Phòng tránh nguy cơ rửa tiền từ giao dịch bất động sản và tiền ảo

DIỄM NGỌC 20/07/2022 04:50

Hoạt động rửa tiền thông qua lĩnh vực bất động sản, tiền ảo khá là nhức nhối, trong khi các quy định pháp luật còn hạn chế và công tác đấu tranh ngăn ngừa vẫn còn những khoảng trống.

>>Đề xuất chỉnh sửa hoàn thiện pháp luật về Phòng chống rửa tiền

Cảnh báo rửa tiền từ bất động sản

Bất động sản là lĩnh vực thu hút được nhiều nguồn tiền đầu tư có giá trị lớn, các giao dịch mua bán, chuyển nhượng có thể thực hiện bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản và không thông qua sàn giao dịch bất động sản, nên rất khó cho các cơ quan chức năng kiểm tra, xác định nguồn gốc của tiền. Do đó, hoạt động rửa tiền thông qua bất động sản được xem là một trong những kênh đầu tư mà tội phạm rửa tiền dễ khai thác.

Các trường hợp phạm tội chiếm được nhiều tiền thường sử dụng tiền đó để mua nhà đất. Hiện nay, chúng ta chưa có quy định chặt chẽ về việc xác định nguồn gốc tiền để mua nhà

Các trường hợp phạm tội chiếm được nhiều tiền thường sử dụng tiền đó để mua nhà, đất trong khi chúng ta chưa có quy định chặt chẽ về việc xác định nguồn gốc tiền để mua nhà

Theo PGS. TS. Doãn Thị Hồng Nhung, giảng viên cao cấp khoa Luật, ĐH Quốc gia Hà Nội đánh giá, việc rửa tiền ở Việt Nam trong thời gian vừa qua ngày càng tinh vi hơn, số lượng tiền ngày càng nhiều hơn.

Bên cạnh đó, cũng có hình thức hợp thức hóa các khoản tiền bằng cách vui chơi có thưởng, xổ số trúng thưởng có giá trị lớn và quà tặng quà khuyến mại kèm theo bất động sản, ví dụ mua một biệt thự giá từ bao nhiêu đó, thì được tặng một căn hộ hoặc một biệt thự...

“Đối tượng rửa tiền có thể nhờ người thân, người quen những người tin cậy để gửi các tài sản đó nhằm che giấu nguồn gốc. Có những trường hợp mở đến mấy chục tài khoản tại các ngân hàng để đứng ra giao dịch, mua hàng chục biệt thự giá trị lên tới hàng trăm tỷ đồng, hay gửi tặng nhau các cổ phần trong hoạt động đầu tư kinh doanh, nhưng để xem xét và truy cứu những vấn đề này thì còn nhiều khó khăn”, vị PGS nói.

Cùng chung nhận định trên, TS.LS. Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp cho hay, các trường hợp phạm tội chiếm được nhiều tiền thường sử dụng tiền đó để mua nhà đất. Hiện nay, chúng ta chưa có quy định chặt chẽ về việc xác định nguồn gốc tiền để mua nhà. Nếu rà soát sẽ thấy, có một bộ phận người có chức vụ quyền hạn cao, trong kê khai tài sản hằng năm thì không có gì, nhưng các anh em con cháu lại đứng tên các tài sản rất lớn.

Như vậy để thấy, hoạt động rửa tiền đối với lĩnh vực bất động sản khá là nhức nhối khi các quy định pháp luật về rửa tiền còn nhiều hạn chế. Cùng với đó, việc tổ chức thực hiện pháp luật đấu tranh ngăn ngừa với hành vi phạm tội vẫn còn những khoảng trống, dẫn đến câu chuyện tiền phạm tội không chỉ để mua vàng, chuyển ra nước ngoài mà còn sẵn sàng chuyển thành các bất động sản.

Quy định về Luật Phòng chống rửa tiền 2012 có nêu rõ trách nhiệm báo cáo của các doanh nghiệp liên quan đến hoạt động kinh doanh của mình, bao gồm cả báo cáo thường xuyên và báo cáo theo vụ việc, hoặc theo yêu cầu. Nhưng theo nhận xét của PGS.TS. Doãn Thị Hồng Nhung, vấn đề báo cáo này không được thường xuyên, vì các hoạt động giao dịch, kinh doanh bất động sản trong thời gian qua hầu như không bao giờ khai thật giá trị mua bán, chuyển nhượng. Trong khi đó, quy định của pháp luật là tất cả các giao dịch từ 300 triệu đồng trở lên đều phải có nghĩa vụ báo cáo Cục Nhà ở và Thị trường bất động sản, cũng như Cục Phòng chống tham nhũng.

“Với những giao dịch này, các cá nhân có thể chia nhỏ ra, lập thành rất nhiều tài khoản để chuyển tiền không quá 299 triệu đồng nhằm né báo cáo. Đây là vấn đề vẫn còn hạn chế lớn trong điều chỉnh của Luật. Tôi cho rằng, việc báo cáo là trách nhiệm của các sàn giao dịch bất động sản được yêu cầu, nhưng chất lượng báo cáo lại phụ thuộc vào ý thức, hiện trạng đang diễn ra tại những đơn vị, cơ sở đó, còn nội dung thực tế và vụ việc cụ thể thì dễ bị che giấu bớt đi. Do đó, chất lượng báo cáo yêu cầu tiêu chí cần được cụ thể hóa hơn nữa trong các văn bản hướng dẫn và các thông tư cụ thể mà các cơ quan quản lý có thể nắm chắc”, chuyên gia nói.

