Vốn là chuyên gia về quản trị rủi ro cho tập đoàn Kido nên ông Danh cho rằng ngoài bản kế hoạch kinh doanh, người khởi nghiệp luôn phải lường trước và phòng ngừa rủi ro.
"Tôi đã bỏ hơn 9.000 cú bóng trong sự nghiệp của mình. Tôi cũng thua khoảng 300 trận đầu. 26 lần tôi được tin rằng sẽ giành chiến thắng trong trận đấu và bỏ lỡ nó. Tôi thất bại, thất bại và lại thất bại trong cuộc đời mình và đó là lý do vì sao tôi thành công", huyền thoại bóng rổ Michael Jordan từng chia sẻ về sự nghiệp của mình. Câu nói của anh cũng khá giống với hành trình khởi nghiệp: Thất bại bầm dập và đầy rủi ro.
Mới đây trong chương trình Cà phê khởi nghiệp, phó Tổng giám đốc tập đoàn Kido Mã Thanh Danh cũng có những chia sẻ tương tự về con đường đầy gian khổ này. Ông Danh tốt nghiệp kỹ sư ngành điện, có bằng cử nhân ngành quản trị kinh doanh, Đại học Kinh tế. Sau này ông tiếp tục học MBA ngành chiến lược kinh doanh quốc tế và quản trị thương hiệu tại Vương quốc Bỉ.
Công việc tại Kido của vị phó tổng giám đốc này là giám sát rủi ro với hơn 10 năm kinh nghiệm trong quản lý chiến lược kinh doanh, tư vấn quản lý thương hiệu và tư vấn mua bán và sáp nhập (M&A). Đặc biệt giai đoạn 1997-2001 ông Danh là người phụ trách phát triển ngành bánh tươi đầu tiên của Kinh Đô. Ông Danh cũng từng giữ chức vụ giám đốc tài chính công ty truyền hình cáp BSC thuộc HTVC.
Theo ông Mã Thanh Danh, bước chân vào khởi nghiệp là lúc người trẻ đang đi vào một đại dương lớn, một cuộc chơi lớn. Và cuộc chơi này không dành cho tất cả mọi người. Những tấm gương khởi nghiệp từ tay trắng hay thậm chí là bỏ học thành công như Bill Gates, Mark Zuckerberg, Jack Ma,… thôi thúc nhiều người trẻ gia nhập cuộc chơi thế nhưng theo ông Danh thì "đời không như là mơ".
"Em có chuẩn bị đủ tài chính cho 3 năm tới? Nếu dự án này không thành công thì nguồn tiền nào để nuôi em, gia đình, vợ con em?", phó giám đốc tập đoàn Kido đặt câu hỏi.
Mặt trái của tấm huy chương khởi nghiệp cũng từng được doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn cho rằng đây là lĩnh vực dễ thất bại và dễ bị cuốn theo phong trào. "Trong mớ xổ số 1000 số cũng có 1 số trúng thì cũng có 1 anh thành công khởi nghiệp. Công nghệ là lĩnh vực dễ thành công bởi nó đa dạng lắm. Mấy ông tỷ phú Mỹ thành công phần lớn từ công nghệ. Nhưng cái đó cũng khó nuốt lắm", vua hàng hiệu nhận xét về khả năng thành công của startup.
Ngoài việc chuẩn bị các phương án cho khởi nghiệp, theo ông Danh người trẻ cần chuẩn bị tâm thế "vứt bỏ tất cả cân đai mũ áo hồi xưa từng làm cho tập đoàn hàng đầu". Với kinh nghiệm làm việc cho tập đoàn Kido, ông cho rằng khi thực hiện 1 ý tưởng, 1 chiến dịch 10.000 tỷ đồng rất dễ bởi có hệ thống hỗ trợ luôn sẵn sàng.
