Chuyên gia kiến nghị cần có quỹ bảo lãnh đứng bên cạnh ngân hàng để khơi thông nguồn lực tài chính cho doanh nghiệp trong bối cảnh sản xuất trở lại như hiện nay.
Trước những tác động của dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, cùng với sự nỗ lực vừa phòng chống dịch, vừa duy trì sản xuất. tổng sản phẩm trong nước (GDP) trong 9 tháng đầu năm tăng 1,42%.
Theo Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp thành lập mới giảm mạnh, trong khi doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể lại tăng đã gây áp lực giải quyết việc làm cho thị trường lao động và làm tăng nguy cơ thất thu ngân sách Nhà nước trong thời gian tới.
Trong thời gian này, các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 của Chính phủ được tung ra đúng đắn và kịp thời, nhưng khi triển khai ở các cấp lại vướng nhiều hạn chế, khiến một bộ phận doanh nghiệp tiếp cận khó khăn, không phát huy được hiệu quả.
Về vấn đề này, VCCI cũng cho rằng hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước chủ yếu dưới hình thức gián tiếp thông qua chính sách giãn, hoãn, kéo dài thời gian thực hiện các nghĩa vụ thuế, khoản vay đối với doanh nghiệp, trong khi doanh nghiệp lại cần hơn những chính sách hỗ trợ trực tiếp và mức hỗ trợ cụ thể hơn.
Tại buổi làm việc với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa diễn ra, một trong những kiến nghị được VCCI - đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp - đưa ra là nghiên cứu ban hành một số chính sách tài khóa, tiền tệ có tính chất đột phá cho doanh nghiệp.
Với tình thế sống còn, tình trạng kiệt quệ hiện nay của các doanh nghiệp, VCCI kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét bổ sung gói hỗ trợ cấp bù khoảng 3-5%/năm so với lãi suất thị trường và tập trung vào những ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 như du lịch, hàng không, vận tải, y tế và giáo dục & đào tạo.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Vietravel cũng cho biết khi bước vào giai đoạn mở cửa, doanh nghiệp cần một dòng vốn mới. Dòng vốn đó phải rẻ, ở mức lãi suất cho vay 3-3,5%/năm và doanh nghiệp phải tiếp cận được.
Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp cũng như ngân hàng, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên cho biết cần có những quỹ bảo lãnh cho doanh nghiệp vay. Trên thực tế, xét theo tình hình kinh doanh và khó khăn dòng tiền hiện tại của phần lớn doanh nghiệp, sự chần chừ của ngân hàng là có lý. Vì vậy, điều này đòi hỏi quỹ bảo lãnh phải đứng bên cạnh ngân hàng để hỗ trợ tốt hơn hoạt động cho vay doanh nghiệp. Cách thức triển khai là bám sát doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp để đo lường, đánh giá rủi ro và triển vọng phục hồi để đi đến quyết định cho doanh nghiệp vay vốn.
Bên cạnh quỹ bảo lãnh tín dụng, chuyên gia còn cho rằng việc có thêm một tổ hợp tín dụng với sự tham gia của tất các ngân hàng thương mại và cho vay với lãi suất thấp cũng là cách hỗ trợ linh hoạt trong tình hình hiện nay dành cho doanh nghiệp.
Đóng góp thêm ý kiến, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu gợi ý tổ hợp này nên cho vay tín chấp thay vì thế chấp. Điều này phù hợp thực tế khi việc vay thế chấp đòi hỏi tài sản đảm bảo sẽ hạn chế số lượng doanh nghiệp đủ điều kiện, nhất là sau khi trải qua 4 làn sóng dịch COVID-19 trong 2 năm trở lại đây.
Ông Nguyễn Trí Hiếu đề xuất Tổ hợp tín dụng làm việc với quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương để hỗ trợ doanh nghiệp có được nguồn lực tài chính trong giai đoạn phục hồi như bây giờ. Hiện hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương đã có khung quy định tại Nghị định 34/2018 về tổ chức hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Có thể bạn quan tâm
05:00, 10/10/2021
11:00, 09/10/2021
04:30, 09/10/2021
04:00, 08/10/2021
18:07, 07/10/2021
04:30, 07/10/2021
04:10, 07/10/2021