Về vấn đề này, LS. Cường bổ sung thêm, ngoài câu chuyện báo cáo theo yêu cầu, những người tham gia các giao dịch mua bán chuyển nhượng bất động sản có thể có cấu kết với nhau khai thấp giá xuống, vì giá cả trong giao dịch do các bên đương sự tự thỏa thuận, khiến cơ quan chức năng khó phát hiện ra. Thậm chí các sàn giao dịch cũng chấp nhận việc ghi trên hợp đồng như vậy để nhanh chóng giải quyết được việc.

“Theo tôi khi mở rộng các đối tượng hoạt động phải báo cáo trong Luật phòng chống rửa tiền thì nên mở rộng thêm đối tượng là các giao dịch giữa các cá nhân với nhau, liên quan đến hoạt động bất động sản phải có cơ chế để kiểm soát, giám sát, xác định ngay nguồn tiền trong các giao dịch ngay từ đầu.

Ví dụ, các cơ quan công chứng, sàn giao dịch bất động sản có trách nhiệm yêu cầu bên mua, nhận chuyển nhượng phải cung cấp các thông tin tài liệu chứng minh số tiền đó là hợp pháp, nếu không chứng minh được thì công chứng viên có quyền từ chối giao dịch”, LS. Cường khuyến nghị.

>>Chống thất thu thuế từ chuyển nhượng bất động sản “hai giá”

Mở rộng đối tượng báo cáo về tiền ảo

Đáng chú ý, các giao dịch liên quan đến tiền ảo, tài chính trên không gian mạng là những giao dịch rất dễ phát sinh các khoản thu nhập lớn. Các chuyên gia ngân hàng, tài chính chia sẻ, hiện nay tội phạm thường dùng tiền do phạm pháp mà có để đầu tư (mua) các đồng tiền ảo được chào bán công khai tại các sàn giao dịch trên mạng Internet. Lúc này, “tiền bẩn” đã ẩn mình dưới vỏ bọc là tiền ảo. Sau đó, nhờ tính ẩn danh, lượng tiền ảo đó có thể bán cho người khác hoặc bán ngược trở lại thị trường trong các giao dịch hằng ngày.

Các giao dịch liên quan đến tiền ảo, tài chính trên không gian mạng là những giao dịch rất dễ phát sinh các khoản thu nhập lớn, tiềm ẩn nguy cơ rửa tiền

Các giao dịch liên quan đến tiền ảo, tài chính trên không gian mạng là những giao dịch rất dễ phát sinh các khoản thu nhập lớn, tiềm ẩn nguy cơ rửa tiền

Đặc biệt, với sự xuất hiện của những sàn giao dịch tiền ảo như hiện nay, việc chuyển đổi từ một đồng tiền này sang đồng tiền khác quá dễ dàng. Thông qua việc mua bán qua lại giữa những người giao dịch tiền ảo trên sàn mà nguồn gốc số tiền phạm pháp được “làm sạch”. Khi cần quy đổi thành tiền mặt, tội phạm có thể bán số tiền ảo đó cho người cùng tham gia giao dịch trên sàn hoặc bán ngay cho chủ sàn, đàng hoàng rút tiền thật ra để hòa nhập với thị trường tài chính. Vì vậy, các chuyên gia đều đồng tình quan điểm rằng, những đối tượng báo cáo theo Luật cần phải được mở rộng thêm.

Phát biểu tại một toạ đàm về phòng chống rửa tiền mới đây, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, xuất phát từ việc thực thi Luật và nắm bắt xu hướng phát triển của các dịch vụ tài chính mới, NHNN đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các nội dung sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền; trong đó tập trung xem xét đến vấn đề về đối tượng báo cáo, đặc biệt là đối tượng liên quan đến tài sản ảo. Do thực tế thống kê cho thấy, lĩnh vực tài sản ảo đang có sự phát triển nhanh chóng và phức tạp trên thế giới, và Việt Nam cũng không phải là một ngoại lệ.

Ông Ketut Ariadi Kusuma - Điều phối viên Khu vực Tài chính (World Bank) lý giải, các giao dịch thanh toán với tài sản ảo khác các giao dịch tài chính truyền thống, việc chuyển tiền được thực hiện giữa người với người qua các hệ thống thanh toán công nghệ mới, thay vì thông qua ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính truyền thống.

Cuộc cách mạng 4.0 đã thúc đẩy công nghệ phát triển nhanh chóng và dường như còn được đẩy mạnh hơn nữa bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến việc sử dụng tài sản ảo ngày càng phát triển, đòi hỏi phải có những điều chỉnh, sửa đổi quy định phù hợp với lĩnh vực này.

Có thể bạn quan tâm

  • Phòng, chống rửa tiền – Cần sớm hoàn thiện đồng bộ hành lang pháp lý

    04:20, 24/12/2021

  • Đề xuất chỉnh sửa hoàn thiện pháp luật về Phòng chống rửa tiền

    05:35, 29/11/2021

  • Sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền “lấp” khoảng trống quản lý tiền ảo

    04:10, 24/11/2021

  • Sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền khắc phục những bất cập, hạn chế

    04:30, 22/11/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Phòng tránh nguy cơ rửa tiền từ giao dịch bất động sản và tiền ảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO