Phát triển chuỗi liên kết từ kinh tế tuần hoàn

Diendandoanhnghiep.vn Phát triển kinh tế tuần hoàn hướng đến hệ cộng sinh công nghiệp, tạo chuỗi liên kết, tương hỗ giữa các doanh nghiệp, từ doanh nghiệp thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và tái chế.

>>> Kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn giúp doanh nghiệp phát triển bền vững

Kinh tế tuần hoàn để phát triển bền vững

Phát biểu tại Diễn đàn quốc tế Franconomics 2022, đại diện đơn vị tổ chức, ông Ngô Tự Lập - Viện trưởng Viện Quốc tế Pháp ngữ (Đại học Ngoại ngữ Hà Nội) cho biết: Diễn đàn Franconomics 2022 được Viện Quốc tế Pháp ngữ phối hợp với các tổ chức trong cộng đồng Pháp ngữ tổ chức với chủ đề “Kinh tế tuần hoàn và những cơ hội hợp tác trong không gian Pháp ngữ” xuất phát từ vấn đề quan trọng, cấp bách đang được Việt Nam và rất nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm.

Diễn đàn quốc tế Franconomics 2022 được tổ chức trực tiếp và trực tuyến kết nối các điểm cầu trên thế giới

Diễn đàn quốc tế Franconomics 2022 được tổ chức trực tiếp và trực tuyến kết nối các điểm cầu trên thế giới

Trong bối cảnh tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt, những biến động chính trị tiềm ẩn cùng nhiều vấn đề môi trường và an ninh phi truyền thống như dịch bệnh, an ninh lương thực… đang trầm trọng thêm các vấn đề về phát triển, đặc biệt là sự chênh lệch giữa các nước. Nền kinh tế tuần hoàn đang được xem là một trong những giải pháp tiềm năng đầy hứa hẹn để giải quyết các vấn đề trên. Ông Ngô Tự Lập gọi kinh tế tuần hoàn là “dự án to lớn” đòi hỏi rất nhiều sự đầu tư và kiến thức, đạo đức, trách nhiệm, thẩm mỹ và cả tình yêu - tình yêu nhân loại và tình yêu thiên nhiên. Trong đó, điều kiện cần thiết là huy động nỗ lực của các quốc gia, doanh nghiệp và mỗi cá nhân.

Ông Đặng Huy Đông - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển (PDI)

Ông Đặng Huy Đông - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển (PDI)

Chia sẻ thêm về kinh tế tuần hoàn, ông Đặng Huy Đông - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển (PDI) thông tin: mức tiêu thụ tài nguyên của thế giới đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 1970 và có thể tiếp tục tăng lên gấp đôi vào năm 2050 theo tốc độ phát triển của nền kinh tế. Theo ước tính, chúng ta sẽ cần phải có thêm một nửa Trái đất để cung cấp đủ lượng tài nguyên cần thiết cho nhu cầu của xã hội. Vì vậy, nền kinh tế tuần hoàn dựa trên nguyên tắc “mọi thứ đều là đầu vào của sản phẩm khác” là giải pháp đang được nhiều quốc gia lựa chọn để duy trì năng lực cạnh tranh, đảm bảo phát triển bền vững.

Đồng tình với quan điểm của ông Ngô Tự Lập, ông Đặng Huy Đông cho rằng, chúng ta vẫn còn rất nhiều việc phải làm để hiện thực hóa một xã hội tuần hoàn. Thế giới đang tiêu thụ tới 100 tỷ tấn nguyên, vật liệu mỗi năm nhưng chỉ 8,6% trong số này được đưa trở lại để tiếp tục phục vụ đời sống. Hơn 70% lượng rác thải sinh hoạt toàn cầu hiện nay (tương đương khoảng 1,47 tỷ tấn) vẫn đang bị thải bỏ một cách lãng phí tại các bãi chôn lấp mỗi năm và chỉ khoảng 13,5% lượng rác phát sinh được tái chế.

Trên cơ sở đó, sự nỗ lực và đoàn kết giữa các quốc gia để cùng nhau phát triển, thúc đẩy các sáng kiến, ý tưởng đổi mới sáng tạo giúp nâng cao khả năng tuần hoàn tài nguyên, tận thu giá trị của rác thải, tăng tỷ lệ tái chế, hạn chế khai thác nguyên, vật liệu thô là cần thiết.

Kinh tế tuần hoàn tạo liên kết chuỗi

Theo ông Nicolas Biron - Chuyên gia chương trình, Viện Phát triển bền vững Pháp ngữ (IFDD), trong nhiều thập kỷ qua, nền kinh tế thế giới phát triển dựa trên nguồn lực tài chính và sức lao động của con người. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên và năng lượng chỉ có giới hạn trong khi nền kinh tế tuyến tính chưa chú trọng đến việc tái chế, tái tạo hiệu quả nguyên vật liệu có thể phục hồi được. Do vậy mới dẫn đến câu chuyện sản xuất ở một quốc gia còn tiêu dùng có thể ở tận bên kia bán cầu và họ không quan tâm đến việc xử lý chất thải ra sao.

“Kinh tế tuần hoàn với tái chế rác thải là cốt lõi sẽ hướng đến hệ cộng sinh công nghiệp và chú trọng đến yếu tố địa phương/quốc gia nhiều hơn để phát triển liên kết sản xuất, tiêu dùng và tái chế” - ông Nicolas Biron nhấn mạnh.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Hoa Cương chia sẻ tại diễn đàn

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Hoa Cương chia sẻ tại diễn đàn

Khác với kinh tế tuyến tính, doanh nghiệp sản xuất lĩnh vực nào biết lĩnh vực đó, sự liên kết được tạo dựng cũng ở các doanh nghiệp cùng ngành nghề. Còn nền kinh tế tuần hoàn góp phần tạo chuỗi liên kết, tương hỗ giữa các doanh nghiệp ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực từ doanh nghiệp thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và tái chế. Về quản trị vùng lãnh thổ, kinh tế tuần hoàn tăng tính tự chủ cho các địa phương và quốc gia bởi với việc tự chủ quy trình sản xuất, nếu không may có thiên tai, khủng hoảng hay dịch bệnh xảy ra vẫn có thể chủ động sản xuất và phục vụ đời sống.

Tại Việt Nam, theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Hoa Cương, đã có một số chuỗi liên kết như vậy đã bước đầu được hình thành. 09 doanh nghiệp trong ngành đồ uống nước giải khát đã liên kết thành lập Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (Pro Vietnam) với cam kết tái chế toàn bộ bao bì tại Việt Nam vào năm 2030.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp trong liên minh trên đã hợp tác, xây dựng chuỗi để thực hiện không rác thải. Ngược lại, biến rác thải thành sản phẩm khác phục vụ đời sống như xử lý chất thải chăn nuôi thành phân bón, thành khí biogas hay bã cà phê và cát thải lò hơn qua quá trình tái tạo được sản xuất thành viên gạch không nung đạt tiêu chuẩn quốc gia trong ngành xây dựng, được ứng dụng rộng rãi ở các công trình dân dụng lẫn công nghiệp.  

 

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Phát triển chuỗi liên kết từ kinh tế tuần hoàn tại chuyên mục Doanh nghiệp của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1711705425 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1711705425 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10