Khi làm ở tập đoàn, sản phẩm đó đã có sẵn thương hiệu, đội ngũ R&D toàn cầu cũng có để hỗ trợ bạn. Khi bạn bạn cần thêm người phòng nhân sự tuyển dụng cho bạn. Bạn cần chiến dịch marketing bạn có phòng chiến lược PR marketing, các agency thực hiện. Vai trò của bạn là gì: Chỉ thực thi chiến địch đó thôi.
"Nếu bạn đi ra một mình, ai sẽ làm những điều đó? Những kinh nghiệm cũ bạn không dùng được, bạn phải làm lại hết. Tự do có cái giá của nó!", ông Danh nhấn mạnh.
Tâm thế bắt đầu mọi thứ từ con số 0 cũng giúp người khởi nghiệp sẵn sàng để học hỏi. Tất nhiên theo ông Danh nếu khởi nghiệp với những ngành gần với công việc đang làm thì khả năng chuyển giao được kiến thực ngành đó cao hơn.
"Tuy nhiên khởi nghiệp các bạn thường nghĩ các ý tưởng bay cao, mô hình này điều tra cho thấy dùng được cho thị trường ngàn tỷ nhưng thị trường này chưa chắc dành cho bạn", phó tổng giám đốc tập đoàn Kido thẳng thắn nhìn vào mơ ước của nhiều startup.
Theo ông, nếu họ khởi nghiệp từ chuỗi ẩm thực thì trước khi mở quán khoan đã nghĩ đến mở chuỗi. "Bạn hãy tồn tại một điểm nào đó bạn cảm thấy bạn có thị trường ở đó. Khi mình không thể tồn tại trong một thị trường nhỏ nào đó thì thị trường cực kỳ lớn, mô hình không chứng minh được điều đó. Cùng đừng tham vọng ôm hết thị trường Việt Nam 64 tỉnh thành", ông Danh chia sẻ thêm.
Điều này khá đúng khi sự thực phũ phàng được ông Danh chỉ ra rằng 90% doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ biến mất trong 3-5 năm. Dữ liệu năm 2017 cũng cho thấy có hơn 126.000 doanh nghiệp thành lập cũng có 60.000 doanh nghiệp phá sản, con số nằm lay lắt cũng rất nhiều.
Những lúc tốt đẹp nhất là rủi ro nhất
Vốn là chuyên gia về quản trị rủi ro cho tập đoàn Kido nên ông Danh cho rằng ngoài bản kế hoạch kinh doanh, người khởi nghiệp luôn phải lường trước và phòng ngừa rủi ro. Những rủi ro trong lĩnh vực này có thể kể đến như rủi ro pháp lý, rủi ro vận hành, rủi ro gọi vốn, rủi ro quản trị,…
Ông cũng cho biết thêm những rủi ro này không đột nhiên ập đến mà đều có những dấu hiệu nhận biết. Ví dụ với một doanh nghiệp khởi nghiệp bán dừa trực tuyến khi ông nhà vườn bắt đầu giảm đơn hàng, bạn đặt 100 tấn nhưng chỉ giao 50 tấn, tách ra giao cho người khác thì đây là dấu hiệu của rủi ro.
Theo ông Danh, người này cần chuẩn bị trước khi các dấu hiệu này xảy ra và tìm sẵn người cung cấp thứ 2. Tập đoàn lớn Walmart cũng làm tương tự như vậy. Khi họ tìm người thứ 2 liền sẽ có thể gây áp lực nhà cung ban đầu phải giảm giá. Đây chính là phòng ngừa rủi ro từ chuỗi cung ứng.
"Thực ra về nguyên tắc suy nghĩ thì phòng ngừa rủi ro và 1 bản kế hoạch kế hoạch kinh doanh là 2 anh em sinh đôi. Khi bạn vào 1 ngành nào đó trong chuỗi giá trị bạn phải trả lời sức chịu đựng của mình trong ngành là gì thì đó là quản trị rủi ro đầu tiên", doanh nhân này quyết định. Ông cũng cho rằng những gì tốt đẹp nhất là những gì luôn chứa đựng rủi ro nhất.