Những cú tăng và hạ lãi suất của FED luôn để lại hậu quả nặng nề. Ngay lúc này, giới đầu tư phố Wall đang sợ hãi kịch bản 1980 sẽ lặp lại.
>>FED tiết lộ câu trả lời cho định hướng chính sách tiền tệ
Ngay phiên giao dịch đầu năm mới 2024, chỉ số Nasdaq thiên về công nghệ giảm 1,6%, S&P 500 giảm 0,6%. Ông Steve Eisman, Giám đốc quản lý danh mục đầu tư cấp cao của Neuberger Berman lo ngại, mọi người đang bước vào năm nay với tâm trạng quá lạc quan.
Eisman lưu ý rằng việc FED giảm lãi suất vào năm 2024 có thể trở thành chất xúc tác tiêu cực trong ngắn hạn. Điều này có nguy cơ sẽ trở thành sai lầm tương tự mà Chủ tịch FED Paul Volcker mắc phải vào thập niên 80 - khi ông ngừng tăng lãi suất và lạm phát lại vượt khỏi tầm kiểm soát.
Paul Volcker giữ ghế Chủ tịch FED trong bối cảnh lạm phát tăng từ 6,6% lên 11,8%. Cuối năm 1979, Volcker bắt đầu thi triển chính sách “đau đớn cho các ngân hàng TW” buộc các định chế tài chính tăng lãi suất từ 1-12% thông qua tập trung giới hạn tăng trưởng nguồn cung tiền. Cuối cùng, lãi suất vọt lên 20%, tỷ lệ thất nghiệp trên 10%.
“Chỉ số khốn khổ” (Misery Index) tại Mỹ đạt đỉnh, tuy lạm phát được kìm chế lại nhưng kinh tế Mỹ suy thoái nặng, nông dân lái máy cày bao vây trụ sở FED và gửi thư cho Chủ tịch FED với lời lẽ giận dữ. Đây là nguyên nhân khiến Tổng thống Mỹ Jimmy Carter bại trận trong cuộc bầu cử năm 1980 trước Ronald Reagan.
Paul Volcker là người sùng bái “chủ nghĩa tiền tệ”- một công trình của chiến lược gia Milton Friedman, người từng giành giải Nobel kinh tế, cho rằng: Khi cung tiền vượt quá cầu tiền thì người ta sẽ tiêu số tiền dư thừa, khiến cho tổng cầu tăng lên, đẩy giá cả trượt dốc không có điểm dừng lại.
Có nghĩa là, thay vì sử dụng “mỏ neo lãi suất”, tăng giá đồng tiền, FED thời kỳ đó áp dụng biện pháp cơ học, trực tiếp áp trần số lượng tiền bơm ra thị trường, thả nổi lãi suất tự do cho thị trường điều tiết. Như vậy, bản chất tư bản tài chính trỗi dậy, họ tìm mọi cách tối ưu hóa lợi nhuận hoạt động kinh doanh tiền tệ, không hề quan tâm đến “trị giá đồng tiền”.
Đáng nói rằng, lý thuyết này trái ngược với quan điểm bản lề của kinh tế gia trứ danh người Anh, John Keynes: “tổng cầu không liên quan gì đến tiền tệ”. Trong khi đó, các nền kinh tế tư bản điển hình ở phương Tây đều sử dụng “học thuyết Keynes”.
>>Hai thái cực cắt giảm lãi suất của FED
Với đương kim Chủ tịch FED, Jerome Powell - các chuyên gia cho rằng, ông muốn tạo ra dấu ấn riêng, không quá cứng rắn như Volcker đã gây ra suy thoái, và cũng không nhu nhược như Arthur Burns - cựu Chủ tịch FED trước năm 1979, người tạo ra lạm phát dai dẳng.
Powell đang đúng khi lạm phát Mỹ hiện giờ được kiểm soát trong phạm vi 3,2 - 4%, thành quả không nhỏ so với một năm trước. Vậy nhưng, không ít chuyên gia ở Phố Wall vẫn hoài nghi lạm phát sẽ quay lại và suy thoái chực chờ.
Steve Eisman nói: “Nếu tôi là FED và tôi đang xem bài học của Volcker, tôi sẽ tự nhủ: Tôi vội vàng làm gì? Lạm phát đã xuất hiện. Nếu không có suy thoái kinh tế, tôi không thấy có lý do gì khiến FED cần phải tích cực cắt giảm lãi suất”.
Có tới 65% nhà kinh tế được Bloomberg khảo sát từ đầu năm 2023 - không nghĩ rằng, FED sẽ hoàn thành nhiệm vụ chống lạm phát mà không đẩy kinh tế Mỹ vào suy thoái.
Có thể bạn quan tâm