi trường thu hút đầu tư và là động lực để phát triển thị trường bất động sản trong thời gian tới./.
Có thể bạn quan tâm